15/03/2018 10:51 GMT+7

Chuyến tác nghiệp nhớ đời sau thảm sát Gạc Ma

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Sau sự kiện 14-3-1988, một đoàn phóng viên đã ra tác nghiệp ở quần đảo Trường Sa và đặc biệt là trên tàu HQ505.

 Sau 30 năm, cảm xúc của những nhà báo đầu tiên tới hiện trường thảm sát ở Gạc Ma do Trung Quốc gây ra vẫn vẹn nguyên sự xúc động trước sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ hải quân - Video: V.V.TUÂN - CHÍ TUỆ 

30 năm trước, thiếu tướng Hồ Anh Thắng còn là một phóng viên trẻ hàm đại úy của báo Quân Đội Nhân Dân. 

Chuẩn bị tâm thế hi sinh

Ông là một trong gần 20 phóng viên Việt Nam từ báo Quân Đội Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam, Nhân Dân, Tiền Phong, Đài Truyền hình Việt Nam và Truyền hình TP.HCM... có mặt ở chuyến đi tác nghiệp có một không hai trong đời ấy.

16h30 ngày 15-4-1988, tàu Mỹ Á xuất phát chở đoàn phóng viên ra Trường Sa. Để tránh bị tàu chiến Trung Quốc ngăn cản, tàu Mỹ Á phải treo cờ hồng thập tự. 

Chuyến tác nghiệp nhớ đời sau thảm sát Gạc Ma - Ảnh 2.

Các nhà báo gặp gỡ làm việc với những chiến sĩ trên con tàu HQ505, cột mốc chủ quyền trên đảo Cô Lin- Ảnh: Vinh Quang

Khi chuẩn bị đến đảo Cô Lin thì tàu được thông báo đang có ba tàu chiến của Trung Quốc neo đậu gần Cô Lin. Một cuộc hội ý chớp nhoáng nhưng cực kỳ căng thẳng giữa các nhà báo đã diễn ra trên tàu Mỹ Á.

Trưởng đoàn báo chí Hoàng Như Thính gọi tất cả phóng viên lên boong tàu, hạ quyết tâm: "Nếu phải chiến đấu, chúng ta sẽ chiến đấu đến giọt máu cuối cùng, quyết không để Trung Quốc bắt. Chúng ta không để những tài liệu mình ghi chép, quay phim... rơi vào tay kẻ thù".

Đây chính là Tổ quốc

16h30 ngày 19-4, đoàn nhà báo rời tàu Mỹ Á để bước lên tàu HQ505.

Thiếu tướng Hồ Anh Thắng kể: "Cô Lin là đảo chìm. Khi chúng tôi đến thủy triều đang còn cao, chỉ thấy một chiếc tàu đang nằm ghếch mũi lên bãi Cô Lin. Đó chính là HQ505.

Phim tài liệu Trường Sa tháng 4 năm 1988 được thực hiện trong chuyến đi lịch sử

Tàu cháy trơ trụi, loang lổ, đen đúa, nhìn xa như con cá voi đen khổng lồ lao người trườn lên bãi đá. Đó là dáng đứng của tàu trong phút giây cuối cùng dùng hết tốc lực lao lên đảo làm cột mốc. 

1/3 tàu nằm dưới nước. 2/3 thân tàu trên đảo.

Sau ngày 14-3-1988, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ và chín chiến sĩ tình nguyện ở lại trên con tàu đã bị cháy, trụ lại để bảo vệ Cô Lin, lúc nào cũng sẵn sàng chiến đấu trước sự uy hiếp, đe dọa hằng ngày của các tàu chiến Trung Quốc. 

Anh nào cũng râu tóc lởm chởm, đen trũi, trên người chỉ có độc chiếc quần đùi. Họ trần trụi như con tàu của họ sau khi bị bắn cháy. 

Gần một tháng sau sự kiện 14-3, quân tư trang của họ hầu như không còn gì. Có chiến sĩ chỉ còn lại mỗi chiếc quần lót. 

Chuyến tác nghiệp nhớ đời sau thảm sát Gạc Ma - Ảnh 4.

Đoàn nhà báo trong chuyến tác nghiệp nhớ đời sau thảm sát Gạc Ma

Tàu chúng tôi mang ra rất nhiều thức ăn nhưng không ai lấy mà chỉ đòi thư, tạp chí. Anh em toàn lính trẻ, cứ tranh nhau giành thư của đồng bào gởi cho họ. 

Tôi còn nhớ có lá thư của em học sinh Nguyễn Thị Mai Trâm, học sinh lớp 8 ở TP.HCM, viết rằng từ khi biết xảy ra chiến tranh, mỗi sáng mẹ cho tiền ăn sáng, Mai Trâm nhịn ăn góp được 3.000 đồng tặng các chú bộ đội. 

3.000 đồng năm 1988 rất lớn. Chiến sĩ mình đọc thư xong khóc rưng rức như đứa trẻ".

Cả đoàn phóng viên chỉ có hai tiếng tác nghiệp trên tàu HQ505. Khi họ đang tác nghiệp thì một trong ba tàu chiến Trung Quốc chở quân đến sát. 

Tất cả lính Trung Quốc lên boong tàu. Trên boong có mấy khẩu đại bác. Lính đội mũ sắt, mắt gườm gườm quay nòng pháo, chĩa đại bác về phía đoàn công tác sẵn sàng khai hỏa. 

Trong đoàn có nhiều người chưa từng ra chiến trường, chưa bao giờ nhìn thấy cảnh tượng đó nên lo lắng. 

Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ nói với các nhà báo: "Các anh cứ bình tĩnh. Chúng ta cứ hiên ngang vì chúng ta đang đứng trên đảo của mình, tàu của mình. Và đây chính là Tổ quốc của chúng ta. Nên các anh cứ bình tĩnh mà tác nghiệp với chiến sĩ của chúng tôi".

Nhành san hô và vỏ ốc trên nấm mộ

30 năm đã trôi qua, ông Thắng nói rằng các nhà báo không thể nào quên được buổi chiều tang thương ở đảo Sinh Tồn. 

Khi hoàng hôn buông xuống, những người lính vừa khóc vừa vun những đụn cát lên ba nấm mộ mới chôn. 

Đảo Sinh Tồn nhỏ, toàn đá san hô, đào mộ không sâu được, bộ đội phải vun cát lên, lấy ốc biển và san hô xếp xung quanh mộ để giữ không cho gió thổi cát trồi xuống. 

Bia mộ được làm đơn sơ. Lính dùng gỗ cây bàng vuông chẻ đôi, có cái thì viết bằng mực Cửu Long, có cái dùng dao rạch, khắc tên tuổi liệt sĩ. Bát hương làm bằng ống bơ hoen gỉ.

"Mấy anh rất có ý khi chôn đồng đội quay ra biển - hướng đông để khi thắp hương người còn sống quay mặt về phía tây - đất liền. Khi thắp hương đồng đội, lính khóc như mưa. Cảnh tượng đó bóp nghẹn lồng ngực của chúng tôi" - ông Thắng nói.

Bình thản và lạc quan

kỳ 2- anh 3 báo chí 4

Lưng trần chiến sĩ - tác phẩm của nhà báo Vinh Quang chụp lính đảo vận chuyển vật liệu xây dựng đảo Trường Sa Lớn trong chuyến đi tháng 4-1988

Đường đến Cô Lin trời đã yên và biển đã lặng nhưng trong lòng mỗi thành viên của đoàn báo chí chúng tôi tâm trạng khác thường.

Trên hành trình đến Cô Lin, qua khoang cửa sổ mạn tàu có thể thấy tàu Trung Quốc tiến rất gần rồi chạy song song với tàu Mỹ Á. Lính Trung Quốc đội mũ sắt lố nhố trên boong, ụ pháo trên tàu rê hướng về tàu Mỹ Á dọa dẫm, uy hiếp.

Không khí chiến sự lan tỏa trên tàu.

Lúc đó chúng tôi chỉ có một lo lắng rằng nếu có hi sinh, chúng tôi sẽ tiếc nuối vì mình không hoàn thành được ước nguyện đưa những thông tin chân thực, sống động nhất về một vùng biển đảo thân yêu của Tổ quốc trong những ngày tháng lịch sử cam go này đến tay người hậu phương.

Khi đứng trên tàu HQ505, mọi người vào việc ngay, các cuộc phỏng vấn, chụp ảnh, quay phim diễn ra liên tục vì không ai muốn để thời gian chết trong cái nắng rát Trường Sa ngay trên con tàu còn khét mùi khói súng của quân bành trướng Trung Quốc.

Sau những câu chuyện đã diễn ra vào ngày 14-3 ấy, chúng tôi thăm hỏi nhau về cuộc sống thường nhật của anh em chiến sĩ, cảm nhận tinh thần chiến đấu kiên cường của họ.

Dù khó khăn gian khổ và có thể hi sinh bất cứ lúc nào trước họng súng kẻ thù, nhưng chúng tôi thấy họ thật bình thản và lạc quan.

VINH QUANG
(cựu phóng viên báo Ảnh Việt Nam)

*********************

Kỳ tới: Đổ bộ pháo - xe tăng lên đảo Sinh Tồn

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên