04/01/2021 11:21 GMT+7

Có giải pháp để người dân tiếp cận vắc xin phòng dịch COVID-19 sớm nhất

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Cùng với yêu cầu chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng để phục vụ tổ chức thành công Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Chính phủ đề nghị tiếp tục thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội.

Có giải pháp để người dân tiếp cận vắc xin phòng dịch COVID-19 sớm nhất - Ảnh 1.

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thông tin Nghị quyết 01 và 02 - Ảnh: NHẬT BẮC

Sáng 4-1, Chính phủ tổ chức họp báo thông tin về Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 và nghị quyết 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01 và 02 trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn ra trên toàn thế giới. Đánh giá tình hình 5 năm, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới. Nhiều cải cách đã được thực hiện, góp phần cải thiện xếp hạng của Việt Nam, tăng 20 bậc môi trường kinh doanh, tăng 10 bậc về năng lực cạnh tranh toàn cầu...

8 trọng tâm chỉ đạo điều hành

Nhấn mạnh năm 2021 là năm rất quan trọng nhưng sẽ còn tiếp tục khó khăn do tác động của đại dịch, biến đổi khí hậu, thiên tai, xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng đây sẽ vừa là thời cơ, vừa là thách thức với Việt Nam.

Theo đó, Nghị quyết 01 vừa được Chính phủ ban hành, xác định phương châm hành động của năm 2021 là "Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển" với 8 trọng tâm chỉ đạo điều hành. Trong đó, Chính phủ yêu cầu chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng để phục vụ tổ chức thành công Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tiếp tục thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội.

Trong đó, cần tập trung tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng chống dịch, tuyệt đối không chủ quan trước dịch bệnh, củng cố trạng thái bình thường mới. Kiểm soát phù hợp người nhập cảnh, ngăn chặn hiệu quả nguồn bệnh xâm nhập từ bên ngoài.

Xem xét mở lại các đường bay thương mại quốc tế khi điều kiện cho phép, đảm bảo phù hợp với yêu cầu phòng chống dịch COVID-19. Đẩy nhanh việc nghiên cứu, hợp tác quốc tế trong phát triển vắc xin và có giải pháp để người dân tiếp cận vắc xin phòng dịch COVID-19 sớm nhất. 

"Vắc xin chúng ta chưa sản xuất được nhưng Thủ tướng đã chỉ đạo phải mua vắc xin cho người dân" - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Tìm mọi giải pháp sớm có vắc xin cho người dân

Thông tin về tình hình vắc xin, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho hay Bộ Y tế đang đàm phán với 4 nước là Anh, Mỹ, Nga và Trung Quốc. Kết quả song song đàm phán, song tất cả các đơn vị đều yêu cầu ký biên bản bảo mật thông tin.

Theo đó, gần nhất là công ty của Anh đã ký với họ đảm bảo cung cấp cho 15 triệu dân (30 triệu liều), lộ trình quý 4 có vắc xin. Với Mỹ, theo lộ trình cung cấp vắc xin là quý 4-2021.

Riêng với Nga hiện đã đàm phán sản xuất theo chuyển giao công nghệ tại công ty trực thuộc Bộ Y tế. Mức giá chênh không nhiều nên việc đàm phán phụ thuộc nhiều yếu tố, điều kiện bảo quản, thanh toán và giao hàng.

Về kết quả thử nghiệm lâm sàng, ông Cường cho hay hiện các loại vắc xin đang có sự chênh nhau về hiệu quả bảo vệ, thấp nhất 60-65%, cao là 90%.

Liên quan thanh toán, tiêm phòng vắc xin và một số nội dung khác, ông Cường cho hay do việc thực hiện vấn đề này chưa có trong tiền lệ, nên Bộ Y tế đang xin ý kiến bộ ngành báo cáo Chính phủ, trường hợp cần thiết xin ý kiến Bộ Chính trị.

Cũng thông tin thêm, ông Cường nói trên thế giới còn có Tổ chức Liên minh vắc xin toàn cầu cung cấp cho 90 nước, trong đó có Việt Nam, tham gia vào chương trình này, cung cấp số lượng vắc xin cho khoảng 16% dân số với giá rẻ nhất. 

Tuy nhiên, các nước đang sản xuất vắc xin chưa chủ động được, năng lực sản xuất chưa đủ lớn, nên phải quý 1-2021 mới đủ thông tin để có kế hoạch đưa vắc xin về cho nhân dân.

Cải cách hành chính, phát huy trí tuệ con người

Cùng với các giải pháp trên, Nghị quyết 01 của Chính phủ cũng đề ra các giải pháp như tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ; thực hiện cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo hiệu quả, thực chất gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp.

Chính phủ cũng yêu cầu phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, trí tuệ con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước. Hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, đặc biệt là giao thông, năng lượng, đô thị lớn, ứng phó biến đổi khí hậu.

Gắn với đó là các giải pháp củng cố quốc phòng an ninh, đẩy mạnh hoạt động đối ngoại và hội nhập, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Làm tốt công tác thông tin, truyền thông, phản ánh lan tỏa các yếu tố tích cực, tạo niềm tin, đồng thuận trong xã hội.

Nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Với Nghị quyết 02 về tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021, đặt ra mục tiêu cắt giảm tiếp tục 20% quy định, điều kiện kinh doanh.

Chính phủ cũng yêu cầu tiếp tục thực hiện đầy đủ các giải pháp, nhiệm vụ, tập trung các chỉ số, chỉ tiêu như cấp phép xây dựng, đăng ký tài sản, giải pháp tranh chấp hợp đồng, giải quyết phá sản, ứng dụng công nghệ, chất lượng đào tạo, đăng ký phát minh sáng chế, kiểm soát tham nhũng...

'Văn phòng Chính phủ đã xây dựng công cụ đánh giá về cắt giảm điều kiện kinh doanh thủ tục hành chính. Cắt giảm ở đâu, giảm gì là bằng công cụ đánh giá" - Bộ trưởng cho hay, cùng với đó sẽ thực hiện chuyển đổi số, đi vào từng chỉ tiêu để khắc phụ, hỗ trợ người dân doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch COVID-19.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói về thương hiệu quốc gia Việt Nam và Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói về thương hiệu quốc gia Việt Nam và 'hậu trường' chống dịch khác WHO

TTO - Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng sự ghi nhận của các tổ chức đánh giá uy tín thế giới đối với Việt Nam xuất phát từ nền tảng nỗ lực vượt bậc của đất nước trong năm đặc biệt 2020.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên