25 năm sau ngày lịch sử ấy, ba trẻ sơ sinh ngày ấy giờ đã trở thành những cô gái, chàng trai trưởng thành có công việc ổn định. Và ngày 30-4-1998 cũng là thời khắc đánh dấu bước ngoặt lịch sử của chuyên ngành thụ tinh trong ống nghiệm ở Việt Nam.
Trong nỗ lực tìm gặp các nhân vật đặc biệt sau 25 năm chào đời, phóng viên Tuổi Trẻ Online đã về TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang - nơi bé Lưu Tuyết Trân cùng mẹ là bà Trần Thị Bạch Tuyết đang sinh sống.
"Cảm ơn vì cho em cuộc sống kỳ diệu"
Cách đây 5 năm, chúng tôi có dịp gặp Trân nhân kỷ niệm 20 năm hành trình thụ tinh trong ống nghiệm, lúc ấy cô bé vừa bước vào năm 1 đại học. 5 năm sau, Tuyết Trân giờ ra dáng một thiếu nữ xinh đẹp. Cô gái trẻ năng động, cặp mắt to tròn, mái tóc đen dài và trên môi luôn nở nụ cười rạng rỡ.
Tuyết Trân cũng là số ít nữ sinh viên vừa tốt nghiệp khoa công nghệ thông tin Trường ĐH Tiền Giang. Hiện cô đang làm việc tại Trung tâm đào tạo và sát hạch giao thông thủy bộ của tỉnh Tiền Giang.
Phía sau cô gái tràn đầy năng lượng đó là một hành trình rất dài tìm kiếm con của ông bà Lưu Tấn Lực và Trần Thị Bạch Tuyết.
Số phận chỉ mỉm cười với họ khi cả hai quyết định bỏ tất cả công việc tìm đến Bệnh viện Từ Dũ. Lúc bấy giờ, họ may mắn gặp được "ân nhân" là bác sĩ Phượng (giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên giám đốc Bệnh viện Từ Dũ).
"Lúc ấy, tôi được cho đi nội soi mới biết bị nghẹt một bên đường dẫn trứng. Bác Phượng nói còn có cơ hội và chỉ một tháng sau tôi được bệnh viện gọi đăng ký tham gia thụ tinh trong ống nghiệm", bà Tuyết nhớ lại.
Người mẹ năm nay bước sang tuổi 58 không giấu nổi niềm hạnh phúc khi nhìn con ngày một trưởng thành, có việc làm ổn định. Bà gọi Trân là "cuộc đời của mẹ" và gọi bác sĩ Phượng, bác sĩ Lan (Vương Thị Ngọc Lan), bác sĩ Tường (Hồ Mạnh Tường) là "những ân nhân".
Xa xôi cách trở và công việc mưu sinh bộn bề, nhưng bà luôn ghi nhớ công ơn của các y bác sĩ đã giúp mình hiện thực giấc mơ làm mẹ. "Với tôi đây là điều thiêng liêng, đáng quý nhất mà tôi có được trong cuộc đời này", bà Tuyết xúc động.
Còn với Trân, chưa bao giờ em thôi niềm tự hào bởi mình là "cô bé ống nghiệm", là một trong những "chứng nhân lịch sử" của ngành thụ tinh trong ống nghiệm. "Em cảm ơn những y bác sĩ đã đưa em đến với thế giới này, cho em một sự sống kỳ diệu", Tuyết Trân nói.
Và từ câu chuyện của mình, cô gái trẻ mong muốn những cặp vợ chồng rơi vào hoàn cảnh như ba mẹ mình cũng có được niềm hạnh phúc trên bước đường tìm con…
GS Nguyễn Thị Ngọc Phượng: "Tôi không nghĩ mình là ân nhân"
Từ chứng kiến nỗi đau các cặp vợ chồng hiếm muộn phải chịu đựng, từ sự ray rứt của nghề nghiệp, GS Nguyễn Thị Ngọc Phượng - nguyên giám đốc Bệnh viện Từ Dũ - đã tìm đủ mọi cách nhằm đẩy nhanh chương trình hỗ trợ sinh sản, trong đó có kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Bà là người đặt nền móng cho chuyên ngành thụ tinh trong ống nghiệm ở Việt Nam lúc bấy giờ.
"Ngày đó, tôi đặt ra một ước mơ, một khát vọng là được làm một điều gì đó cho những bệnh nhân hiếm muộn của mình. Tôi cứ cố gắng đi tới, chưa làm được chưa ngưng", GS Nguyễn Thị Ngọc Phượng trải lòng.
Và cho đến ngày 19-8-1997, GS Đỗ Nguyên Phương - bộ trưởng Bộ Y tế lúc bấy giờ - đồng ý ký quyết định cho phép bà cùng các bác sĩ được thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm.
"Tôi rất thích trẻ con, nhìn các cháu nhỏ tôi thấy thương như cháu ngoại của tôi ở nhà. Vậy nên tôi cũng không nghĩ mình là ân nhân hay gì quá to tát. Tôi hạnh phúc vì mình đã làm được một điều ý nghĩa cho gia đình các cháu. Nhìn thấy các cháu khôn lớn, chăm ngoan, giỏi giang, tôi cũng mừng lắm", GS Nguyễn Thị Ngọc Phượng trải lòng.
Và bà cũng như bác sĩ Tường, bác sĩ Lan đều mong chờ cuộc hội ngộ với các "con, cháu" - những đứa trẻ "ống nghiệm" - vào ngày mai (27-4) tại Bệnh viện Từ Dũ...
Hội ngộ 25 năm các em bé "ống nghiệm"
Ngày mai 27-4, Bệnh viện Từ Dũ tổ chức kỷ niệm 25 năm ngày những em bé đầu tiên chào đời bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Đây là cuộc hội ngộ đặc biệt giữa các thế hệ bác sĩ đặt nền móng cho chuyên ngành thụ tinh trong ống nghiệm và các "em bé ống nghiệm".
Mời bạn đọc đón đọc đầy đủ bài "Cuộc hội ngộ của các bé ống nghiệm" trên nhật báo Tuổi Trẻ phát hành ngày 27-4.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận