28/01/2019 10:23 GMT+7

Cô giáo 'ra đề' cho học sinh cấp 3 nấu cỗ tết, bày biện tết

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - 'Cùng bố mẹ nấu cỗ tết, bày cho đẹp rồi gửi ảnh cho cô để chấm điểm' là đề bài của cô giáo Nguyễn Kim Anh giao cho học sinh Trường THPT Phan Huy Chú vào những ngày giáp Tết Nguyên đán.

Cô giáo ra đề cho học sinh cấp 3 nấu cỗ tết, bày biện tết - Ảnh 1.

Học sinh thi cắm hoa tại lễ hội Xuân yêu thương của Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội - Ảnh: V.HÀ

“Học thế thì ai chẳng thích”. Nhiều phụ huynh, học sinh Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội thốt lên như vậy về những tiết học cuối cùng trước ngày nghỉ tết.

Tiết học "Nếp nhà"

"Nhiều con học đến lớp 12 còn không biết gấp cái áo thế nào, xếp ra sao trong tủ để không lộn xộn, không bị đổ khi lấy đồ. Có con không biết cầm cây chổi đúng cách, chỉ quen ăn cơm mẹ nấu mà không biết cả việc sắp xếp đồ ăn trên mâm như thế nào cho hợp lý, cho đẹp... 

Tôi sử dụng giờ dạy kỹ năng cho các con để dạy "Nếp nhà" chỉ với những công việc nho nhỏ như thế" - cô Nguyễn Kim Anh chia sẻ.

Mâm cơm phải có đủ màu hài hòa: màu xanh của rau, màu nâu của đồ ăn mặn như cá, thịt kho, màu vàng sậm của nước mắm... Cách bày từng thứ thế nào, cách để muỗng canh ra sao cũng là "một bài học".

Trong chuyến cùng các thầy cô Trường THPT Phan Huy Chú đưa học sinh vào miền Trung theo "hành trình tri ân" - một chương trình trải nghiệm nằm trong kế hoạch giáo dục chính khóa, ai có dịp đồng hành cùng những học sinh lớp 12 của cô giáo Kim Anh đều thấm thía "bài học không phải là kiến thức gì cao siêu, mà nằm trong cuộc sống, trong những tình huống bất ngờ diễn ra mỗi ngày".

Cô Kim Anh mở cho xem những bức ảnh học sinh chụp lại căn phòng khách sạn các em ở trước khi check out và kể: "Tôi yêu cầu học sinh ở tất cả các phòng phải gửi ảnh để kiểm tra. Vì tôi muốn rèn các em ý thức gọn gàng, giữ gìn tài sản, dù đó chỉ là nơi nghỉ một đêm và rời đi. 

Tôi hay nói với học sinh: "Chúng mình là người Hà Nội, phải ứng xử để người ta thấy người Hà Nội thế nào". Có những em rất nghiêm túc, có em chấp hành nhưng do vụng về gấp chăn xộc xệch, nhưng tôi nghĩ làm nhiều sẽ thành nếp".

Những "bài kiểm tra" của môn học "Nếp nhà" này được cô Kim Anh đưa ra trong buổi họp cha mẹ học sinh để "phụ huynh và cô giáo cùng chấm điểm". Ngoài việc chấm điểm, những học sinh thể hiện kỹ năng tốt qua sản phẩm sẽ được trao thưởng.

"Học thế thì ai chả thích. Con tự nhiên biết làm việc nhà, biết nghĩ đến bố mẹ hơn" - một phụ huynh chia sẻ. Cũng vì ý nghĩa của bài học "Nếp nhà" mà cô giáo Nguyễn Kim Anh đã "lôi kéo" được nhiều phụ huynh cùng tham gia việc tổ chức các hoạt động và hướng dẫn các con.

"Tôi có mời những phụ huynh là người Hà Nội gốc đến hướng dẫn các con nấu ăn, ứng xử. Các con rất thích và tôi cũng tìm được sự chia sẻ nhiều hơn của cha mẹ" - cô Kim Anh nói.

Những chương trình cuối năm lắng đọng

Trường THPT Yên Hòa, Hà Nội vừa tổ chức một chuỗi chương trình AMOY 2019 - Thành phố không cửa. Đây là một chương trình có nhiều hoạt động được thiết kế trên chính ý tưởng của học sinh với một chủ đề xuyên suốt "Một thành phố được chia sẻ, kết nối, yêu thương. Thành phố sẽ không có định kiến về giới tính, nghề nghiệp hay hình dáng"...

Theo cô Nguyễn Thị Nhiếp - hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa, các hoạt động vào những ngày cuối năm không chỉ đem lại niềm vui, không chỉ là cơ hội để học sinh thể hiện các kỹ năng khác nhau trên sản phẩm, hoạt động, mà thông điệp của chương trình chính là điều các thầy cô muốn học sinh hướng đến nhưng không phải bằng các bài học khô cứng, mà bằng trải nghiệm, cách mà học sinh, phụ huynh và thầy cô giáo cùng đứng sát bên nhau.

Ở Trường THPT Phan Huy Chú có một "Ngày hội xuân yêu thương" với chủ đề "Tết Hà Nội xưa và nay". Hoạt động lôi cuốn được tất cả học sinh tham gia là bày mâm ngũ quả, tự gói bánh chưng ngay trên sân trường, chọn và cắm hoa ngày tết...

Việc lôi cuốn học sinh vào những công việc "nếp nhà" được nhiều phụ huynh ủng hộ vì "nếu không có hoạt động đó, con chẳng bao giờ biết vì sao phải có mâm ngũ quả, chứ chưa nói là biết bày biện". 

Trong chương trình này, nhà trường phát động ủng hộ học sinh khó khăn vượt khó, trao học bổng cho học sinh khó khăn có thành tích học tập tốt và đặc biệt là phần "tôn vinh các thầy cô được học sinh yêu quý".

Nồi bánh chưng từ thiện

Tại Trường THCS Đông La - Hoài Đức, Trường THCS Nguyễn Du - Nam Từ Liêm, Hà Nội, hàng ngàn học sinh tham gia gói bánh chưng làm từ thiện cho bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Nhi trung ương. Bên nồi bánh chưng được bắc lên, các em học sinh được trải nghiệm "không khí tết" với các cuộc thi vẽ tranh chủ đề ngày tết, viết câu đối hoặc các màn khiêu vũ tập thể sôi động.

Lớp 8, con trai tôi biết làm hết việc nhà và cả nấu ăn Lớp 8, con trai tôi biết làm hết việc nhà và cả nấu ăn

TTO - Tôi chỉ nghĩ đơn giản: dù học tốt bao nhiêu, nhưng không dành thời gian để lao động chân tay thì cũng mụ mị đầu óc đi. Cho con cùng giúp việc nhà cũng là cách để chúng tự lập.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên