17/11/2018 18:50 GMT+7

Họa sĩ biếm từ tiệm... chạp phô

NGUYỄN VĂN DŨNG  (họa sĩ Cận)
NGUYỄN VĂN DŨNG (họa sĩ Cận)

TTO - Năm 1991, tôi 33 tuổi, một vợ và... bốn con, theo anh trai đưa cả gia đình vào Sài Gòn lập nghiệp.

Cái từ Sài Gòn nghe sang trọng làm sao, cả đời mơ ước, chưa một lần đặt chân đến. Thế mà nhắm mắt đi ào, dù không có một nghề gì trong tay ngoài bán vé số và thợ đụng (đụng gì làm nấy) ở quê miền Trung nghèo khó.

Họa sĩ biếm từ tiệm... chạp phô - Ảnh 1.

“Tôi đã nuôi hoàn chỉnh gia đình từ đồng tiền nhuận bút ít ỏi ấy, tiền ấy nó sạch đến nỗi không có gì sạch hơn, chưa bao giờ ăn gian, ăn lận hay trúng mánh một đồng nào.

Phụ vợ bán hàng, mơ làm họa sĩ

Tưởng vào Sài Gòn là cao sang lắm, sung sướng lắm, ai ngờ... Tôi và anh trai thuê một căn nhà lá rách nát, không điện, không nước, ở trong một con hẻm sâu phường 22, quận Bình Thạnh, cái xóm mà tội phạm đầy rẫy, xì ke ma túy gái điếm tràn lan, có tên là xóm Ông Cò (có lẽ nhiều người biết). Anh tôi làm thợ mộc, còn vợ chồng tôi ra chợ hằng ngày với cái trẹt bán hành tiêu ớt tỏi. Bước đầu tiên khi ra làm ăn ở Sài Gòn là vậy.

Cứ tầm 3 giờ sáng là vợ chồng tôi dậy đi chợ Bà Chiểu lấy hàng sỉ rau củ quả hành tiêu ớt tỏi... đem về chợ gần nhà cho vợ bán lẻ, còn tôi về nhà bán tạp hóa - dân Sài Gòn hay nói là bán chạp phô - linh tinh đủ thứ, nói chung thu nhập cũng đủ cơm ăn dù rất khó khăn, bốn đứa con, đứa lớn học lớp 7, đứa nhỏ mới lên 3.

Trong lúc phụ vợ bán hàng ngoài chợ, thỉnh thoảng tôi mua báo Tuổi Trẻ đọc (hồi đó Tuổi Trẻ ngày ra cách nhựt, hai ngày có một số). Và ngày nọ bất chợt thấy tờ báo Tuổi Trẻ Cười, tôi liền mua vì thấy rất lạ. Tuổi Trẻ Cười lúc đó còn in trắng đen và mỗi tháng chỉ ra một lần. Tôi đọc báo Tuổi Trẻ Cười rất thích thú với những tranh biếm và tiểu phẩm cười, đọc hầu như không bỏ sót chữ nào.

Về nhà, thấy mấy cái tranh ngộ ngộ, tôi bèn lấy bút bi, lấy giấy học trò ra vẽ thử những tranh vui và tự vui một mình. Và phải 3 năm sau, tức năm 1994, tôi mới dám mon men đi đến tòa soạn họp câu lạc bộ họa sĩ biếm với sự chủ trì của họa sĩ Nhốp lúc bấy giờ. Thật vui vẻ và cởi mở. Được sự động viên của họa sĩ Nhốp, bắt đầu từ đó tôi vẽ những tranh biếm đầu tiên gửi cho Tuổi Trẻ Cười, rồi mong mỏi chờ đợi đến tháng, ngày Tuổi Trẻ Cười ra mua xem thử mình có được đăng báo không...

Ngồi chợ bán hàng, nhìn sang sạp báo gần chợ thấy Tuổi Trẻ Cười đã có số mới tôi liền mua ngay, lật từng trang một kiểm tra... Và eo ơi, tranh của tôi được đăng một cái với sự biên tập của họa sĩ Nop. Sung sướng tột độ, tôi nhảy cẫng lên! Bà xã trợn tròn "có chuyện gì vậy?", tôi cười toe toét: "Anh có tranh được đăng báo!".

Họa sĩ biếm từ tiệm... chạp phô - Ảnh 3.

Nuôi cả nhà bằng đồng tiền sạch

Thế là từ đó, khoảnh khắc này, hằng ngày xong nhiệm vụ mua bán, tối về tôi chong đèn dầu cặm cụi vẽ, vẽ từ bút chì tới bút bi, tới bút kim và sau này vẽ trên máy vi tính, cứ tiến bộ dần dần, tự mày mò học hỏi (rồi như được nước, tôi lấn sang làm thơ vui, viết tiểu phẩm, viết bài phản ánh tiêu cực cũng hiệu quả)..., vẽ bất cứ đề tài gì, thích là vẽ, vui là vẽ... rồi gửi đi và chờ đợi. Quả thật từ cái tranh đăng báo đầu tiên đó, về sau cứ được đăng nhiều lên, có khi 2 tranh, rồi 3 tranh, nét vẽ bắt đầu chỉn chu hơn, ít biên tập hơn.

Cứ như thế tôi vẽ lấn sâu vào các báo khác nữa như báo Thanh Niên, Sài Gòn Giải Phóng, Công An, rồi kể cả báo tỉnh như Đồng Nai, Long An, An Giang... ra tới Hà Nội như Văn Nghệ, Hà Nội Mới, Lao Động, Làng Cười, Năng Lượng Mới, Giáo Dục... Có những giai đoạn đỉnh điểm tôi vẽ cộng tác đến hơn 20 tờ báo, kể cả Nhi Đồng, Thiếu Niên.

Hằng tháng tôi vẽ hàng trăm tranh, được đăng các báo trên toàn quốc 30 - 60 tranh là bình thường. Và kết quả thật bất ngờ: thu nhập từ nhuận bút rất đáng kể! Từ vẽ cho vui, giải trí đi đến vẽ cho được, có thu nhập để nuôi gia đình chính là tôi. Tiền nhuận bút biếm họa cứ tăng đều, tôi nuôi được bốn con ăn học, từ cấp I đến thạc sĩ. Cộng với sự nỗ lực cố gắng của các con vừa học vừa làm thêm, tôi đã nuôi hoàn chỉnh gia đình từ đồng tiền nhuận bút ít ỏi ấy, tiền ấy nó sạch đến nỗi không có gì sạch hơn, chưa bao giờ ăn gian, ăn lận hay trúng mánh một đồng nào.

Cho đến hôm nay, các con tôi đã là kiến trúc sư, kỹ sư, doanh nhân, có vợ có con gia thất đầy đủ, nhà cửa đàng hoàng, được các con nuôi sống hằng tháng nhưng tôi vẫn vẽ biếm họa để vui và như một nghề ăn vào máu. Ngay bây giờ tôi vẫn vẽ hằng ngày, hằng giờ nếu tìm ra đề tài thích thú.

Có lẽ tôi là một trong số ít người sống và nuôi con, xây dựng gia đình bằng nghề biếm họa. Tuy không giỏi và được nhiều ưu ái như những họa sĩ khác, nhưng tôi rất tự hào với bản thân mình, đã nuôi sống gia đình bằng nghề họa sĩ biếm nghiệp dư. Cảm ơn báo Tuổi Trẻ Cười đã cho tôi khoảnh khắc thay đổi cuộc đời, có lẽ không bao giờ quên.

Từ ngày 12 đến 15-11, cuộc thi "Khoảnh khắc thay đổi đời tôi" đã nhận được bài dự thi của các tác giả: Nguyễn Văn Lục, Cao Thị Thanh Minh, Châu Tấn Hiệp, Vương Quốc Tuấn (TP.HCM), Lư Thế Nhã (Bến Tre), Phùng Quốc Anh, Đoàn Phú Vinh, Lê Quang Huy (Tiền Giang), Đoàn Vân Anh, Hoàng Thị Xim, Trịnh Thị Nga, Lê Minh Tiến (Hà Nội), Lê Thị Thu Thanh (Quảng Trị), Hồ Thị Như Thủy, Hồ Thị Minh Lý, Lê Anh Tưởng (Thừa Thiên - Huế), Tạ Thế Hưng (Thái Bình), Phạm Được (Đà Nẵng), Văn Lê (Cần Thơ), Nguyễn Thị Như Ý (Khánh Hòa), Trần Công Hương (Vĩnh Long), Lê Thị Lan (Bình Dương), Trần Tiến Duẫn (Cà Mau), Nguyễn Mạnh Dũng.

Tuổi Trẻ tiếp tục chào đón bài dự thi của bạn đọc.

Tuổi Trẻ phát động cuộc thi: “Khoảnh khắc thay đổi đời tôi”

* Thể lệ:

Bài viết bằng chữ tiếng Việt, có thể viết trên giấy hoặc gửi bài viết qua email.

* Độ dài tối đa: 1.500 chữ.

* Tiêu chí:

Câu chuyện có thật, độc đáo, có bài học sâu sắc, đậm tính nhân văn, rung động.

Những bài viết hay sẽ được chọn đăng trên các ấn phẩm của Tuổi Trẻ (Tuổi Trẻ nhật báo, Tuổi Trẻ Cuối Tuần và Tuổi Trẻ Online - tuoitre.vn).

* Đối tượng dự thi:

Công dân Việt Nam và người nước ngoài (trừ phóng viên, cán bộ, nhân viên báo Tuổi Trẻ).

Mỗi tác giả gửi tối đa 2 bài.

Giải thưởng:

Nhất: 30 triệu đồng.

Nhì: 20 triệu đồng.

Ba: 10 triệu đồng.

Và 3 giải khuyến khích: mỗi giải 5 triệu đồng.

* Thời gian bắt đầu và kết thúc:

Bắt đầu nhận bài thi từ ngày phát động. Kết thúc và trao thưởng vào tháng 12-2018.

Cuối mỗi bài viết vui lòng ghi rõ thông tin về tác giả: địa chỉ, số điện thoại và email liên hệ.

Bài thi gửi về: báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, Việt Nam. Hoặc email: khoanhkhaccuocdoi@tuoitre.com.vn.

Ngoài bì thư hoặc tiêu đề bài dự thi gửi qua email vui lòng ghi: Bài dự thi "Khoảnh khắc thay đổi đời tôi".

Họa sĩ biếm từ tiệm... chạp phô - Ảnh 6.

Khoảnh khắc thay đổi đời tôi: Tiết học bên gốc phượng Khoảnh khắc thay đổi đời tôi: Tiết học bên gốc phượng

TTO - Đây là bài của người viết nhỏ tuổi nhất cuộc thi đến thời điểm này: tác giả đang học lớp 8, sinh năm 2005. Một câu chuyện rất học trò nhưng cũng rất thời sự và là vấn đề xã hội trăn trở.

NGUYỄN VĂN DŨNG (họa sĩ Cận)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên