Không hẹn mà gặp, gần 100 đại biểu là chủ những doanh nghiệp lớn nhỏ dường như không kìm được bức xúc, chỉ đợi đến lúc này để nói. Các đại biểu chỉ ra rằng nạn “cò” mứt làm ăn chụp giật không chỉ tiếp tay hành vi buôn gian bán lận mà còn góp phần lớn phá hỏng thương hiệu du lịch Ðà Lạt. Nó gợi nên những hoài nghi khác về sự hiền hòa của đất và người Ðà Lạt.
Ông Võ Ðức Trung, giám đốc Công ty Mạo Hiểm Việt, đặt vấn đề: “Ðáng lẽ ra các chủ lò mứt cũng phải ngồi lại đây để cùng giải quyết chuyện này. Lò mứt và vài đơn vị lữ hành móc nối với nhau lừa du khách. Những du khách cả tin đã phải mua những món hàng giá cao chất lượng kém. Ai sẽ đến Ðà Lạt khi tiếng xấu phát đi ngày càng nhiều?”. Vụ hai “cò” mứt đã rút dao tấn công, cướp bóc một đôi bạn trẻ đang tâm sự bên bờ hồ Xuân Hương mới xảy ra đêm 17-7 được một đại biểu nêu ra như một ví dụ về tai tiếng của những “cò” mứt. Trước đó, vào đầu tháng 5, từng có vụ “cò” mứt đánh tài xế xe du lịch chỉ vì cãi lời chở khách vào chợ Ðà Lạt thay vì chở thẳng vô lò mứt. Xa hơn chút là vụ “cò” mứt đánh hướng dẫn viên ngay tại sảnh một khách sạn lớn vì từ chối hợp tác...
Những tai tiếng về “cò” mứt khiến lãnh đạo một doanh nghiệp du lịch mới đầu tư tại Lâm Ðồng là ông Văn Tuấn Anh, giám đốc Khu du lịch Làng Cù Lần, chua chát. Ông nói: “Nhiều bạn bè tôi là doanh nhân, họ muốn giới thiệu miễn phí Ðà Lạt đến những người khác, nhưng rồi họ lại thôi. Chẳng lẽ giới thiệu cho bạn bằng những lời rất đẹp rồi phải đi xin lỗi bạn vì những gì đã giới thiệu”. Ông Phùng Quý Ngọc, chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Lâm Ðồng, bức xúc: “Sau mỗi vụ việc cơ quan chức năng đều nhận trách nhiệm, nhưng xử lý tới đâu thì không thấy nói đến. Chúng tôi là những người có trách nhiệm cũng không có thông tin để có thể thông báo đến đông đảo du khách yêu mến Ðà Lạt”.
Trong khi doanh nghiệp bức xúc trước những chuyện ai cũng biết thì chính quyền vẫn loay hoay về cách quản lý, về trách nhiệm. Ông Nguyễn Văn Hương, giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Lâm Ðồng, nói: “Du khách ở tận Hà Nội có gọi phản ảnh về chuyện này, tôi nói trách nhiệm thuộc về Sở Công thương và yêu cầu gọi sang bên ấy”. Ông Tôn Thiện San, phó chủ tịch UBND TP Ðà Lạt, nói: “Ðã công bố đường dây nóng chống “chặt chém” nhưng có ai gọi để phản ảnh đâu? Có là chúng tôi ra tay ngay. Thực tế pháp luật cũng chẳng quy định nào về xử phạt cò”.
Trong khi ở Vũng Tàu và các địa phương khác, người ta công bố ngay lập tức “danh sách đen” những quán xá “chặt chém”, những nơi mà người dân tố cáo có hiện tượng tiêu cực ảnh hưởng đến ngành du lịch thì tại TP du lịch Ðà Lạt, nạn “cò” mứt và một số hiện tượng “chặt chém” du khách... lại chưa hề được đưa ra bàn thảo. Nạn “cò” mứt cũng từng được các báo phản ánh một cách rõ ràng, nhưng phản hồi từ cơ quan hữu quan rất ít.
Nạn “cò” mứt chụp giật cấu kết từ lò mứt (rất nhiều trong đó không phải là nơi trực tiếp sản xuất mứt), tới “cò”, tới hướng dẫn viên... thành một hệ thống rộng lớn và ăn chia với nhau. Với hệ thống này, khi tour du lịch vừa xuất hành từ Huế, Ðà Nẵng, Cần Thơ, TP.HCM... thì lò đã biết được lịch trình. Ngay sau đó, “cò” vây từ cửa ngõ vào Ðà Lạt cho đến nơi ăn ở, tham quan để giăng lưới du khách bằng nhiều chiêu lọc lừa. Cái nguy ấy lẽ nào cơ quan hữu quan không biết?
Một khi chính quyền còn nhân nhượng, chưa công bố “danh sách đen” những lò mứt trá hình, “chặt chém”, còn sợ danh tiếng của Ðà Lạt bị ảnh hưởng xấu thì có nghĩa vẫn còn nguyên mối lo “cò mồi du lịch” vẫn hằng ngày cắt xén “nồi cơm” của những doanh nghiệp du lịch đàng hoàng ở địa phương.
Thách thức vẫn nằm nguyên phía trước, dù cho có nhiều hội thảo cứ diễn ra...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận