Nếu TP.HCM có thẩm quyền để giải quyết những vướng mắc về pháp lý của nhiều dự án liên quan đến lĩnh vực giao thông, chống ngập, xây dựng nhà ở, hợp tác công tư lĩnh vực văn hóa thể thao, quy hoạch, ưu đãi đầu tư, tổ chức bộ máy, nhân lực, BT, BOT... thì TP sẽ có điều kiện phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, huy động nhiều nguồn lực cho sự phát triển và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân TP.
Cũng với suy nghĩ đó, gần 160 dự án bất động sản tại TP.HCM "đóng băng" sẽ được khởi động, tạo ra việc làm, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của TP, người mua căn hộ không phải lo lắng tiền đã trao đi nhưng chưa thấy căn hộ. Rồi TP có thể huy động nguồn lực để xây thêm 6.000 phòng học cho con em trên địa bàn... Sẽ không có "nếu" khi TP được trao cơ chế vượt trội.
Người dân cả nước quan tâm nhiều đến cơ chế này cho TP.HCM mà Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành đang xây dựng nhằm thay thế cho nghị quyết số 54/2017/QH14. Sự quan tâm ấy thể hiện mong muốn vươn lên, cuộc sống người dân phải sung túc hơn, chất lượng hơn không chỉ của người dân TP mà cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
TP.HCM luôn tự hào với "đặc sản" - tinh thần đổi mới, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Khi có cơ chế vượt trội sẽ làm mới, thêm năng lượng để "đặc sản" mang lại "món ăn ngon" cho người dân cả vùng, để đầu tàu TP.HCM mạnh mẽ hơn xưa.
Trước mắt cơ chế đó phải phù hợp và tương thích với quy mô dân số, kinh tế của đô thị lớn nhất nước để nhanh chóng tháo gỡ điểm nghẽn, giải quyết các vấn đề lưu cữu nhiều năm, từ hạ tầng giao thông đến văn hóa, xã hội. Làm sao có đủ đường, trường, bệnh viện... cho người dân ở đô thị này và người dân từ nơi khác đến. Để nhà khoa học, chuyên gia, trí thức trẻ, nhà đầu tư chất lượng cao... trước là yên tâm "dụng võ" và sau là có không gian sáng tạo.
Kế đến là phải xây dựng cho được động lực, nền tảng phát triển mới cho TP mà cũng là cho cả vùng và cả nước trong những năm tới. Đây mới là yêu cầu quan trọng mà cơ chế vượt trội lần này cần đặt ra và hướng đến. Nhớ lại, khi chúng ta xây dựng cơ chế đặc thù cho TP.HCM (nghị quyết 54/2017), khi đó xã hội chưa nghĩ nhiều đến trí tuệ nhân tạo (AI) mà chỉ nói đến công nghệ 4.0. Nay thì AI đang gần gũi với cuộc sống hơn bao giờ hết.
Trung ương đã đặt ra yêu cầu cho TP.HCM ngày càng cao, từ "đô thị đặc biệt, trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học - công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế (năm 2012)"... đến "phát triển ngang tầm các TP trong khu vực châu Á" (tháng 10-2022) và "sớm trở thành trung tâm kinh tế tài chính, dịch vụ, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á và châu Á, có năng lực cạnh tranh toàn cầu" (tháng 12-2022).
Vì vậy cơ chế vượt trội phải đủ sức đánh thức, tập hợp, huy động mọi nguồn lực không chỉ của TP.HCM mà các tỉnh thành trong khu vực để tạo ra sức mạnh vượt trội cho quốc gia không chỉ trước mắt mà là trong nhiều năm tới.
TP.HCM luôn tự tin với "đặc sản" năng động, sáng tạo, đổi mới để biến cơ chế vượt trội thành động lực tăng tốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận