Cổ viện Chàm khi mới mở cửa đón công chúng năm 1919
Văn khắc kể chuyện ngàn xưa
Câu hỏi này đã được kiến trúc sư, nhà khảo cổ Jean Yves Claeys giải đáp năm 1934 trong cuốn Đô Thành Hiếu cổ. Jean Yves Claeys cho rằng muốn biết đến một vương quốc Champa chói lọi về quân sự, lộng lẫy của triều đình cho đến các phong tục cúng bái và cả nghệ thuật, trước hết dựa vào những di tích còn lại. Đó là bao gồm các công trình đền tháp xây bằng gạch còn nguyên vẹn cũng như đã bị phá hủy và cả các công trình chạm khắc đá.
Thứ đến là những nội dung bằng tiếng Chăm và tiếng Phạn trên các bia và bề mặt các công trình bằng đá; rồi cuối cùng mới "bổ khuyết" tái tạo quá khứ bằng các sách sử của Việt Nam và các quốc gia xung quanh.
"Thật may mắn khi đây chính là nơi chứa đựng một khối lượng hiện vật điêu khắc lẫn văn khắc Champa đồ sộ và phong phú nhất trong tất cả các bảo tàng trên thế giới. Đặc biệt là các bộ sưu tập hiện vật quý hiếm bao gồm những kiệt tác tiêu biểu cho từng giai đoạn phát triển của nghệ thuật Champa từ thế kỷ thứ VII đến thế kỷ XV" - ông Võ Văn Thắng, nguyên giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, khẳng định vai trò và tầm vóc của những cổ vật ở đây.
Theo ông Thắng, bộ sưu tập văn khắc của bảo tàng có một giá trị đặc biệt với các loại hình văn bia đi xuyên suốt nhiều thời kỳ lịch sử Champa. Sớm nhất có thể kể đến như văn khắc Mỹ Sơn ở thế kỷ VII, cho đến các loại hình có niên đại muộn như văn bia Drang Lai thế kỷ XV.
Nội dung văn bia chứa khối lượng thông tin đa dạng, có khi là những bài tụng ca dâng cúng thần linh với khối lượng thông tin đồ sộ, nhưng cũng có khi chỉ là một con chữ để làm ký hiệu cho việc lắp ghép các bộ phận của một đài thờ đồ sộ như đài thờ Mỹ Sơn E1, đài thờ Đồng Dương, hai bảo vật quốc gia tại bảo tàng.
“Tôi không muốn nghĩ về giả thuyết sẽ ra sao nếu 100 năm qua những hiện vật Chăm quý giá mà chúng ta đang sở hữu không được bảo vệ trong bảo tàng.
Ông Võ Văn Thắng
Vào năm 2012, Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (EFEO) thực hiện một dự án nghiên cứu về văn khắc Champa tại bảo tàng đã đi "từng ngóc ngách" nội dung. Trong đó nhìn nhận hầu hết liên quan đến việc thờ cúng thần linh.
Điều này cho thấy tôn giáo đóng một vai trò chủ đạo trong đời sống xã hội Chăm cổ đại. Từ nội dung văn khắc có thể biết được lịch sử tu viện, những vị thần nào được thờ cúng, những phương tiện vật chất nào được dùng để phục vụ họ.
Và đương nhiên trong xã hội xưa, một trong những cách quan trọng nhất để hỗ trợ các cơ sở tôn giáo là cấp đất và miễn thuế nên văn khắc cho chúng ta thông tin phong phú về hệ thống sở hữu đất cổ xưa kia.
"Hầu hết các văn khắc đều được ban hành bởi những người có chức vụ cụ thể trong vương quyền Champa xưa kia. Những cái tên này cho phép các nhà nghiên cứu lịch sử tìm hiểu nhiều vấn đề chính trị, mối quan hệ với các nước lân cận. Đương nhiên những văn khắc này không quên ghi lại thời điểm diễn ra sự kiện nên cho phép những sử gia tái hiện được các câu chuyện cơ bản trong lịch sử vương quốc Champa" - một chuyên gia của EFEO nhìn nhận.
Một cuộc khai quật của người Pháp ở Phật viện Đồng Dương (Quảng Nam) năm 1902- Ảnh: EFEO
"Giữ của" cho những đợt khai quật
"Trong điều kiện bây giờ, với những trường hợp cụ thể chúng ta có thể thấy rằng việc để yên hiện vật tại kiến trúc có thể là tốt. Nhưng nếu thử làm cuộc du hành về hơn một thế kỷ trước, rồi đi qua chặng đường đầy biến cố của dân tộc, liệu con cháu chúng ta có lại được nhìn thấy những gì cha ông mình đã trải qua trên mảnh đất này?" - ông Thắng đã dành chút trầm ngâm khi nói về di sản Chăm.
Chút trầm ngâm như mang nặng hàm ý biết ơn những người đã được lưu tên trong lịch sử bảo tàng này. Ngược về đầu thế kỷ 20 với một loạt cuộc khai quật đền tháp Chăm ở các tỉnh miền Trung được những nhà khảo cổ người Pháp tổ chức. Dù địa hình ở những điểm di tích này có khó khăn nhưng hầu hết hiện vật thu được từ những đợt khai quật quy mô vẫn được mang về cất giữ tại Đà Nẵng bằng một nỗ lực bảo tồn tuyệt vời.
Hình ảnh về đợt khai quật ở Tháp Mẫm (Bình Định) năm 1934 cho thấy dù xa cách về địa lý nhưng những chiếc thuyền nan vẫn vượt hàng trăm hải lý để mang bộ sưu tập trọn vẹn về đây. Nhờ đó đã cứu vãn được phần lớn những hiện vật tiêu biểu tại các di tích Chăm khỏi bị tàn phá bởi khói lửa chiến tranh.
Những bộ sưu tập quý giá của bảo tàng được mang về từ các cuộc khai quật đã đem đến một "lý lịch xuất xứ" rõ ràng là sức nặng thuyết phục bất cứ vị khách khó tính nào còn hồ nghi về giá trị di sản do người Champa xưa tạo dựng. Nhận định giá trị lớn của bảo tàng là gắn liền với khảo cổ học, ông Thắng nói: "Nhờ bộ sưu tập hiện vật và các báo cáo kết quả hoạt động khảo cổ của người Pháp, chúng ta có thể hình dung và tái dựng được không gian kiến trúc của công trình xưa, giúp khách tham quan đến với bảo tàng có thể nhận thức và hiểu biết đúng về giá trị di sản người xưa để lại".
Đương nhiên đi qua chặng đường dài, bộ sưu tập ở đây còn là thành quả khảo cổ và hoạt động văn hóa từ những nỗ lực trong nước. Bảo tàng được bổ sung liên tục, trong đó đáng chú ý hơn cả là tượng đồng Bồ Tát Tara/Laskmindra Lokesvara sưu tầm ở Đồng Dương, các nhóm hiện vật từ di tích Phú Hưng, An Mỹ. Đây là các hiện vật được đánh giá đã mang đến những bước phát triển mới trong nhận thức, khám phá về nghệ thuật Champa.
Hiện vật khai quật từ tháp Mẫm (Bình Định) được đưa về Đà Nẵng bằng đường thủy năm 1934 - Ảnh: EFEO
Cuộc long đong của nữ thần Dương Lệ
Với những bộ sưu tập quy mô và có hệ thống cho phép mang đến sự hiểu biết về các phong cách trong văn hóa Champa cổ xưa, những hiện vật tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng là một cơ sở dữ liệu quan trọng để xác định niên đại, tên gọi của nhiều hiện vật được lưu giữ rải rác khắp cả nước.
Lấy trường hợp tượng Uma Dương Lệ ở Bảo tàng Quảng Trị vừa được Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia làm ví dụ. Đây là hiện vật được đánh giá không những có lý lịch ly kỳ mà còn mang trong mình những điều khác lạ so với rất nhiều tượng Chăm.
Pho tượng này từng được người Pháp thống kê khảo tả năm 1905 rồi "mất tích" trong các công trình nghiên cứu tượng cổ. Hơn 80 năm sau, tượng được phát hiện tại một miếu thờ ở huyện Triệu Phong, Quảng Trị rồi được đưa về bảo tàng tỉnh năm 1997. Do mất cả hai tay, thiếu dữ liệu đối chiếu nên tượng nữ Dương Lệ này được đặt tên "Uma" và suy đoán niên đại vào đầu thế kỷ X.
Mới đây, PGS.TS Ngô Văn Doanh, nguyên ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, đã dựa vào một loạt cách tạo hình trên tượng để đối chiếu với các hiện vật, phù điêu được khai quật từ Mỹ Sơn (E1) đang trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, lập luận về một niên đại xuất hiện sớm hơn cho hiện vật là từ thế kỷ thứ VIII. So sánh với phong cách Mỹ Sơn E1, PGS Doanh xác định đây thuộc nhóm truyền thống tượng Lakshmi.
Trong lúc đào đất làm gạch, người dân khu vực di tích Phật viện Đồng Dương đã phát hiện tượng Bồ tát Tara bằng đồng. Lịch sử huyền bí được kể lại...
Kỳ tới: Bảo vật quốc gia kể chuyện
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận