17/06/2009 06:25 GMT+7

Cụ bà họa sĩ

ĐÌNH THỦY - THU SÁU
ĐÌNH THỦY - THU SÁU

TT - Năm 74 tuổi bà bắt đầu vẽ. Và đến năm 77 tuổi cuộc triển lãm với hơn 500 bức tranh của bà đã làm ngỡ ngàng làng hội họa cả nước! Ở tuổi 89, bà có gần... 2.000 bức họa, trong đó có nhiều bức được giải thưởng.

gMQBGmoF.jpgPhóng to
Những nét vẽ cuối cùng của bà để hoàn thiện bức Cầu Long Biên -Ảnh: Đ.Thủy

Bà tên Lê Thị Thi, nghệ danh là Lê Thi, nhà nằm ở cuối phố Xa La, phường Phúc La, Hà Đông (Hà Nội), ngay bên bờ sông Nhuệ hiền hòa, khuất sâu trong con ngõ nhỏ yên bình.

Nét vẽ cuộc đời

Bà mê vẽ từ thuở nhỏ. Bà kể: “Mỗi khi vào bếp là tôi lại lấy than nguệch ngoạc vẽ lên nền đất... Cứ lúc nào rảnh rỗi là tôi lại vẽ, nhiều khi còn bị mẹ mắng. Vẽ không ra hình thù gì nhưng tôi vẫn cứ vẽ”. Nhưng rồi chiến tranh tao loạn, cuộc sống cơ cực, bà không có dịp được học vẽ. Mãi đến năm 74 tuổi (1994), bà kể, khi nhìn thấy hộp màu của người con trai duy nhất gửi từ bên Nga về cho đứa cháu nội thì khao khát vẽ tranh trong bà trỗi dậy.

Cuộc đời, thơ và sắc màu

Từ năm 1994-1997 là thời gian bà vẽ nhiều nhất, khoảng hơn 500 bức. Tranh của bà đã tham gia triển lãm mỹ thuật ở đồng bằng sông Hồng, triển lãm tranh phụ nữ quốc tế Việt - Pháp, triển lãm tranh Vân Hồ, triển lãm tranh mỹ thuật người cao tuổi toàn quốc... Bà đã đạt

được giải B của Liên hiệp hội Văn học nghệ thuật VN (năm 1997), giải thưởng Hội Mỹ thuật VN (năm 1997), rồi giải thưởng văn học nghệ thuật Nguyễn Trãi (năm 2001). Đã hơn tháng nay chưa vẽ bức nào nhưng bà vẫn vui vẻ. Hơn tháng nay rồi chẳng gặp nhau/Có nhớ ta chăng hỡi sắc màu/Gió cuốn bụi trần hoen giấy trắng/Tiếng cười che lấp tiếng lòng nhau....

Bà Lê Thi được Bộ VHTT công nhận là họa sĩ VN.

Họa sĩ Lê Thi ở tuổi 89

Mỗi khi dạy cháu học chữ cái nào bà đều vẽ tranh minh họa, như chữ B vẽ “con bò”, hay chữ Ê vẽ “con bê”, rồi đến chữ G vẽ “con gà”... Những nét vẽ nguệch ngoạc ngày càng trở nên mềm mại, có hồn khiến bà càng thích thú. Bà vẽ một cách cảm tính, không theo quy tắc nào cả. Trong cuốn sách tự học vẽ mà đứa cháu mua về, bà bỏ qua tất cả việc chia khoảng cách, bố cục, màu sắc... sẵn có mà tự vẽ theo ý thích, ý tưởng của riêng mình.

Bà vẽ tất cả những gì mình thấy, cảm nhận được. Ban đầu là những bức vẽ về đề tài đứa cháu nội (cu Thanh) bi bô đánh vần. Sau là những bức tranh tái hiện ký ức về làng quê nơi bà từng sinh sống hoặc đi qua. Đó là đồng lúa, mái đình, cây đa... Bà thích vẽ những điều giản dị từ cuộc sống. “Tôi vẽ những gì xung quanh mình vì nó gắn liền với làng quê VN”, bà nói.

Bà vẽ chủ yếu là sơn dầu. Khắp nơi trong căn phòng nhỏ bé xinh xắn của bà đâu cũng là tranh: trên tường, nóc tủ, góc nhà... Thong thả giã trầu trong cái cối nhỏ bằng đồng lên nước bóng loáng, bà móm mém: “Tôi chẳng vẽ cái gì cao xa cả mà chỉ bôi, nguệch ngoạc mãi rồi nó cũng thành tranh”.

Bà Thi sinh năm 1920 tại Thanh Hóa. Bà lấy chồng năm 1948, chồng bà xưa là thanh niên cứu quốc rồi về làm giáo viên dạy học ở huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa). Cưới nhau được hơn một năm thì chồng bà mất trong một lần giặc Pháp ném bom. Lúc đó bà đã có một con trai 7 tháng tuổi với ông. Hiện nay con trai bà đang làm việc trong quân đội. Cuộc đời bà rong ruổi như thân cò một mình nuôi con khôn lớn. Bà làm bún, đan len, xe chỉ, dệt vải, nuôi tằm... và “ngay cả việc thợ xây tôi cũng không quản”. Bà chỉ được vẽ khi đã thanh thản sau cuộc mưu sinh.

7eEAHKKD.jpgPhóng to

Ảnh: Đ.THỦY

Màu sắc “ngược dòng”

Sau bài báo đầu tiên (năm 1997) của một tờ báo, bà được nhiều người biết đến và còn được Vụ Mỹ thuật (Bộ VHTT) cử người đến tìm hiểu nghiên cứu tranh của bà. Ngay ngày hôm sau, đích thân bộ trưởng VHTT lúc ấy là ông Nguyễn Khoa Điềm đến thăm và tặng bằng khen. Ông Nguyễn Khoa Điềm hỏi bà có thích triển lãm tranh không, bà bảo: “Thích lắm chứ!”. Vậy là cuộc triển lãm tranh cá nhân đầu tiên của bà được Bộ VHTT tổ chức tại Trường đại học Mỹ thuật, trưng bày hơn 70 bức.

Đến nay ở tuổi 89 nhưng bà vẫn còn minh mẫn lắm. Mắt bà vẫn tinh anh. Bà có thể đọc sách, đọc báo, sử dụng thành thạo bàn phím máy vi tính. Không chỉ đam mê hội họa, bà còn yêu thích thơ văn, bà từng sáng tác thơ và trong một số bài thơ đã sáng tác có bài Tết của bà còng là bà tâm đắc nhất, bài thơ được nhạc sĩ Thuận Yến phổ nhạc. Ngoài ra bà còn sáng tác văn xuôi. Đó là tập truyện mang tên Ngược dòng lấy cảm hứng từ chính cuộc đời mình. Tập truyện gần 600 trang, sẽ được xuất bản vào tháng 7-2009 tới, bà cho biết.

Bà bảo cuộc sống đôi khi cũng có những lúc thăng trầm nhưng tình yêu hội họa đã cho bà niềm tin tiến về phía trước, giống như những sắc màu vui tươi lúc nào cũng ăm ắp giữa cuộc đời này.

M0mAMeWW.jpgPhóng to

Bức Cội nguồn được trao giải nhì, giải thưởng văn học nghệ thuật Nguyễn Trãi năm 2001 Ảnh: Đ.Thủy

Tranh như đời

Tranh của bà có cái tâm, cái tình của người vẽ khiến người xem dễ yêu, dễ mến. Nói như nhà thơ Dương Viết Tá: “Tranh của bà, người xem có cảm nhận giữa tranh và đời như là một”.

ĐÌNH THỦY - THU SÁU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên