Bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga (cựu chuyên viên phòng khảo thí) tại tòa - Ảnh: DANH TRỌNG
Chiều 21-5, phiên tòa sơ thẩm xét xử 12 bị cáo trong vụ gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018 tại Sơn La bước sang phần xét hỏi.
Trước khi vào phần xét hỏi, chủ tọa đề nghị cách ly một số người làm chứng tại phiên tòa.
Là người đầu tiên được gọi lên trả lời xét hỏi, bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga (cựu chuyên viên phòng khảo thí) nói không đồng tình với một số điều trong cáo trạng truy tố.
Tại tòa, bị cáo Nga khai trước kỳ thi, ông Trần Xuân Yến (cựu phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo) có soạn các văn bản nhưng khi phổ biến không phát cho các thành viên, mà chỉ phổ biến bằng miệng trong cuộc họp và trước buổi chấm thi đầu tiên.
Nga khai trước và trong kỳ thi có nhận trực tiếp thông tin của 16 thí sinh, gồm anh Trần Văn Điện (giáo viên) đưa danh sách 4 thí sinh, ông Nguyễn Ngọc Hà (nguyên trưởng phòng giáo dục THPT Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Sơn La) 8 thí sinh (trong đó có 4 thí sinh trong danh sách của ông Hà trùng với 4 thí sinh ông Yến đưa), ông Trần Văn Phúc 2 thí sinh, ông Nguyễn Duy Hoàng (phụ huynh) 1 thí sinh, chị Đinh Thị Lan (phụ huynh) 1 thí sinh.
"Những người này đưa danh sách thí sinh nhờ bị cáo nâng điểm bài thi theo thông tin mà họ cung cấp. Tất cả trường hợp trên bị cáo không có trao đổi thỏa thuận gì. Chỉ có 4 trường hợp anh Điện cảm ơn bằng tiền 1,04 tỷ đồng cho bị cáo. Khoản tiền này bị cáo đã nộp cho cơ quan công an".
Nói về các trường hợp của ông Hà nhờ, Nga cho rằng giúp vì mối quan hệ cấp trên - cấp dưới và tình cảm gia đình.
Nga cho biết còn nhận của ông Yến 13 thí sinh, Lò Văn Huynh (cựu phó trưởng phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục Sở Giáo dục và đào tạo) 7 thí sinh, chị Nguyễn Thanh Nhàn (cựu phó trưởng phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục) 4 thí sinh, ông Đinh Hải Sơn (cựu thiếu tá, cựu đội phó đội giáo dục Phòng an ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Sơn La) 2 thí sinh, Đỗ Khắc Hưng (cựu trung tá, cán bộ Phòng an ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Sơn La) 1 thí sinh.
Theo bị cáo Nga, chiều 30-6-2018, ông Yến có đưa cho Nga một tờ giấy tại phòng chấm thi trắc nghiệm và ghé vào tai nói "sửa theo số điểm trong danh sách giấy ghi". Danh sách ghi họ tên thí sinh, số báo danh, địa điểm thi, mã đề thi, số điểm cần nâng, số phòng thi.
Đáng chú ý, bị cáo Yến đưa cho Nga 3 tờ danh sách, trong đó có 1 tờ viết tay là chữ của ông Ngọc Hà. Hội đồng xét xử hỏi: sao bị cáo biết đây là chữ của ông Ngọc Hà?, Nga đáp do nhận ra nét chữ.
Cũng theo lời khai của Nga, trước ngày thi, ông Yến gọi Nga sang phòng và bảo năm nay có một số con cháu trong sở thi nên bắt buộc phải sửa, nâng điểm bài thi trắc nghiệm. Ông Yến hỏi muốn nâng điểm bài thi trắc nghiệm phải làm thế nào. Bị cáo bảo phải tẩy đi tô lại, túi đựng bài thi không được niêm phong... Sau đó, ông Yến nói không phải niêm phong bài thi, còn bên công an sẽ bảo Nguyễn Khắc Hưng bố trí.
Về các thí sinh của Nguyễn Khắc Hưng nhờ, Nga khai Hưng đưa tờ giấy bảo nâng hộ các thí sinh này môn toán lên 9 điểm.
Bị cáo Trần Xuân Yến (cựu phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Sơn La) tại phiên xử chiều 21-5 - Ảnh: DANH TRỌNG
Là người thứ hai trả lời xét hỏi, khai trước tòa, bị cáo Trần Xuân Yến (cựu phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Sơn La) cho hay trước kỳ thi THPT năm 2018 có nhận ba tờ danh sách thông tin của thí sinh, trong đó một tờ gồm 8 thí sinh do ông Hoàng Tiến Đức (cựu giám đốc sở) chuyển cho. Toàn bộ những thí sinh này đều được nhờ "xem điểm, chứ không phải nâng điểm".
Sau khi nhận thông tin từ ông Đức, bị cáo đã đánh máy lại vào một tờ giấy khác rồi đưa cho Nguyễn Thị Hồng Nga (cựu chuyên viên phòng khảo thí). Lý do phải đánh máy thay vì chuyển luôn cho Nga là vì tờ danh sách này bị bẩn và bị cáo còn bổ sung thêm 3 thí sinh nữa.
Nói về động cơ, mục đích, bị cáo này nói "do nể nang ông Đức là giám đốc sở nên mới nhận lời xem điểm giúp"
Tại tòa hôm nay 21-5, ông Hoàng Tiến Đức được triệu tập tới tòa với tư cách người làm chứng. Nhưng giống với nhiều lần mở tòa trước đó, ông Đức tiếp tục có đơn xin xét xử vắng mặt với lý do đang phải điều trị bệnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận