Ngày xuân, lần theo những tài liệu lưu trữ và ký ức xa xôi, câu chuyện về người dựng chiếc cầu phao có lẽ là duy nhất trong lịch sử nối từ bờ hồ Gươm ra Tháp Rùa dần dần hé lộ. Nhưng thực tế phức tạp, kỳ thú hơn trên bề mặt tài liệu lưu trữ.
Cây cầu "vắn số" rũ bụi lưu trữ trở về
Gần đây, câu chuyện hồ Hoàn Kiếm từng có một cây cầu phao thời kỳ Pháp tạm chiếm Hà Nội xuất hiện trên mạng xã hội với vài thông tin sơ lược, kèm hình ảnh người Hà Nội thời kỳ ấy; trong đó, bức ảnh vợ chồng nhạc sĩ Phạm Duy - ca sĩ Thái Hằng đứng trên cây cầu mà phía sau lưng họ là Tháp Rùa cổ kính được biết tới từ lâu.
Những câu hỏi bắt đầu được đặt ra: Ai đã bắc cây cầu này? Trong hoàn cảnh nào? Chính xác năm nào? Tại sao nó chỉ tồn tại rất ngắn ngủi?...
Một phần câu trả lời hé lộ vào cuối năm 2023, trong triển lãm "Hồ Gươm, giao lộ Đông - Tây" do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I phối hợp với quận Hoàn Kiếm tổ chức tại Trung tâm Thông tin văn hóa hồ Gươm (số 2 Lê Thái Tổ).
Theo đó, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I cho biết tháng 2-1954, Hà Nội tổ chức chợ phiên y tế xung quanh hồ Hoàn Kiếm với mục đích quyên góp tiền xây bệnh viện.
Nhân dịp này, cầu Rồng nối từ bờ hồ ra Tháp Rùa được thi công.
Tại triển lãm, hình ảnh một lá đơn gửi ban tổ chức chợ phiên y tế ngày 28-1-1954, do ông Hoàng Đình Đắc và Phan Kỳ Chủ ký tên, được trưng bày. Đây là lá đơn xin ban tổ chức "trợ cấp" cho các ông bắc cầu phao ra Tháp Rùa vì tiền bán vé sẽ không đủ thu hồi vốn.
Đơn viết: "Đem lòng sốt sắng và nhiệt liệt hưởng ứng vào công cuộc khánh tiết của chợ phiên y tế, chúng tôi đã được ủy ban cho phép xây dựng một cái cầu ra Tháp Rùa. Trong công việc, theo ý chí chúng tôi thì chiếc cầu này phải làm một công trình tuyệt tác và là một kỷ nguyên mới của chợ phiên từ xưa đến nay.
Làm được như vậy phải tốn phí tới số tiền là mười vạn đồng. Xét ra hoàn thành chiếc cầu này để thu một số tiền vãng lai của khách du ngoạn sẽ không thu hồi đủ số vốn.
Chúng tôi đề nghị với quý ban hết sức giúp đỡ mọi phương tiện và trợ cấp cho chúng tôi một số tiền là ba vạn đồng để chúng tôi xây dựng và tu sửa cho thành một chiếc cầu như một con rồng vàng vờn hòn ngọc trên hồ Hoàn Kiếm. Vậy chiếc cầu này xây dựng được kết quả là nhờ được sự giúp đỡ hết lòng của quý ban".
Văn bản cho thấy những người đứng ra xin trợ cấp để dựng cây cầu là ông Hoàng Đình Đắc và Phan Kỳ Chủ.
Số tiền cần thiết để dựng cây cầu ước tính 100.000 đồng, những người thực hiện muốn xin trợ cấp 30.000 đồng.
Cây cầu được dựng vào dịp chợ phiên y tế tháng 2-1954 ở bờ hồ Hoàn Kiếm. Lần tìm thêm từ những tài liệu lưu trữ khác tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, chuyện cây cầu phao dần hiển hiện rõ ràng hơn.
Về những người làm cầu, xuất hiện thêm một cái tên nữa là Hoàng Đình Trung.
Nhìn vào các tài liệu còn lưu trữ được thì có ba người trong nhóm làm cầu Rồng là Hoàng Đình Đắc, Hoàng Đình Trung, Phan Kỳ Chủ, trong đó ông Hoàng Đình Đắc đứng tên chính.
Ông Đắc là giám đốc Hãng Dacco (ở địa chỉ 328 Duy Tân, Hà Nội), hoạt động trong lĩnh vực chế tạo và sản xuất sơn, dầu, bột màu, bút chì, mực in và nhận thầu sửa chữa, xây dựng nhà cửa.
Các đơn từ còn lưu trữ cũng cho thấy việc thi công cầu Rồng gặp nhiều khó khăn do giáp Tết, giá nhân công tăng cao. Ngoài số công nhân là 30 người thì ba gia đình ông Hoàng Đình Đắc, Hoàng Đình Trung, Phan Kỳ Chủ tổng cộng 15 người đã phải ăn ở tại công trình từ 6h sáng đến 12h đêm suốt những ngày làm cầu.
Mãi đến mùng 2 Tết Giáp Ngọ mới thu dọn khi tạm khánh thành. Để hoàn thành cầu, ông Đắc đã phải vay của thành phố tổng cộng là 33.000 đồng, đưa dần trong bốn kỳ.
Ngày khai mạc chợ phiên, vì có thêm cầu Rồng "là một cái lạ nhất của chợ phiên từ xưa tới nay nên được cụ Thủ hiến và các quan khách khánh thành, số người vào chợ phiên thêm phần đông đảo". Nhưng được tuần đầu đông khách.
Những ngày sau ban tổ chức chợ phiên không tổ chức các trò vui công cộng, hơn nữa 15 gian hàng của chợ phiên từ quãng nhà đại tướng Cogay cho đến cầu Rồng đóng cửa, nửa chợ phiên chết, làm ảnh hưởng tới lượng khách tham quan và qua cầu.
Trong những ngày chợ phiên mở cửa, những người làm cầu vẫn tổ chức những cuộc vui như quay phim quang cảnh chợ phiên để chiếu lên màn hình, trò xiếc, đấu võ... Nhưng sự cố gắng của họ "không làm sống nổi cảnh chợ phiên đã chết" nên lại càng bị lỗ vốn to thêm.
Sau khi chợ phiên kết thúc, những người làm cầu chỉ trả cho thành phố 13.000 đồng mà muốn "xin ban tổ chức nhân nhượng cho nhưng ban tổ chức nhất định không nghe, hạ lệnh cho cảnh binh giữ cầu", qua luật sư Mayet ra tối hậu thư buộc ông Đắc phải trả hết nợ trước ngày 31-3-1954.
Ngày 31-3-1954, ông Đắc đã phải gửi đơn đến luật sư Mayet nhờ làm trung gian điều đình để thành phố miễn cho số nợ còn thiếu và "cho dỡ ngay chiếc cầu vì để lâu mất mát vật liệu. Hiện đã mất cổng tam quan bằng gỗ, vải, thùng phuy và sáu nhịp cầu tan nát trôi khắp mặt hồ Hoàn Kiếm".
Và trong ký ức người Hà Nội
Chuyện về cây cầu phao đặc biệt bắc ra Tháp Rùa năm ấy không chỉ được cất giữ trong kho lưu trữ, mà đến nay vẫn còn hiển hiện sống động trong ký ức của không ít người Hà Nội.
Ở tuổi 83 nhưng ông Phạm Đình An (phố Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội) vẫn còn nhớ rõ cái Tết Giáp Ngọ 1954 ông được bố cho đi chợ phiên bờ hồ cùng với hai anh trai.
Năm ấy, ông An 14 tuổi. Như những viên chức trung lưu thời đó, bố ông An mặc comple, đội mũ phớt chỉnh tề dẫn các con du xuân.
Chợ phiên bán đủ thứ mặt hàng, có cả gánh xiếc biểu diễn nên người lớn, trẻ con đều thích. Phía nhà Thủy Tạ ra quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, hãng dầu cù là Mac Phsu (thương hiệu dầu cao nổi tiếng do một gia đình gốc hoàng gia Myanmar sinh sống tại miền Nam Việt Nam sản xuất từ khoảng những năm 1930) tổ chức bán hàng và quảng bá thương hiệu bằng một con voi.
Ông An được bố mua khúc mía cho voi ăn. Chưa kịp mời, chú voi đã vươn vòi cướp khiến chú bé An suýt trượt chân ngã. Ông An còn nhớ bố mình đã mua một lọ dầu cù là Mac Phsu to cỡ ngón chân cái với giá 5 đồng Đông Dương.
Nhưng kỷ niệm sâu đậm nhất của ông An về chợ phiên năm ấy là được bước trên cầu phao ra Tháp Rùa. Giá mỗi vé 5 đồng Đông Dương mà ông An nhớ có lẽ mua được hai bát phở.
Cầu có hai đầu rồng chầu vào Tháp Rùa, đuôi quay về bờ đại lộ Beauchamps. Ra Tháp Rùa, chú bé An rất thích thú với con rùa máy biết gật gù cái đầu được đặt ở bãi cỏ.
Trong căn nhà ở khu tập thể Kim Liên, bà Trần Kim Chi cầm bức ảnh giữ gìn gần 70 năm qua xúc động với kỷ niệm ấu thơ.
Đó là bức ảnh chụp bà khi đó 5 tuổi, nắm chặt tay ông nội đứng trên bãi cỏ Tháp Rùa, phía sau là cầu Rồng với hai đầu rồng chầu vào tháp. Vì còn quá nhỏ nên bà Chi không nhớ gì nhiều về phiên chợ.
Bà chỉ nhớ hai ông cháu đã đèo nhau trên chiếc xe Solex hệ xăng của ông từ nhà ở phố Mai Hắc Đế đến chợ phiên bờ hồ, mua vé lên cầu phao chơi.
Bà Chi là cháu đầu của cả họ, bố đi kháng chiến, mẹ hoạt động bí mật trong thành, ở với ông bà nội nên được ông - một công chức của Sở Dây thép - rất yêu chiều, đi đâu cũng dắt theo.
Ai là người bắc cầu trong lịch sử hồ Gươm?
Ông Hoàng Quốc Dũng (hiện sống tại Paris, Pháp) không có ký ức về cầu Rồng vì lúc đó ông chưa ra đời, nhưng lại được nghe kể nhiều về việc dựng cầu vì ông là con trai của người làm cầu - ông Hoàng Đình Trung.
Ông Dũng cho biết ông Hoàng Đình Đắc là anh trai của bố ông. Tuy ông Đắc đứng tên chính trong các đơn từ gửi thành phố để làm cầu, và có tên ông Phan Kỳ Chủ, nhưng thực tế ông Hoàng Đình Trung - chủ Hãng bút chì Địa Cầu - mới là người tự thiết kế và bắc chiếc cầu này.
Nhà ngay ngã tư Hàng Bài - Hai Bà Trưng, chỉ mất mấy phút đi bộ ra bờ hồ, thuở nhỏ ông Dũng đã nghe bố kể là ông đã bắc một cây cầu ở hồ Gươm.
Năm 1998, bố mẹ ông Dũng sang Paris và tặng con trai bức ảnh chụp bố ông với người bạn thân là ông Phan Kỳ Chủ đang đứng trước quầy bán vé vào cầu Rồng, xung quanh là những băng rôn quảng cáo cho cây cầu, đặc biệt là quảng cáo dịch vụ chụp ảnh trên cầu Rồng Tháp Rùa là "một kỷ niệm độc nhất chưa ai có!".
Sau này, các anh em trong gia đình và mẹ có cho ông Dũng thêm một vài bức ảnh khác về cây cầu độc nhất trong lịch sử hồ Gươm này.
Ông Dũng còn được bố kể khi cầu vừa khánh thành, có rất nhiều người chen chúc mong được lên cầu qua Tháp Rùa khiến cầu suýt gãy, bố ông phải cho dừng dòng người lại để gia cố thêm cho cầu. "Việc bố tôi là người làm cầu Rồng thì cả họ đều biết", ông Dũng nói.
Tôi tìm gặp bà Nguyễn Thị Hoán - vợ ông Hoàng Đình Trung - vào một ngày cuối năm. Bà lão 94 tuổi còn rất minh mẫn, đôi khi ngắt quãng vì những khoảnh khắc xúc động khi người kể chuyện đã đi gần hết quãng đời mình lại được dịp sống với ký ức xa xưa về gia đình yêu thương.
Người trong cuộc cuối cùng kể chuyện
Bà Hoán kể ông Hoàng Đình Trung đã lập Hãng bút chì Địa Cầu từ những năm đầu thập niên 1940. Đồng thời với việc kinh doanh, ông tham gia hoạt động trong tổ chức Thanh niên cứu quốc. Đầu năm 1945, ông bị Nhật bắt, giam cùng xà lim với ông Vũ Văn Cẩn (sau này là bộ trưởng Bộ Y tế, đại biểu Quốc hội khóa III đến khóa VII).
Cách mạng Tháng Tám thành công, ông Trung mới được trả tự do, sau được công nhận là cán bộ bị địch bắt tù đày. Toàn quốc kháng chiến cuối năm 1946, ông đi theo kháng chiến, về làng Kẹo, chợ Đại (Phủ Lý, Hà Nam).
Tại đây, năm 1948 ông kết hôn với bà Hoán - cô gái Hà Nội nết na, tháo vát ở gần nhà (nhà bà Hoán ở phố Huế, còn nhà ông ở cuối phố Bà Triệu ngày nay).
Năm 1949, bà Hoán sinh con đầu lòng đặt tên Hoàng Quốc Anh. Người con cả của ông bà sau này hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ.
Ở vùng kháng chiến, ông Trung vẫn tiếp tục sản xuất bút chì, mực in, văn phòng phẩm, nhưng lúc đó Hãng Địa Cầu đã hợp vào Hãng văn phòng phẩm Nam Hưng gồm nhiều hãng nhỏ, sản xuất phục vụ kháng chiến.
Đến năm 1951, ông Trung bị sốt rét, công an kháng chiến cấp giấy cho ông về lại Hà Nội để điều trị và tiếp tục hoạt động bí mật.
Dịp sắp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 1954, thành phố tổ chức hội chợ y tế. Ông Trung lúc đó làm ăn khó khăn bởi bút chì hợp tác sản xuất cùng ông chủ xưởng xẻ gỗ Lê Văn Huyên không cạnh tranh nổi với hàng ngoại nhập khẩu.
"Đói thì đầu gối phải bò", bà Hoán giải thích nguồn cơn của ý tưởng xin thầu dựng cầu phao ra Tháp Rùa của chồng mình. Bà nói đó đơn giản là một phi vụ làm ăn, nhưng cuối cùng lại lỗ. Vụ ấy ông Hoàng Đình Trung đứng ra làm, có anh trai Hoàng Đình Đắc và bạn làm ăn thân thiết là Phan Kỳ Chủ cùng phụ giúp.
Bà Hoán còn nhớ do không ai có tiền đầu tư nên đã vay Tòa thị chính tiền để làm cầu. Gỗ bắc cầu ông Trung cũng thuê chịu của cửa hàng gỗ ở ô Cầu Dền (đầu phố Bạch Mai).
Sau 1954, ông chủ cửa hàng gỗ này vào Nam, biết ông Trung bắc cầu thua lỗ nên số nợ thuê gỗ cũng được xí xóa. Ngoài ra, Tòa thị chính TP Hà Nội cũng xóa số nợ làm cầu mà ông Trung còn thiếu.
Không phải Tòa thị chính "rộng rãi", mà những người vay nợ có lý do xin miễn nợ. Việc lần đầu có cây cầu bắc ra Tháp Rùa đã thu hút rất đông người Hà Nội quan tâm, nhưng khách mua vé qua cầu chỉ đông đúc mấy ngày đầu.
Sau đó, tiếng loa quảng cáo bán vé lên cầu quá ồn ào đã khiến Sở Cảnh sát trung ương (dân gian quen gọi bốt Hàng Trống, nay là trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm) và nhà đại tướng Cogay gần đó bị ảnh hưởng khiến ông tướng nổi giận lệnh không cho phát loa quảng cáo nữa.
Cầu chỉ tồn tại trong một tháng chợ phiên khiến thời gian thu hồi vốn quá ngắn. Bà Hoán nhớ giá vé lên cầu lúc ấy mua được vài ly kem.
Sau 1954, ông Đắc di cư vào Nam, còn ông Trung và gia đình vẫn ở lại Hà Nội, đưa Hãng bút chì Địa Cầu của mình vào công tư hợp doanh, hợp vào Nhà máy Văn phòng phẩm Hồng Hà (thành lập năm 1959).
Hai vợ chồng ông Trung vào làm việc tại nhà máy sơn, rồi ông chuyển sang Nhà máy nhựa Tiền Phong, là một trong những người chế chất hóa dẻo để làm dép nhựa Tiền Phong huyền thoại.
Ông Trung cũng tham gia chế keo phenol-formaldehyde khi ông làm việc ở nhà máy gỗ để làm những tấm cót ép mà trước đó Việt Nam phải nhập của Nhật rất đắt.
Bà Hoán sau một thời gian làm việc văn phòng ở nhà máy sơn đã xin thôi việc, ra trước cửa nhà trên phố Hàng Bài bán hàng nước, nuôi bảy người con ăn học. Nhớ về cây cầu Rồng, bà Hoán không khỏi tự hào về người chồng tài hoa của mình nay đã khuất núi.
Nhờ cây cầu độc nhất vô nhị, Tết Giáp Ngọ 1954 ấy, người Hà Nội được đi bộ thong dong ra Tháp Rùa, lại có cây cầu Thê Húc mới khánh thành (vì cây cầu cũ bị gãy vào đúng đêm 30 Tết Nguyên đán năm 1953) để đi lễ đền Ngọc Sơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận