02/04/2018 08:42 GMT+7

Có nên mạnh tay khi học trò 'cư xử không đúng mực'?

LÊ THANH HẢI
LÊ THANH HẢI

TTO - Nhiều giáo viên Anh đang than phiền ''chính sách hà khắc'' của các trường như phạt học sinh vì để kiểu tóc khó coi, nhai kẹo cao su trong trường...

Có nên mạnh tay khi học trò cư xử không đúng mực? - Ảnh 1.

Nhiều giáo viên ở Anh đang không đồng tình với chính sách ''không dung thứ'' với học trò - Ảnh: JUICE IMAGES

Tại hội nghị thường niên của Hiệp hội giáo viên quốc gia (NUT) Anh mới đây, các giáo viên than phiền rằng việc ngày càng có nhiều trường học áp dụng chính sách "không dung thứ" dành cho những hành vi xấu ở trường đang "tạo nên một cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần" trong học sinh.

Áp dụng chính sách "không dung thứ"?

Theo Telegraph, nhiều đại biểu kể rằng các hiệu trưởng đang dùng phương pháp "trừng phạt càng ngày càng nhiều" để giữ kỷ luật, như bắt ở lại trường sau khi tan học, cách ly khỏi lớp và đuổi học đối với các học sinh vi phạm nội quy.

Jonathan Reddiford, một đại biểu đến từ North Somerset, cho rằng trong một số trường hợp, áp dụng chính sách "không dung thứ" đối với những hành vi chưa được ngoan của học sinh là "chẳng khác gì lạm dụng trẻ em".

Ông kể về trường hợp một học sinh nữ bị đuổi ra khỏi trường vì "tội" nói chuyện với mẹ mình qua điện thoại di động, vốn là điều bị cấm ở ngôi trường em đang theo học.

"Lúc ấy cô bé nói chuyện với người mẹ đang phục vụ trong quân đội mà trước đó đã được chuyển quân tới Iraq. Đó là lần đầu tiên cô bé nói chuyện với mẹ mình sau 30 ngày không được trò chuyện và đã bị đuổi khỏi trường vì chuyện đó", ông Reddiford kể lại.

"Tính nhân văn ở đâu trong chuyện này? Điều này sẽ không giúp chúng ta tạo dựng được một thế hệ thanh niên mạnh mẽ, tự tin và có khả năng hồi phục tốt", ông bức xúc.

Còn Michael Holland, một giáo viên đến từ Lambeth ở nam London, thì cho rằng chính sách "không dung thứ" là "độc ác, và giống như thời xã hội còn kém phát triển".

Theo ông, trẻ em không nên bị gửi trả về nhà "vì chúng có một kiểu tóc ‘khó coi’ hay mang đôi giày không phải màu đen hoàn toàn".

Hồi đầu năm nay, hiệu trưởng học viện Charter ở Great Yarmouth đã viết thư cho các phụ huynh để giải thích rằng kiểu tóc "bờm xờm", cùng nhiều chuyện khác, là những điều bị cấm ở ngôi trường của ông.

Cụ thể là Barry Smith, người được mời về giữ vai trò hiệu trưởng để vực dậy ngôi trường "thất bại" này, đã dọa sẽ gửi trả lại gia đình hoặc cách ly những học sinh không chịu thay đổi kiểu tóc.

Các phụ huynh đã chỉ trích lệnh cấm trên, nhưng Văn phòng tiêu chuẩn giáo dục Anh (Ofsted) đã ủng hộ ông và dành lời khen cho những cải thiện tại học viện này sau khi ông đưa ra quy định nghiêm khắc về hành vi của học sinh.

Ông smith cũng là người đã đưa ra một loạt quy định mới tại ngôi trường mình, trong đó có việc cấm nhai kẹo cao su.

"Nếu học sinh nào bị phát hiện nhai kẹo cao su trong trường thì sẽ bị cách ly khỏi lớp học", ông nói với các phụ huynh.

Có thể phản tác dụng

Học viện Merchants ở Bristol cũng có những quy định nghiêm khắc mà ngay cả các phụ huynh cũng "than trời", vì họ cho biết đã từng thấy nhiều học sinh bị phạt chỉ vì "tội" mang đôi giày quá bóng, đập bàn hay... nhìn đồng hồ.

Phụ huynh còn kể lại rằng các học sinh vi phạm quy định đã bị buộc phải mang những sợi dây có dòng chữ "Em có 24 giờ để xếp riêng đồng phục ra".

Về phần mình, thầy hiệu trưởng Short cho rằng quy định về tác phong nghiêm khắc đó giúp cho "tất cả học sinh chăm chú hơn và tiến bộ hơn".

Ros McNeil, trợ lý tổng thư ký của NUT, nói rằng những giáo viên đang bị "áp lực" phải sử dụng "những hình phạt cứng rắn và phạt học sinh trong các trường hợp mà có thể có những lý do phức tạp cho cư xử không đúng mực ấy, chẳng hạn các em bị đói bụng, mệt mỏi và lo lắng".

Ông cho rằng các quy định "không dung thứ" hiện không hiểu đúng bản chất sự việc và có thể phản tác dụng.

"Các giáo viên hiện lo lắng về mức độ lo âu, tự hủy hoại bản thân và bất mãn mà họ đang phải chứng kiến. Những hình phạt dành cho các hành vi xấu thường không phải là giải pháp. Chúng ta cần có những lớp học nhỏ hơn, chương trình học thú vị, linh động và sự hỗ trợ từ cộng đồng", McNeil nêu ý kiến.

Phạt học sinh, đòn roi vẫn còn hiệu quả? Phạt học sinh, đòn roi vẫn còn hiệu quả?

TTO - Xin thưa, đòn roi vẫn còn tác dụng, còn hiệu quả nhưng quan trọng là giáo viên sử dụng đòn roi với đối tượng học sinh nào.

LÊ THANH HẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên