Vài trăm năm hay vài thiên niên kỷ trước, những đoàn người từ nhiều nơi trôi dạt đến và quyết định cắm tay sào dựng nhà họp chợ, rồi mở đường lập phố.
Những con sông vì thế, là vật chứng cổ xưa hơn cả, trong khi thành quách đền đài có thể đã biến mất, nhưng "con sông xưa, thành phố cũ" (lời bài ca của Phạm Duy) vẫn cứ êm trôi bồi lắng hồn vía đô thị.
Nghe dòng sông hát cung bậc trầm...
Nếu một người ở Sài Gòn đầu thế kỷ 20 trở lại đất này sau một thế kỷ, hẳn họ sẽ ngỡ ngàng khi thấy cư dân sống xa mặt nước hơn trước.
Một người ở quận Tân Phú nếu không có việc đi xuống trung tâm có lẽ chẳng mấy khi cảm nhận mình đang sống ở một thành phố "theo sông mà đến, nương sông mà ở, nhờ sông mà phát triển".
Vài đoạn kênh hẹp chảy qua những quận tương tự đã bị nhà cửa dày đặc làm mờ dấu vết những huyết mạch xưa. Đồng thời, công cuộc mở rộng thành phố trong vài thập niên qua đã tạo ra xu hướng các khu đô thị bám theo những tuyến đường xa lộ tỏa đi các nhánh.
Nhưng hồn phố gắn với những nhịp nước triều lên xuống không dễ gì thay thế. Bằng chứng là cho đến giờ, những tuyến du lịch sôi động nhất của thành phố vẫn là những cung đường ven sông Sài Gòn, các bờ kênh Nhiêu Lộc, Tàu Hủ, Bến Nghé...
Trước khi được dùng làm tên đặt đoạn kênh chảy giữa quận 1 và quận 4 như hiện nay, Bến Nghé là tên khúc sông Sài Gòn chảy qua mặt tiền thành phố, và đây chính là mốc phát triển các tuyến đường Sài Gòn của người Pháp bắt đầu từ năm 1862.
Một tấm bản đồ Sài Gòn vào khoảng năm 1898 theo lối góc nhìn chim bay đã định vị thành phố với khu thương mại xoay quanh quảng trường bến sông ứng với nay là công trường Mê Linh, mang đậm dấu ấn quy hoạch phương Tây.
Khác với Hà Nội có một hệ thống phương vị các tuyến đường chính theo hướng đi ra "tứ trấn" ở bốn phía có từ thời Lý, khu trung tâm Sài Gòn được quy hoạch thành các ô phố bàn cờ nhờ những trục giao thông chủ đạo theo hai hướng Đông Bắc - Tây Nam và Tây Bắc - Đông Nam, tựa như một mạng đăng ten móc từ những mũi đan đầu tiên là bờ sông.
Những mũi đan hay những trục đường này vốn là những âu tàu hay con rạch nối từ bến thuyền ăn sâu vào các khu đất cao hơn, để rồi trở thành khởi điểm cho sự định hướng không gian đô thị khi các trục vuông góc được hình thành, dần dần xóa dấu vết những thành Quy, thành Phụng thời Nguyễn.
Đoạn uốn như vành khăn của sông Sài Gòn tạo ra một vị trí hiểm yếu để kiểm soát phương tiện tàu bè từ hai hướng, làm nên mặt tiền phồn thịnh bậc nhất nước Việt suốt hai thế kỷ qua.
Mặc cho thời cuộc biến động, sông Sài Gòn hiện diện thật êm ả trong bức tranh thành phố: "Em có nghe dòng sông hát cung bậc trầm, lòng anh say đắm. Con nước mang phù sa, vẫn trôi thành dòng bồi đắp bến bờ" (Tình yêu con tàu dòng sông - Nguyễn Đức Trung).
Sự êm ả dường như vấp phải một thực tế khắc nghiệt trong thế kỷ này, khi câu chuyện biến đổi khí hậu hàm chứa những mối đe dọa hơn là những thi ca dịu dàng của thế kỷ trước: "Dưới hiên nhìn nước dâng tràn, phố bỗng là dòng sông uốn quanh" (Trịnh Công Sơn).
Dự báo TP.HCM và nhiều vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ phải chung sống với việc mực nước biển dâng cao trong tương lai.
Phai bạc dòng thời gian
Cũng như Sài Gòn, Thăng Long - Hà Nội có rất nhiều địa danh gắn với thủy lộ ngay từ khi lập thành.
Câu ca dao "Nhị Hà quanh bắc sang đông. Kim Ngưu, Tô Lịch là sông bên này" đã định vị bố cục thành thị cổ được ôm trọn giữa ba dòng nước, cũng là hào nước tự nhiên cho dải la thành được đắp từ nhiều niên kỷ.
Nhị Hà là cách đọc trại của Nhĩ Hà (sông hình vành tai) hay sông Cái như cách gọi dân gian, tức sông Hồng ngày nay, nhưng ban đầu, khu định cư của người Việt cổ vốn là một tòa thành bằng đất ở cửa sông Tô Lịch đổ ra sông Nhị Hà.
Cái tên Tô Lịch được cho là tên của một nhân thần đặt cho sông, để lại những dấu vết con đường từ Chợ Gạo vắt qua phần trên khu phố cổ rồi thành hào nước phía bắc Hoàng thành và chảy men theo bờ nam hồ Tây đến Bưởi, trước khi ngoặt xuống phía nam làm thành hào nước phía tây của la thành.
Dòng chảy còn lại của sông Kim Ngưu xưa là một chuỗi các ao hồ trũng phía nam nội thành, tạo cho kinh thành một hình thế nương theo địa hình, thay vì áp dụng một quy hoạch duy lý kiểu đại đô nhà Đường hay phương Tây.
Trên dải la thành được chúa Trịnh Doanh cho đắp lại năm 1749, 21 cửa ô được mở ra hoặc nhìn ra một bến nước trên dòng Nhị Hà, hoặc một cây cầu bắc qua hai con sông nhỏ Kim Ngưu, Tô Lịch, đến giờ những địa danh Ô Đông Hà (Quan Chưởng), Ô Cầu Dền, Ô Cầu Giấy, Ô Đồng Lầm... gợi ra những yếu tố xa xưa này.
Một thương nhân có bố người Hà Lan, mẹ Đại Việt, sinh ra ở Thăng Long là Samuel Baron, sau làm cho công ty Đông Ấn của Anh, đã xuất bản cuốn sách Ghi chép về vương quốc Đàng Ngoài vào năm 1685, trong đó có hình vẽ Kẻ Chợ - tên nôm của Thăng Long nhìn từ sông Hồng.
Cảnh sinh hoạt tấp nập của kinh thành được thể hiện chi tiết với thuyền rồng bến sông, các công trình dọc bờ sông, và hai thương điếm của Anh và Hà Lan ở hai bên cửa sông Tô Lịch.
Cái nhìn của người phương Tây (như Baron tự xác định) đã mau chóng nhận diện kinh đô nước Việt gắn chặt với sông nước, tương đồng góc nhìn của người Pháp trong tấm bản đồ vẽ Sài Gòn theo góc nhìn chim bay hơn hai thế kỷ sau.
Con sông mang tên sông Hồng theo cách gọi của người Pháp (Fleuve Rouge), cũng là mốc xuất phát cho góc nhìn của họ. Từ khu Nhượng địa ở bờ sông bên ngoài bức la thành, người Pháp đã kẻ những con đường đầu tiên thiết lập một đô thị kiểu phương Tây.
Trục phố Tràng Tiền theo hướng đông tây chính là con đường có vai trò khởi thủy như vậy. Nối cửa ô Tây Long cũ với hồ Hoàn Kiếm, nơi từng tọa lạc các cung phủ chúa Trịnh cũ, rồi đi tiếp tới trường thi cũ và cửa Nam thành Hà Nội, con đường dần dà thiết lập một vùng ảnh hưởng kinh tế, văn hóa và chính trị.
Vuông góc với Tràng Tiền là trục Hàng Bài - Đinh Tiên Hoàng theo hướng bắc nam, định hình hồ Hoàn Kiếm, tạo một sự kết nối giữa khu phố cổ người bản địa và khu phố mới của người Pháp. Từ bờ sông đi sâu vào nội địa, đã trở thành phương cách xâm nhập quen thuộc vào không gian lâu đời của kinh đô nhiều triều đại nước Việt.
Dải la thành hình vòng thúng bao quanh Thăng Long - Hà Nội khi các triều đại suy vong, bị bạt dần khi phố xá được mở mang, và chuyển hóa những con đê thành lối xe, mòn dấu "bước chân năm tháng đi về" như lời bài hát Nhớ về Hà Nội của Hoàng Hiệp.
Những con đê thành con đường bên cạnh những con sông, gợi một tình tự lãng mạn nơi tâm thức hoài cổ ngự trị mảnh đất Hà thành. Những con đường gọi những chân trời phiêu bạt của nhiều thế hệ kẻ sĩ, đường lên Bưởi, đường vào Hà Đông, đường xuống bến Phà Đen... Một Hà Nội phố như Phan Vũ đã gọi:
Em ơi! Hà Nội - phố
Ta còn em con đê lộng gió
Dòng sông chảy mang hình phố...
Dải đê này giờ được quy hoạch là đường vành đai 1, để rồi trong quá trình mở rộng, Hà Nội được chủ ý tạo ra những đường vành đai đồng tâm, trong khi đó những con sông cổ hẹp dòng lại dần: Nhuệ, Lừ, Sét, Đáy...
Sông hẹp, sông cạn, dẫn đến long mạch của những làng cổ phên giậu kinh kỳ cũng đổi thay. Những Mỗ, La, Canh, Cót "tứ danh hương", đất khoa bảng lắm người đỗ đạt giờ thành phường, thành tổ dân phố với chật chội ngõ ngách và nhà trọ. Những con đường men các dòng sông chứng kiến sự phai nhạt các tích xưa nghề cũ ven sông cổ.
Nếu ai đi lên chợ Bưởi theo con đường Thụy Khuê, vốn men theo dòng cũ sông Tô Lịch, theo dấu đường tàu điện cũ có từ đầu thế kỷ trước, sẽ thấy một ngôi miếu án ngữ khúc quanh trước khi đến chợ, gần như nằm hẳn ra đường.
Trên bản đồ thời Pháp, đoạn đường tàu điện đến đây cũng phải uốn một khúc cong trước khi đi tiếp tới cửa chợ là bến cuối. Đoạn uốn cong ký hiệu một hình tròn, ứng với vị trí ngày nay là ngôi đền được xây tường bao quanh, cổng đề Long Tỉnh Điện, bên trong là một phương đình tám mái.
Đây chính là ký hiệu hình tròn trên bản đồ. Lần giở những tư liệu cũ, ngôi phương đình này xuất hiện rất nhiều trong các bức ảnh cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, khi ấy nằm bên sông Tô Lịch, nơi người dân vùng Bưởi làm công việc đãi bột dó làm giấy.
Ngôi điện này gắn với tục thờ một nhân vật gắn với phát kiến quan trọng của văn minh nhân loại - Thái Luân đời Hán, người đã sáng chế ra cách làm giấy vào năm 105.
Trục thủy lộ Tô Lịch ngoài truyền thuyết hậu duệ Thái Luân đến truyền nghề, còn là vùng tập trung các làng nghề theo chức năng khác nhau, trải từ Kẻ Cót lên Kẻ Bưởi, tập trung quanh các làng Trung Nha, Đông Xã, Hồ Khẩu, Yên Thái... để rồi "nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ" thành một biểu tượng cảnh sắc và sinh hoạt đất Thăng Long.
Khi mở phố và làm đường tàu điện, người Pháp đã tránh việc di dời cụm di tích này, như một điểm mốc quan trọng trong khung cảnh khu vực lẫn tinh thần cộng đồng.
Cái tên Long Tỉnh nghĩa là mắt rồng, chính là tên của giếng cổ bên cạnh tòa miếu, đã bị lấp đi năm 1985, trước khi tuyến tàu điện cuối cùng bị dỡ bỏ vài năm và vết cũ sông Tô Lịch đã cống hóa để nằm bên dưới con đường mới Đồng Cổ từ năm 2018.
Nghề dệt lĩnh hay làm giấy sắc cho các triều vua cũng gần như thất truyền. Bấy nhiêu vết tích cũ đã biến cải, bao nhiêu tập tục thực hành văn hóa đã phai nhạt, chỉ còn lại những đường phố nương theo vết sông xưa.
Biết bao cuộc thảo luận đã dấy lên để biến những con sông trở thành dung nhan yêu kiều của các thành phố nhưng dòng chảy dường như gặp rất nhiều ghềnh thác vô hình. Khát vọng dành cho những con sông nhắc nhớ người Việt về một thời chưa xa, những phố xá đã nương theo bờ bãi phù sa mà thịnh vượng.
Những địa danh cả hành chính lẫn dân gian có từ tố "Bến" đã làm nên biểu tượng của Sài Gòn: Bến Nghé, Bến Thành, Bến Bình Đông, Bến Nhà Rồng...
Đại Nam quấc âm tự vị (1895) của Huình Tịnh Paulus Của thậm chí đưa cả hai địa danh đầu tiên vào mục từ: "Bến Thành.
Bến lên thành cũ Gia Định, bây giờ thuộc về Sài Gòn", "Bến Nghé. Bến ở tại vàm sông kinh vào Chợ Lớn, cũng hiểu chung là đất Bến Thành; có kẻ nói là bến tắm trâu, có kẻ nói là vùng sấu ở, không lấy đâu làm chắc".
Không phải nhìn đâu xa, non một trăm năm trước, trận lụt năm 1926 ở Hà Nội đã khiến chính quyền thuộc địa quyết định đắp một con đê cao vượt tầm mắt cư dân, để rồi sông Hồng cứ bị đẩy xa dần nhịp sống nội thành.
Thành phố từng trên bến dưới thuyền, được thương nhân và nhà truyền giáo phương Tây thế kỷ 17 ví với thương cảng Venice, mang cái tên có yếu tố sông nước từ thời Minh Mạng, hiện cũng chật vật tìm lại mặt tiền hướng ra sông của mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận