16/07/2014 09:31 GMT+7

Có bảo lãnh mới được "bán nhà trên giấy"

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Dự thảo Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi) trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 5-7 đã đưa ra nhiều quy định siết chặt việc “bán nhà trên giấy”.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại phiên họp - Ảnh: TTXVN

Thực tế có không ít chủ đầu tư thu tiền trước của khách hàng nhưng chậm hoặc không triển khai dự án, đem tiền đó sử dụng vào mục đích khác...

Dự án ưu đãi thành ngược đãi

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, có ý kiến đề nghị cho phép chủ đầu tư được huy động vốn của khách hàng tại thời điểm đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và dự án đã có quy hoạch chi tiết 1/500. Tuy nhiên, quan điểm của Ủy ban Kinh tế là: “Để bảo đảm quyền, lợi ích của khách hàng khi mua, thuê, thuê mua nhà, công trình xây dựng hình thành trong tương lai, dự án luật đã quy định các chủ đầu tư chỉ được bán, cho thuê, cho thuê mua nhà, công trình xây dựng khi đã hoàn thành hạ tầng kỹ thuật theo tiến độ dự án, riêng đối với nhà chung cư, tòa nhà hỗn hợp có mục đích để ở thì phải có thêm điều kiện là đã hoàn thành xong phần móng của tòa nhà đó”.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng quy định như vậy vẫn chưa đủ, mà “cần phải quy định rõ hạ tầng kỹ thuật bên trong được kết nối với hạ tầng kỹ thuật bên ngoài, vì thực tế có những dự án hạ tầng kỹ thuật bên trong xong hết rồi nhưng không ở được vì nó không được kết nối với hạ tầng kỹ thuật bên ngoài”. Ông Phúc lấy ví dụ từ dự án nhà ở cho cán bộ Văn phòng Quốc hội, bên trong đã hoàn thiện nhưng không thể vào ở vì nó như một ốc đảo biệt lập với bên ngoài.

Ông Giàu cũng cho biết thực tế thời gian qua cho thấy rất nhiều trường hợp dự án nhà ở chưa đủ điều kiện nhưng chủ đầu tư đã bán, thu tiền của khách hàng dưới dạng góp vốn, hợp tác kinh doanh, sau đó dự án chậm tiến độ hoặc dự án không được triển khai sinh ra khiếu kiện và bên bị thiệt hại luôn là khách hàng. Nguyên nhân là do pháp luật hiện hành chưa có quy định bắt buộc dự án phải được cơ quan quản lý nhà ở địa phương kiểm tra trước khi chủ đầu tư bán hoặc huy động tiền của khách hàng, vì vậy dự án đã bổ sung quy định này để bảo vệ khách hàng và thể hiện rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà ở địa phương.

Điểm đặc biệt quan trọng trong dự thảo luật lần này là quy định trường hợp muốn bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai thì bắt buộc chủ đầu tư phải có bảo lãnh của một tổ chức tín dụng, việc bảo lãnh do chủ đầu tư và bên nhận bảo lãnh thỏa thuận. “Dự án luật không bắt buộc ngân hàng phải bảo lãnh và nếu chủ đầu tư không đủ uy tín, không được ngân hàng bảo lãnh thì phải đầu tư xây dựng xong mới được bán (bán nhà, công trình xây dựng có sẵn)” - ông Giàu giải thích.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng khẳng định quy định này nhằm buộc chủ đầu tư phải sử dụng tiền ứng trước của khách hàng cho chính dự án đó, không có bảo lãnh thì không được “bán nhà trên giấy” trước. Khi có bảo lãnh thì tổ chức tín dụng nhận bảo lãnh phải đền bù cho khách hàng nếu chủ đầu tư không thực hiện đúng hợp đồng.

Vẫn chưa yên tâm, Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị dự luật phải bổ sung phần chế tài đối với chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết. Trên thực tế có nhiều dự án chủ đầu tư làm xong phần móng, tiến hành thu tiền trước của khách hàng rồi để đó không triển khai tiếp.

Dự án chung cư cho công chức, nhân viên Văn phòng Quốc hội là một ví dụ, nhiều người nộp tiền từ lâu rồi nhưng đến nay dự án vẫn bất động. Ngay đến dự án nhà ở cho thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, “tôi ký (hợp đồng) từ năm 2008 đến nay, nộp tiền bốn lần rồi nhưng đến nay vẫn chưa nhận được, mà cũng không có chế tài nào cho việc này”. Cũng đề cập nỗi khổ của dự án này, trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương cho biết nhiều cán bộ, công chức tại các ủy ban của Quốc hội, cán bộ Văn phòng Quốc hội bức xúc nói dự án “ưu đãi thành ngược đãi”, nhiều người phải đi vay 2-3 tỉ đồng để nộp cho nhà đầu tư, phải trả lãi hằng tháng rất mệt mỏi. “Tôi đồng ý phải bổ sung chế tài vào luật, để chủ dự án nếu không thực hiện đúng cam kết, hợp đồng thì phải có hình thức xử lý” - bà Nương nói.

“Cò” đất, ”cò” nhà phải có chứng chỉ hành nghề

Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, hoạt động môi giới bất động sản có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản, vì vậy ban soạn thảo luật đề nghị quy định phải có chứng chỉ hành nghề mới được tham gia môi giới bất động sản. “Vừa qua người người môi giới bất động sản, không quy định điều kiện nên cũng là một nguyên nhân khiến thị trường nhiễu loạn” - ông Dũng nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cũng cho rằng “thị trường rối loạn là do môi giới, “cò” đất, “cò” nhà xuất hiện khắp nơi nhưng hoạt động môi giới lại thiếu quy củ, bài bản”. Ông Lý đề nghị quy định chặt chẽ điều kiện, tiêu chuẩn đối với người tham gia hoạt động môi giới bất động sản. “Không thể quy định chung chung là phải có bằng trung cấp trở lên. Trung cấp chuyên ngành gì? Đã tham gia môi giới bất động sản thì phải có khả năng thẩm định giá trị, chất lượng bất động sản, có khả năng tư vấn hợp đồng giao dịch...” - ông Lý phân tích.

Không để khách hàng bị “bóp cổ” khi sử dụng dịch vụ ở sân bay

Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số nội dung của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng VN, ông Phan Trung Lý cho biết đã bổ sung quy định để khắc phục tình trạng chậm chuyến, hủy chuyến trong vận chuyển hàng không dân dụng. Theo đó, dự thảo luật bổ sung quy định: “Chính phủ quy định cụ thể trách nhiệm của người vận chuyển trong trường hợp việc vận chuyển bị gián đoạn, bị chậm; chuyến bay bị hủy; hành khách đã được xác nhận chỗ trên chuyến bay nhưng không được vận chuyển hoặc quy định việc kỷ luật lao động, xử lý hành chính đối với cá nhân, tổ chức vi phạm gây ra việc vận chuyển bị gián đoạn, bị chậm; chuyến bay bị hủy”.

“Nguyên nhân cơ bản dẫn đến giá dịch vụ phi hàng không tại cảng hàng không, sân bay nước ta bị nâng giá rất cao, gây bức xúc trong xã hội thời gian qua là do giá thuê mặt bằng cao và doanh nghiệp đã lợi dụng vị thế độc quyền của mình” - ông Phan Trung Lý nói. Đây cũng là lý do để Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đề nghị đưa giá dịch vụ phục vụ hành khách vào danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá. Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị cần nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước, kiểm tra và can thiệp để khách hàng không bị “bóp cổ”. “Sáng nay tôi nghe tin tức thấy có chuyện bán tô mì gói ở sân bay 95.000 đồng. Cần phải kiểm tra xem nguyên nhân do độc quyền cung cấp dịch vụ hay do giá thuê mặt bằng tại sân bay cao quá” - bà Ngân lưu ý.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên