15/08/2021 09:27 GMT+7

Có tin được Taliban?

NGUYỄN NGỌC HÙNG
NGUYỄN NGỌC HÙNG

TTO - Việc Đại sứ quán Mỹ tại Kabul tiêu hủy "các vật chất nhạy cảm", sẵn sàng rút phái đoàn ngoại giao khỏi Afghanistan khiến dư luận đoan chắc Taliban sắp trở lại cầm quyền ở quốc gia Nam Á này.

Có tin được Taliban? - Ảnh 1.

Các khu vực Taliban chiếm đóng và còn nằm trong tay chính quyền Kabul tính đến cuối ngày 13-8-2021 - Nguồn: AL JAZEERA, NEW YORK TIMES - Dữ liệu: BẢO DUY - Đồ họa: N.KH.

Tháng 2-2020, chính quyền tổng thống Donald Trump ký thỏa thuận lịch sử với Taliban, cam kết rút hết quân khỏi Afghanistan vào cuối năm 2021. Đổi lại, Taliban chấp nhận một giải pháp chính trị với chính quyền của Tổng thống Ashraf Ghani.

Mỹ dứt khoát buông bỏ

Sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Joe Biden tuyên bố Mỹ bắt đầu rút quân từ tháng 5 và hoàn tất vào 31-8 để kết thúc cuộc chiến gần 20 năm qua. Đến nay, Mỹ và đồng minh NATO đã rút gần hết quân khỏi nước này, chỉ để lại khoảng 1.000 quân bảo vệ Đại sứ quán Mỹ và thu dọn chiến trường.

Từ 6-8, Taliban ào ạt đánh lấn các mặt trận, nhất là ở miền bắc và miền tây. Chỉ trong vòng mươi ngày, Taliban đã chiếm được hơn một nửa tổng số thủ phủ các tỉnh trong cả nước. Lực lượng này đã kiểm soát hầu hết các cửa khẩu biên giới chủ chốt, trong đó quan trọng nhất là cửa khẩu với Pakistan ở phía nam, nơi thông quan mọi nhu cầu của quân đội Mỹ ở Afghanistan.

Hơn một tuần trước, Mỹ còn dự đoán "tình huống xấu nhất" cũng phải đến cuối năm nay Taliban mới tiến được vào Kabul. Nhưng nay đã có nhận định có thể trong tháng 9 chính quyền của ông Ghani sẽ sụp đổ.

Ngày 11-8, ông Biden tuyên bố "người Afghan phải tự bảo vệ mình" và hành động điều quân mới nhất của Mỹ chỉ là đảm bảo an toàn cho việc di tản người Mỹ và đồng minh khỏi Afghanistan.

Tuyên bố sau đó của một hội nghị quốc tế vừa bế mạc ngày 13-8 tại Doha, bao gồm các đại diện của Mỹ, Nga, Trung Quốc…, cũng chỉ "cảnh báo" Taliban "sẽ bị cô lập" nếu dùng vũ lực cướp chính quyền và "kêu gọi" Taliban nối lại đàm phán với chính phủ Kabul. Cũng tại hội nghị này, Chính phủ Afghanistan đã chuyển tới phái đoàn Taliban một đề nghị "ngừng bắn và chia sẻ quyền lực", nhưng Taliban chưa hồi âm.

Dọn đường cho "chính danh"

Trước khi mở chiến dịch ngày 6-8, Taliban cử các phái đoàn cao cấp tới Teheran, Matxcơva và Bắc Kinh để trấn an các nước láng giềng và tìm kiếm sự đảm bảo không can thiệp quân sự vào Afghanistan sau khi Mỹ rút đi.

Trong các cuộc tiếp xúc đó, Taliban thể hiện họ "không phải là Taliban của thế kỷ trước". Họ cam kết không đe dọa các nước xung quanh, không để Al-Qaeda dùng lãnh thổ Afghanistan xâm phạm láng giềng, không cho người Duy Ngô Nhĩ hoạt động tại Afghanistan chống Trung Quốc… Họ tỏ thiện chí "muốn quan hệ với tất cả các quốc gia trên thế giới, kể cả Mỹ, sau khi Mỹ rút hết quân".

Ưu tiên trong chiến dịch quân sự của Taliban hiện nay là kiểm soát các cửa khẩu biên giới nhằm cắt mọi tiếp tế đường bộ từ bên ngoài cho Kabul, đồng thời ứng xử với các nước láng giềng theo cách "thể hiện cho họ thấy một Taliban mới như thế nào". Taliban hy vọng vào sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Pakistan và vai trò bảo trợ của Trung Quốc trên phạm vi quốc tế.

Cho đến nay, phản ứng của các bên liên quan chủ yếu tập trung vào đề phòng làn sóng tị nạn từ Afghanistan tràn qua chứ không có biểu hiện nào của một cuộc can thiệp quân sự để ngăn chặn khả năng Taliban tiếm quyền.

Tương lai bất định

Taliban không giấu tham vọng xây dựng một tiểu quốc Hồi giáo tại Afghanistan. Danh xưng này đã được sử dụng khi họ nắm quyền từ 1996 - 2001. Đó là chế độ được chế tài bởi giáo luật Shariyah - Hồi giáo cực đoan mà thế giới từng biết tới, chỉ kém man rợ hơn so với thực thể "nhà nước Hồi giáo" từng tồn tại ở Syria - Iraq giai đoạn 2014 - 2017.

Taliban cam kết không để Al-Qaeda và các tổ chức khủng bố khác hoạt động và xâm phạm các nước láng giềng. Nhưng mấy chục năm qua, Al-Qaeda luôn là đồng minh thân cận của Taliban và vẫn "sống khỏe" ở những khu vực do Taliban kiểm soát.

Taliban tiến như vũ bão trong hơn một tuần qua không phải chỉ ở thực lực quân sự của họ mà còn nhờ các yếu tố khác. Đáng kể nhất là quân đội Afghanistan không có tinh thần chiến đấu, trong một hệ thống cầm quyền và chỉ huy tham nhũng tràn lan. Và còn một yếu tố nữa là Taliban liên kết được với nhiều thủ lĩnh sắc tộc và địa phương nay đã phản bội chính quyền Kabul để cầu an.

Mỹ rút đi, Taliban trở lại thống trị Afghanistan là điều khó tránh khỏi. Nhưng lực lượng Hồi giáo cực đoan này sao có thể sớm bình định toàn bộ đất nước. Nguy cơ nội chiến hiển hiện. Trung Quốc và Pakistan tràn trề hy vọng lấp chỗ trống cả về chính trị và kinh tế ở Afghanistan. Nhưng dễ gì sớm có ổn định tại đất nước này để mà tính toán chuyện tái thiết cũng như giao thương với bên ngoài?

Taliban cách thủ đô Kabul 50km

Lực lượng Taliban đã kiểm soát được thành phố lớn thứ hai và thứ ba của Afghanistan. Như vậy, chỉ trong vòng một tuần, Taliban đã đánh chiếm được ít nhất 18 tỉnh lỵ và đang chỉ cách thủ đô Kabul khoảng 50km, theo AFP.

Trước tình hình này, đại sứ quán nhiều nước phương Tây đã đóng cửa. Bộ Quốc phòng Mỹ tái triển khai 3.000 binh sĩ tới Kabul cùng các đặc nhiệm của Canada và 600 quân từ Anh. Số binh sĩ này sẽ đảm bảo an toàn cho chiến dịch sơ tán người nước ngoài bằng trực thăng.

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên Hiệp Quốc khẳng định sẽ không rút các nhân viên dân sự, riêng NATO cam kết sẽ "hỗ trợ nhiều nhất có thể" cho Kabul thông qua các nhân viên ngoại giao và dân sự.

BẢO DUY

Chiến sự Afghanistan: Taliban chiếm cửa ngõ phía nam thủ đô Kabul Chiến sự Afghanistan: Taliban chiếm cửa ngõ phía nam thủ đô Kabul

TTO - Ngày 14-8, quan chức Afghanistan cho hay lực lượng Taliban đã chiếm thêm một tỉnh ngay sát phía nam thủ đô Kabul. Tổng thống Ashraf Ghani nói trọng tâm hiện nay là ngăn bạo lực leo thang.

NGUYỄN NGỌC HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên