Theo các nhà phân tích, sự kết hợp giữa chính sách hỗ trợ của chính phủ với chiến lược của các nhà sản xuất hứa hẹn tạo ra một tương lai tươi sáng cho ngành công nghiệp EV tại Malaysia.
Xe điện, xe hybrid tăng cơ hội cạnh tranh
Báo cáo gần đây của Ngân hàng Đầu tư Maybank cho thấy các ưu đãi dành cho xe EV lắp ráp hoàn toàn trong nước sẽ được thực hiện đến cuối năm 2025, tạo điều kiện cạnh tranh tốt hơn cho các hãng xe tiến hành lắp ráp ở trong nước.
Dự báo, tỉ lệ sử dụng xe điện sẽ đạt 3% tổng lượng xe sản xuất tại Malaysia trong năm 2025, Xe điện hybrid (HEV, hay còn là xe lai điện và xăng) có khả năng chiếm khoảng 5%.
Nghiên cứu của Ngân hàng Đầu tư và Tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (MIDF) cũng cho thấy Chính phủ Malaysia đang hướng tới việc biến nước này thành trung tâm sản xuất xe EV giá cả phải chăng.
Mặc dù xe điện hiện vẫn chiếm tỉ lệ nhỏ trong tổng số lượng xe sản xuất, nhưng CGS International tin rằng việc xóa bỏ trợ cấp nhiên liệu vào giữa năm 2025, cùng với bước tiến trong hạ tầng sạc sẽ là những yếu tố then chốt thúc đẩy việc đưa vào sử dụng EV.
Theo CICB Securities, sự gia tăng cạnh tranh trên thị trường sẽ dẫn đến việc có nhiều người chấp nhận sử dụng xe điện chạy bằng pin (BEV) hơn, khi chính sách miễn thuế cho xe nhập khẩu sẽ hết hạn vào năm 2026 và xe lắp ráp trong nước trở thành ưu tiên số một.
Để nắm bắt cơ hội này, các nhà sản xuất ô tô của Malaysia đang nhanh chóng tham gia thị trường EV.
Proton - một trong những hãng ô tô hàng đầu - vừa cho ra mắt SUV điện đầu tiên của mình. Perodua lên kế hoạch cho mẫu hatchback EV phân khúc B vào cuối năm 2025, với mục tiêu sản xuất 500 xe mỗi tháng. Đây đều là những mẫu xe điện được dự đoán có giá rẻ nhất tại Malaysia.
Cơ hội phát triển trạm sạc công cộng
Ngoài ra, Maybank cũng chỉ rõ việc đa dạng hóa mẫu xe điện sẽ thu hút thêm đầu tư cho hạ tầng sạc công cộng.
Malaysia đặt mục tiêu lắp đặt 10.000 trạm sạc EV vào năm 2025 và cần chính phủ có các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ. Hiện tại, tỉ lệ lắp đặt trạm sạc xe điện ở nước này mới chỉ đạt 111 trạm/tháng.
Theo tính toán của Maybank, cần tăng gấp 5 lần tốc độ lắp đặt mới có thể hoàn thành mục tiêu trên.
Thị trường ô tô nói chung sụt giảm
Tuy nhiên, cũng có các ý kiến phân tích cho rằng sản lượng ô tô nói chung của Malaysia có thể sẽ sụt giảm trong năm sau.
Phân khúc ô tô điện có tiềm năng cao, nhưng các phân khúc xe truyền thống sẽ đối mặt với nhiều thách thức.
Maybank lưu ý phân khúc ô tô cao cấp đại chúng đang bước vào giai đoạn khó khăn, sau hai năm liên tiếp tăng trưởng.
CGS International dự đoán sản lượng xe ô tô của Malaysia sẽ điều chỉnh về mức 780.000 chiếc vào năm 2025, sau 3 năm bùng nổ doanh số.
Tuy nhiên, đây lại là cơ hội để các nhà sản xuất ô tô trong nước mở rộng thị trường xuất khẩu và củng cố giá trị thương hiệu thông qua việc cải thiện năng lực lắp ráp trong nước và tay nghề lao động.
Năm 2025 được dự báo sẽ là cột mốc quan trọng trong việc phát triển ngành công nghiệp ô tô xanh tại Malaysia.
Khi nỗ lực của các nhà sản xuất ô tô và nhà hoạch định chính sách gia tăng, những năm tới đây sẽ chứng minh liệu Malaysia có thể hiện thực hóa tham vọng trở thành trung tâm xe điện của khu vực hay không.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận