Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương cho hay vừa tiếp nhận ca bệnh nhập viện do biến chứng của khối u buồng trứng.
Khoảng 2 tuần trước ngày nhập viện điều trị, chị T.H.N.Y., (20 tuổi ở Cẩm Lệ, Đà Nẵng) xuất hiện những biểu hiện rối loạn tâm thần, nói nhảm, nên được người nhà đưa đi khám ở bệnh viện tâm thần.
Sau 6 ngày điều trị tâm thần ngoại trú, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện những cơn co giật ở vùng tay và mặt kéo. Sau đó, chị Y. được nhập viện điều trị.
Qua 3 ngày điều trị tại đây, tình trạng bệnh của chị Y. không cải thiện, ý thức chậm hơn, tình trạng co giật vẫn thường xuyên xảy ra nên được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa thành phố để điều trị.
Tại đây chị Y. được chẩn đoán mắc bệnh viêm não. Kết quả chụp cộng hưởng từ sọ não cho thấy hình ảnh tổn thương não, được theo dõi điều trị bệnh viêm não vi rút. Sau 3 ngày điều trị nhưng tình trạng bệnh không thay đổi.
Chị Y. được chuyển tuyến đến khoa cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương. Khi nhập viện, chị Y. trong tình trạng rối loạn tâm thần, kích thích la hét, gọi hỏi không trả lời, co giật vùng mặt, tay và nửa người bên phải nhiều hơn. Chị Y. được chỉ định theo dõi viêm não tự miễn ngay khi nhập viện.
ThS Phạm Thanh Bằng, khoa cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương, cho biết bệnh nhân được làm các xét nghiệm tầm soát viêm não tự miễn, viêm não do căn nguyên vi rút và khởi động điều trị viêm não tự miễn với phác đồ corticoid liều cao, dùng thuốc chống động kinh.
Sau 4 ngày, chị Y. có kết quả khẳng định mắc viêm não tự miễn. Bên cạnh đó, khi siêu âm ổ bụng, bác sĩ phát hiện khối u buồng trứng với kích thước 4x10cm và tiến hành cắt khối u. Khi phẫu thuật cắt bỏ, khối u lại có kích thước thực khá lớn 20x20cm.
"Đây là nguồn khởi phát bệnh viêm não tự miễn. Sau khi cắt bỏ khối u buồng trứng và lọc huyết tương, bệnh nhân hết cơn co giật, không còn kích thích la hét, ý thức có cải thiện nhưng chưa nhiều", bác sĩ Bằng nhận định.
Bác sĩ Bằng phân tích với những triệu chứng ban đầu của bệnh viêm não tự miễn rất dễ bị nhầm lẫn với những biểu hiện của bệnh trầm cảm, tự kỷ.
Bởi giai đoạn đầu bệnh nhân có thể không sốt, không có các cơn co giật, đặc biệt là đối với những người bệnh gặp các vấn đề, áp lực trong sinh hoạt, mối quan hệ gia đình.
Khi người mắc bệnh không được phát hiện bệnh sớm, nguy cơ tổn thương não sẽ nhiều hơn, di chứng để lại sau điều trị sẽ rất nặng nề.
Di chứng của bệnh viêm não tự miễn để lại sau quá trình điều trị phụ thuộc vào mức độ tổn thương ở não có thể như ý thức không hồi phục lại bình thường, xuất hiện những cơn co giật hoặc những cơn động kinh, một số chức năng hoạt động yếu.
Cẩn trọng u buồng trứng dẫn đến viêm não tự miễn
Theo bác sĩ Phạm Thanh Bằng, viêm não tự miễn là loại viêm não cấp tính hiếm gặp, bệnh gây nên do hệ thống miễn dịch của cơ thể tự sinh ra kháng thể chống lại thụ thể Glutamate trong não (NMDA- N methyl D aspartate).
Bệnh viêm não tự miễn đa phần thường xảy ra trên đối tượng là bệnh nhân nữ, trẻ tuổi. Biểu hiện ban đầu của bệnh thường là những rối loạn tâm thần, co giật.
Bệnh do tự cơ thể sinh ra đa phần từ các khối u, ung thư buồng trứng, tử cung hoặc bộ phận sinh dục ở nữ. Thời gian điều trị bệnh tiến triển tốt sẽ mất khoảng 2 tuần và thường sẽ kéo dài từ 1 - 2 tháng.
"Sau quá trình điều trị, khối u buồng trứng có nguy cơ tái phát lại khá cao và sẽ gây ra một đợt viêm não tự miễn hoàn toàn mới. Chính vì vậy, với những phụ nữ trẻ tuổi cần tầm soát ung thư, u buồng trứng, tử cung, giun sán, ký sinh trùng định kỳ để phát hiện sớm nguồn bệnh", bác sĩ Bằng khuyến cáo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận