Thầy cô giáo khi lên lớp dạy đều mong mỏi một điều: học sinh của mình ngày càng tiến bộ và học giỏi - Tranh: Tuổi Trẻ Online
Có những em nếu không sử dụng đòn roi thì không thể tiến bộ. Ngược lại, có những em nếu sử dụng đòn roi là thất bại toàn tập.
Vì vậy, hơn ai hết người giáo viên đứng lớp phải hiểu được tính tình, hoàn cảnh gia đình, những bức xúc, những lo toan, những nỗi khổ... của học sinh mình. Từ đó mới quyết định một biện pháp giáo dục phù hợp.
Theo dõi thông tin thời gian gần đây, tôi thấy cám cảnh cho những đồng nghiệp trẻ, hiện vẫn còn đứng lớp trong nhà trường phổ thông: giáo viên ngày nay bị bó buộc nhiều quá, bó buộc bởi những quy định, những thông tư về chương trình, về giờ lên lớp, bó buộc cả về cách cư xử với học sinh.
Một giáo viên đứng lớp phải được trao quyền chủ động về cách giáo dục học sinh của họ trên lớp chứ tại sao lại bó buộc họ: được làm cái này và không được làm cái kia.
Hơn ai hết, các thầy cô giáo khi lên lớp dạy đều mong mỏi một điều: học sinh của mình ngày càng tiến bộ và học giỏi. Vì vậy, nếu họ có đánh, mắng thì cũng với mục đích tốt đẹp ấy chứ không vì mục đích nào khác.
Trước đây, khi đi dạy tôi nổi tiếng là cô giáo dữ nhất trường, khó tính nhất trường. Ví dụ: những em ngồi trong lớp mà không chịu nghe cô giảng, quay ngang quay ngửa, chọc ghẹo các bạn khác sẽ bị đứng suốt tiết. Chỉ khi nào mỏi chân quá, em lên nói với tôi: "Con đã biết lỗi của con rồi", tôi mới cho ngồi xuống.
Tôi còn có nhiều hình phạt khác khiến học sinh nể - sợ. Có thể những tiết của giáo viên khác, học sinh quậy đùng đùng nhưng khi tôi đã bước vào lớp là mọi thứ phải chỉnh tề, học ra học, chơi ra chơi.
Đúng là thời ấy nhiều em ghét tôi thật. Thế nhưng, bây giờ rất nhiều em trong số ấy đã quay lại thăm tôi vào ngày 20-11 và cảm ơn: "Nhờ cô ngày ấy khó tính mà bây giờ chúng em nên người".
Thời bây giờ, phụ huynh nuông chiều con em quá mức. Có lẽ bởi nhiều gia đình rất khó có con. Khi sinh được 1 đứa con thì nhất nhất hầu hạ con, làm theo ý muốn của con.
Khi mở lớp dạy kèm, đồng nghiệp của tôi đã cảnh báo rằng: "Bây giờ toàn những con cầu, con khẩn, chị đừng dùng hình thức trách - phạt như ngày xưa, không được đâu".
Xin thưa, tôi đâu có trách - phạt với tất cả học sinh. Trong quá trình dạy, tôi biết em nào cần trách - phạt, em nào cần phải ngọt ngào, dỗ dành, hoặc có những em cần kết hợp cả 2 hình thức này... Vậy mà, có lần tôi mới khẻ tay 1 em vì cái tội nói chuyện trong lớp, viết bài sai, thế là phụ huynh hầm hầm chạy đến, đe dọa kiện cáo này nọ.
Tôi giải thích rằng: "Nếu chị tin tưởng thì hãy giao con cho tôi, còn không thì chị tìm cô giáo khác. Bởi tôi không chỉ dạy chữ mà tôi còn dạy người".
Bây giờ, nhiều người lên án hình thức giáo dục bằng đòn roi. Vậy thì ngành GD-ĐT hãy làm một cuộc khảo sát đi: những em ngỗ ngược, quậy phá ngày xưa, bây giờ nên người nhờ hình thức giáo dục nào?
Đã bao giờ bạn gặp trường hợp giáo viên phạt con mình một cách quá đáng, gây tổn thương cho trẻ? Đã bao giờ bạn gặp những trường hợp giáo viên phạt con mình nhưng đã khiến trẻ thay đổi một cách tích cực? Bạn đã từng phạt học sinh của mình như thế nào, hiệu quả ra sao? Mời bạn đọc gửi bài về cho Tuổi Trẻ qua mail: giaoduc@tuoitre.com.vn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận