25/12/2013 09:11 GMT+7

Có khuôn phép, dân phòng bớt lạm quyền

XUÂN LONG - DƯƠNG NGỌC HÀ
XUÂN LONG - DƯƠNG NGỌC HÀ

TT - Tiếp theo bài “Dân phòng mỗi nơi một phách” (Tuổi Trẻ 24-12), Tuổi Trẻ giới thiệu một số ý kiến xung quanh hoạt động của các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, trật tự đô thị...

Dân phòng, mỗi nơi một phách

oT4IvJMr.jpgPhóng to
Hai dân phòng phường Hàng Trống, Hà Nội chạy xe máy tới chặn trước đầu taxi, trước khi công an phường tới xử phạt - Ảnh: X.L.

* Luật sư Trần Hồng Phong

Toàn TP.HCM có 9.000 bảo vệ dân phố

Theo Văn phòng Công an TP.HCM, hiện TP có hơn 9.000 bảo vệ dân phố đang làm việc trên toàn địa bàn TP. Lực lượng này hỗ trợ trực tiếp cho công an khu vực trong việc đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn dân phố với cơ cấu mỗi khu phố có 5-7 bảo vệ dân phố, tùy theo số lượng dân cư trên địa bàn. Mức thù lao được trả cho mỗi bảo vệ dân phố hiện nay là 1,5 triệu đồng/tháng, còn tổ trưởng tổ bảo vệ dân phố được trả mức 1,6 triệu đồng/tháng.

H.Đ. - G.M.

Hiện nay có tình trạng không ít bảo vệ dân phố, dân phòng có những hành vi, cách ứng xử không những vượt quyền hạn, nhiệm vụ mà thậm chí còn có dấu hiệu phạm tội hình sự như đánh người, bắt giữ người trái phép...

Đáng buồn hơn, nạn nhân của những vụ lạm quyền này đa số là người nghèo khổ, cơ nhỡ, buôn thúng bán bưng...

Vô hình trung đã đụng đến những vấn đề nhạy cảm, dân sinh, gây bức xúc và bất bình trong dư luận xã hội. Qua đó đã làm xấu và sai lệch vai trò, chức năng của lực lượng này.

Có thể thấy trình độ, nhận thức và tư cách đạo đức của không ít bảo vệ dân phố, dân phòng là có vấn đề.

Nhiều người không nghề nghiệp, trình độ văn hóa thấp nên nếu không được huấn luyện và quán triệt sâu sắc trách nhiệm và quyền hạn của mình sẽ rất dễ dẫn đến việc lạm dụng, lạm quyền, hống hách, thậm chí phạm tội hình sự.

Để chấn chỉnh tình trạng trên, trách nhiệm hàng đầu là của công an địa phương. Công an có trách nhiệm huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ cho dân phòng.

Tôi nhận thấy dân phòng hiện nay ngày càng đông hơn về số lượng và sự hiện diện của các lực lượng dạng này trên đường phố thật sự là quá nhiều, dày đặc. Thậm chí có cảm giác như từ vai trò phụ tá, hỗ trợ công an, nay có nơi dân phòng đang trở thành lực lượng chính, can thiệp sâu vào nhiều vấn đề dân sự, dân sinh trên đường phố.

Theo tôi, lực lượng dân phòng không nên phát triển quá đông về số lượng, và không nên cử đi làm những công việc ngoài trách nhiệm hoặc không phù hợp với khả năng, vượt quá ý nghĩa là lực lượng của người dân, do dân cử, chỉ là phụ tá, hỗ trợ công an.

Thay vào đó, chúng ta có thể từng bước xã hội hóa một phần những công việc mà lực lượng này đang đảm nhận trên thực tế. Giống như nhiều doanh nghiệp, tổ chức hiện nay thuê các công ty bảo vệ để bảo vệ tài sản, an ninh cho mình, người dân hoàn toàn cũng có thể thuê các công ty bảo vệ bảo vệ khu phố nơi mình cư trú.

Tình trạng vượt quyền, lạm quyền của dân phòng là một thực tế đáng báo động, cần sớm được chấn chỉnh để tránh những hậu quả và nguy cơ xung đột không đáng có giữa lực lượng này với người dân.

* Ông Nguyễn Văn Tùng (đại biểu HĐND TP.HCM):

Nhà nước cần quản lý và tổ chức chặt chẽ để tránh việc những người tham gia lực lượng phối hợp này lạm quyền, trở thành một thứ quyền lực bảo kê cho những ai làm vừa ý và đe dọa những người không chịu phục tùng. Cơ quan chức năng phải giao nhiệm vụ rõ ràng, xử lý nghiêm, tới nơi tới chốn nếu có sai phạm, nghiêm túc kiểm tra thông tin và xử lý đúng khi có phản ảnh của người dân.

Các cơ quan quản lý trực tiếp cần phải quan tâm đúng mức, giáo dục cho anh em tham gia lực lượng này những kỹ năng cần thiết như kỹ năng trấn áp nghi can, trao đổi, tiếp xúc với người dân khi cần nắm thông tin, kỹ năng cảm hóa, thuyết phục người dân. Cần phải lựa chọn những người có tâm trong sáng, có tinh thần tự nguyện và giáo dục cho họ có thái độ cư xử đúng mực khi tiếp xúc với người dân, với người vi phạm...

D.N.H. ghi

Ông Phan Văn Tường (ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội):

Dân phòng phải do dân cử ra

Tôi thấy mô hình dân phòng là rất cần thiết, nhưng các cấp ủy phải quán triệt rất kỹ khi sử dụng lực lượng này. Nếu quản lý chặt chẽ thì đây là mô hình tốt trong đảm bảo an ninh trật tự. Tuy nhiên, vừa qua chúng ta thấy vẫn có chỗ này chỗ kia rộ lên chuyện dân phòng lạm quyền.

Cá nhân tôi cho rằng để lực lượng này hoạt động hiệu quả thì việc tuyển chọn dân phòng dứt khoát phải theo quy trình dân cử ra để phối hợp với các lực lượng giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn. Khi người dân trong khu, tổ chọn, cử người, đương nhiên họ đã ít nhiều tin tưởng, hay nói cách khác người được đề cử có uy tín, kinh nghiệm và khả năng, kỹ năng cần thiết phù hợp với vị trí dân phòng. Một người có uy tín được nhân dân cử ra sẽ là người làm việc chín chắn, biết việc, biết quyền hạn, biết cái gì được làm, cái gì không được làm. Ngược lại, nếu lực lượng dân phòng chỉ là do công an khu vực, công an địa phương thích người nào thì đưa vào, như vậy sẽ rất khó kiểm soát, giám sát.

X.L. ghi

______________________

Buộc dân phòng phải đi học

Theo đại tá Hoàng Thanh Bình - nguyên trưởng Phòng cảnh sát trật tự Công an Hà Nội (mới nghỉ hưu đầu tháng 12-2013), lực lượng dân phòng chỉ đơn thuần là nhân công lao động do UBND phường, thị trấn, văn phòng UBND quận, huyện ký hợp đồng làm việc với chức năng hỗ trợ công việc cho lực lượng công an phường, thị trấn. Do vậy theo luật, lực lượng này không hề có quyền hành đặc biệt nào mà bình đẳng theo luật lao động. Khi xảy ra vi phạm trong công việc, tùy mức độ, đơn vị ký hợp đồng tuyển dụng trước đó có thể tạm đình chỉ công việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, xử lý hành chính.

Phải mở các lớp đào tạo

Trong hai tháng cuối năm 2013, Công an Hà Nội phối hợp với Sở Giao thông vận tải TP đã tổ chức lớp tập huấn bồi dưỡng, phổ biến giáo dục pháp luật về giữ gìn trật tự an toàn giao thông đường bộ cho toàn bộ lực lượng dân phòng các quận nội thành Hà Nội gồm: Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Long Biên, Ba Đình, Hoàng Mai, Hà Đông...

Trong các tiết học, lực lượng dân phòng được phổ biến kiến thức về pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, kỹ năng, văn hóa ứng xử trong quá trình xử lý vi phạm về trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông... Theo đại tá Hoàng Thanh Bình, tại khóa tập huấn này ban tổ chức cũng tổ chức chấn chỉnh, rút kinh nghiệm cho lực lượng dân phòng qua sự việc xảy ra tại P.25, Q.Bình Thạnh, TP. HCM.

“Phải mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho dân phòng” là ý kiến của ông Đỗ Mạnh Hùng, phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội. Ông nói: “Vừa rồi tôi có nghe chuyện dân phòng trong TP.HCM đánh người bán hàng rong. Thực tế việc này không phải bây giờ mới xảy ra. Đương nhiên khi có vi phạm thì phải xác minh, xử lý triệt để, không thể lấy lẽ là dân phòng hay lực lượng chức năng để có hành xử vi phạm pháp luật như vậy”.

Ông Đỗ Mạnh Hùng cho rằng do quan điểm xây dựng một thế trận an ninh nhân dân, cho nên việc huy động sức mạnh của cộng đồng, của người dân trong bảo vệ an ninh, trật tự xã hội là tất nhiên. Do đó các lực lượng có tính chất như dân phòng vẫn cần thiết trong điều kiện xã hội hiện nay, quan trọng nhất chính là trách nhiệm quản lý nhà nước.

“Tôi nghĩ mục tiêu chính khi huy động lực lượng dân phòng là để đảm bảo an ninh trật tự xã hội trên địa bàn, vì thế không thể để dân phòng làm những việc vượt quá nhiệm vụ, thậm chí lại gây mất an toàn cho người dân. Do vậy rất cần thiết phải mở các lớp tập huấn, nâng cao trình độ, khả năng ứng xử cho lực lượng dân phòng. Thứ nhất là nâng cao kiến thức pháp luật, nhất là những nội dung có liên quan đến quyền hạn của dân phòng, phải để họ hiểu ranh giới đến đâu. Thứ hai là đào tạo nghiệp vụ, đặc biệt là những kiến thức về đảm bảo trật tự an toàn, bảo vệ trật tự an ninh. Thứ ba, bồi dưỡng kiến thức về công tác dân vận. Dân phòng phải lấy dân vận là chính, trấn áp chỉ là thứ yếu”.

Cải thiện chất lượng của các lực lượng

Ông Nguyễn Văn Chương - chủ tịch UBND P.1, Q.4, TP.HCM - nhìn nhận thật ra tất cả nhiệm vụ mà các lực lượng hỗ trợ (bảo vệ dân phố và đội quản lý trật tự đô thị) đang đảm nhiệm là những nhiệm vụ chính của công an và các công chức hành chính. Theo ông Chương, trong tình hình TP.HCM hiện nay, chỉ riêng công an và công chức không thể làm xuể khối lượng công việc thực tế. Vì vậy cần phải có thêm các lực lượng như ban bảo vệ dân phố, đội quản lý trật tự đô thị...

Điều cần làm hiện nay, theo ông Chương, là phải cải thiện chất lượng của hai lực lượng này: “Hiện tại, ban bảo vệ dân phố được tuyển từ các cán bộ hưu trí, những anh em có trình độ thấp, chưa được đào tạo chính quy, còn lực lượng trật tự đô thị do lịch sử để lại cũng là những anh em mới học trung cấp hoặc hết trung học. Mức lương và các chế độ đãi ngộ cho hai lực lượng này cũng hạn chế nên chưa thể tuyển được người có trình độ cao. Chính vì những hạn chế trên nên một số người chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của mình để có những hành vi, thái độ ứng xử với người dân cho phù hợp, gây thành kiến trong nhân dân”.

Ngoài ra, ông Chương cũng cho rằng “các cơ quan chức năng cần quản lý nghiêm hơn đối với các lực lượng này, có sai phải xử lý đến nơi đến chốn. Đồng thời cũng cần đầu tư để anh em nâng cao trình độ, đào tạo kỹ năng, bồi dưỡng chính trị, đạo đức, giáo dục về thái độ, cách ứng xử... Cũng cần có chế độ lương cao hơn để tuyển chọn được những người có trình độ”.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Xử lý 2 nhân viên hành hung người bán hàng rong“Ai cũng hiểu chỉ một người không hiểu”Người bán hàng bị còng tay đến gặp luật sưLực lượng ủy ban phường không đánh người bán hàng rongMâu thuẫn trong khi dẹp lề đường, một người nhập việnLực lượng chức năng không được hành hung dânLàm rõ vụ “người bán hàng rong bị đánh”

XUÂN LONG - DƯƠNG NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên