Đến khi chào đời, cô bé hai lần bị đem bỏ vào rừng cho con thú, con ma. May mắn được cứu sống trong tình thương của bố mẹ nuôi, bé Qua - đứa trẻ ấy giờ đã lanh lợi, học giỏi và đặc biệt mê vẽ tranh với ước mơ làm họa sĩ.
Giải cứu đứa trẻ hai lần bị bắt phải chết
Gặp chúng tôi vào một sáng tháng giêng khi đang chơi đùa với hai em trước sân nhà ở làng Pi Ơm (thị trấn Đăk Đoa, huyện Đăk Đoa, Gia Lai), Qua chạy vội vào báo với bố mẹ. Ông Tuing (57 tuổi) và bà Hyenh (56 tuổi) - đôi vợ chồng tóc điểm bạc chính là bố mẹ nuôi của Qua.
Hơn 10 năm trôi rồi, ông Tuing vẫn nhớ như in cái ngày vượt 80km từ nhà đến nơi Qua sinh ra tại làng Clăh, xã Con Chiêng, huyện Mang Yang. Hôm đó, ông đang tưới cà phê thì cậu con trai tên Quý phóng xe máy về báo tin "ở Con Chiêng có một đứa bé bị già làng bắt phải chết. Bố có muốn nuôi không?".
Vợ chồng ông cùng con trai lên đường ngay lập tức, họ vào một nhà dân gần đó, đợi mẹ đứa trẻ mang con đến. Mẹ Qua trước khi trao con cho người lạ đã nức nở kể lại rằng chị mang thai Qua được ba tháng thì chồng qua đời vì động kinh. Qua là con út, trước em còn tới tám anh chị ruột.
Cho rằng cái thai chị đang mang là do ngoại tình, cộng thêm việc già làng nằm mơ thấy làng bị sụt lún, cả làng chết hết nên ông coi đứa trẻ này là điềm dữ và ra lệnh trừng phạt, buộc người mẹ sau khi sinh ra phải tự tay giết chết con.
Thương con, nhưng không đủ sức chống lại lệ làng, cũng chẳng thể trực tiếp giết núm ruột, chị vừa khóc vừa ôm con vào rừng rồi bỏ lại giữa đêm. Những người thợ săn nghe tiếng con nít khóc, tìm thấy liền đem cháu về đưa lại cho mẹ. Già làng biết chuyện, đòi đền con bò lớn nếu muốn đứa trẻ sống. Nhà không đủ ăn, lại đông con lấy đâu ra con bò, người mẹ ôm con đem đi cho, nhưng nhà nào cũng sợ xui nên chẳng dám nhận. Có lúc, người mẹ khốn khổ lại ôm con vào rừng...
Ông Tuing khi đó gia cảnh cũng chẳng khá giả gì, nhưng có lẽ "ý trời muốn nó làm con mình" nên bằng lòng đem về nuôi. Vừa trao con, người mẹ ruột dặn cha mẹ mới của Qua: hãy đưa cháu đi thật xa, đừng trở lại đây bởi già làng sẽ giết cháu.
Ở tuổi gần ngũ tuần, vợ chồng ông Tuing bỗng có thêm đứa con mọn. Người Ba Na không có họ, lúc mới đẻ, đứa trẻ được mẹ ruột đặt tên Sen. Sau đó ông Tuing đổi thành Qua, ý chỉ cuộc đời con sẽ được tái sinh khi từ xã Con Chiêng, huyện Mang Yang "qua" làng Pi Ơm, thị trấn Đăk Đoa, huyện Đăk Đoa với cha mẹ nuôi.
Lúc bồng về, đứa trẻ đáng thương chẳng có được bộ đồ lành lặn. Dù gần 1 tuổi, biết bò nhưng cơ thể em rất gầy và yếu. Bị bỏ ngoài rừng, Qua bị kiến cắn nhiều, khắp cơ thể vô số vết trầy xước, ghẻ lở. Thấy con còi cọc nhưng bụng con phình to, ông dẫn đi khám thì biết cháu bị nhiễm nhiều giun sán.
Để cứu con, ông bà phải bán non đàn heo và mượn thêm tiền để chữa cho hết bệnh, rồi dẫn bé ra chợ mua quần áo, mua sữa dành cho trẻ suy dinh dưỡng. "Lúc tui đem về, quần áo cháu nó bị rách tả tơi. Đem lên chợ có người thấy thương mua cho một, hai bộ quần áo mới. Sữa, tã thì mua thiếu người ta, đợi đến mùa bán xong cà phê mới có tiền trả", ông Tuing nhớ lại.
Thích học tiếng Anh và làm họa sĩ
Vợ chồng ông trồng cà phê, làm ruộng mỗi năm hai vụ, thời tiết xấu nên có năm trúng năm trật, thường chẳng đủ ăn. Nhà nghèo, họ ăn gì thì con gái Qua ăn cái đó, hôm nào không bắt được cá hay cua đồng, cả nhà ăn cơm với rau chấm muối ớt, lá khoai mì nấu canh.
Năm bé Qua 3 tuổi, con dâu ông Tuing bỏ đi, để lại hai đứa cháu nội gái, hiện đã 10 tuổi và 8 tuổi. Cùng với cậu con trai cũng làm nông, ba người lớn chắt chiu từng đồng, gồng gánh nuôi ba đứa trẻ, không để chúng phải bỏ học giữa chừng.
Trước kia, ông Tuing lo đưa rước ba đứa nhỏ đi học, do các cháu học khác giờ nên cứ rước đứa này về lại đưa đứa kia đi, một ngày mấy lần như vậy. Hai năm nay, các cháu học nội trú ở trường, ngoài ra mỗi tháng ông còn gửi các sơ 2,5 triệu đồng/ba bé để nhờ đưa đón đi học, rước về nhà cho ăn cơm, dạy thêm.
Ba đứa trẻ quấn quýt với nhau, lớn lên khỏe mạnh như cỏ cây đại ngàn Tây Nguyên. Những ngày được nghỉ, chúng theo ông bà lên rẫy chơi. Không thì ở nhà tự chơi rồi chia nhau việc nhà. Qua đã biết vo gạo nấu cơm, lau nhà, rửa chén. "Tập cho làm để biết, nhỡ mai mốt ông bà chết thì tụi nó sống thế nào", bà Hyenh nói.
Con thích sống ở đâu sẽ cho ở đó
11 tuổi, Qua hồn nhiên, rắn rỏi giữa núi rừng Tây Nguyên và thích vẽ. Nhìn đứa con gái lớn từng ngày, vợ chồng ông Tuing cho hay chưa bao giờ hối hận khi nhận nuôi hoặc xem bé là gánh nặng. Gần năm trước, ông bà vay ngân hàng 65 triệu đồng mua hai con bò, nuôi thêm đàn vịt, rồi được người quen cho hai con heo nhỏ để có thêm kế sinh nhai.
Về thân thế của mình, có lần Qua từng hỏi bố mẹ rằng mình là con nuôi hay con đẻ do nghe loáng thoáng ông kể với người khác. Nhiều năm liền sợ con buồn, mặc cảm nên ông Tuing giấu nhẹm. Có lần bị bạn bè ở lớp chọc ghẹo rằng mình là đứa trẻ bị bỏ rơi, Qua chạy về nhà khóc với bố mẹ.
Gần đây, ông Tuing mới nói thật để cháu yên tâm học hành. Song, dường như còn quá nhỏ nên Qua dù biết sự thật cũng chưa cảm nhận sâu sắc về chuyện năm đó, em cũng chẳng đòi về lại nhà mẹ ruột. Em chỉ biết nơi mình sinh ra qua vài tấm ảnh được người khác cho xem.
Qua từng gặp mẹ ruột hai lần khi mẹ tới thăm, nhưng mẹ em đến với tư cách là một người quen của bố mẹ nuôi. Bà Hyenh tâm sự, đợi Qua lớn hơn chút sẽ dẫn về làng cũ thăm mẹ và anh chị ruột, "giờ nó còn nhỏ quá, dẫn về sợ cháu nó khóc không ngủ hay học được". Vợ chồng bà không sợ khi bé gặp lại người thân sẽ chọn rời khỏi họ, bởi "con thích sống ở đâu thì cho ở đó".
Bà Hyenh bảo thêm, Qua là đứa trẻ rất có hiếu, biết thương bố mẹ nuôi. Em hay bóp chân tay cho bố mẹ, sợ "mẹ chết không có ai nuôi". Cô bé 11 tuổi thường ôm chầm lấy mẹ, cười híp mắt và hứa cố gắng học giỏi để lớn lên kiếm tiền nuôi bố mẹ và hai em.
"Chúng tôi chỉ ước mơ nuôi được ba cháu học đến đại học để thay đổi cuộc đời, thoát khỏi cái nghèo", ông Tuing nói về mong ước của hai vợ chồng. Còn cô bé suýt bị bắt phải chết đang mơ làm họa sĩ, và bức tranh đầu tiên em sẽ vẽ về chính bố mẹ cưu mang mình.
Cô bé mê vẽ
Bé Qua năm nay lên lớp 4, em học khá giỏi. "Con thích học tiếng Anh, thích vẽ tranh. Ước mơ của con lớn lên là làm họa sĩ", cô bé hồn nhiên nói rồi khoe với chúng tôi về kết quả học kỳ 1 vừa qua. Không những vậy, em còn múa và hát tặng chúng tôi hai bài hát tiếng Anh, khá đúng giai điệu và tròn vành rõ chữ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận