07/01/2021 06:11 GMT+7

Chuyên gia Nga lo phải làm vắc xin mới chống virus corona biến thể

TƯỜNG NGUYỄN
TƯỜNG NGUYỄN

TTO - Trong một kịch bản xấu mà chuyên gia Nga hình dung, virus sẽ tự biến đổi và lây lan theo cách giống như bệnh cúm và có thể cần phải phát triển một loại vắc xin mới và tiến hành tiêm chủng lại.

Chuyên gia Nga lo phải làm vắc xin mới chống virus corona biến thể - Ảnh 1.

Nhân viên y tế ở Belgrade, Serbia xem xét vắc xin Sputnik V - Ảnh: REUTERS

Hãng tin RIA Novosti của Nga trích dẫn ý kiến của một số nhà khoa học nước này cho rằng trong năm 2021, đại dịch COVID-19 ở Nga có thể phát triển theo hai kịch bản.

Nếu virus SARS-CoV-2 ở Nga không đột biến, dịch bệnh sẽ giảm bớt sau khi phần lớn dân số có được khả năng miễn dịch. Trong trường hợp virus SARS-CoV-2 đột biến, sẽ cần một loại vắc xin mới để ngừa COVID-19. 

Phó giáo sư Sergei Voznesensky (Trường đại học Hữu nghị các dân tộc) giải thích rằng kịch bản đầu tiên chỉ có thể xảy ra nếu không có đột biến đáng kể nào của virus SARS-CoV-2. Với kịch bản lạc quan này, COVID-19 có thể bị đánh bại sau khi tiến hành tiêm chủng hàng loạt trên cả nước, đồng thời một bộ phận dân số đã có kháng thể sau khi bị lây nhiễm virus SARS-CoV-2 và tự khỏi. 

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu này cũng cho rằng về lý thuyết, kịch bản xấu hơn có thể xảy ra khi có các đột biến đáng kể của virus SARS-CoV-2. Theo ông, trong kịch bản này virus sẽ tự biến đổi và lây lan theo cách giống như bệnh cúm và có thể cần phải phát triển một loại vắc xin mới và tiến hành tiêm chủng lại. 

Chuyên gia Voznesensky cho rằng cả hai kịch bản đều có khả năng xảy ra và không tin chắc kịch bản nào sẽ chiếm ưu thế.

Về phần mình, giáo sư, tiến sĩ Elena Malinnikova cảnh báo khả năng sẽ có biến thể mới của virus SARS-CoV-2 ở Nga trong năm 2021. Bà cho rằng dù ở bất kỳ kịch bản nào cũng cần giảm tỉ lệ mắc COVID-19 và người dân Nga cần hết sức cẩn thận vào mùa xuân tới. 

Các chuyên gia Nga đều nhận định phải mở rộng sản xuất vắc xin hơn nữa để có thể tiêm chủng hàng loạt nhằm giúp ngăn chặn COVID-19.

Hôm 4-1, Đài truyền hình ITV của Anh dẫn lời cố vấn khoa học của Chính phủ Anh cho biết các nhà khoa học nước này không tin tưởng hoàn toàn rằng vắc xin phòng COVID-19 có thể ngăn ngừa biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Nam Phi. 

Theo các nhà khoa học Anh, lý do khiến Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock "đặc biệt quan ngại" là do vắc xin phòng COVID-19 có thể không ngăn ngừa hiệu quả biến thể tại Nam Phi như đối với biến thể tại Anh.

Ông John Bell - giáo sư y khoa ở Đại học Oxford, thuộc lực lượng đặc nhiệm vắc xin của Chính phủ Anh, cho rằng nếu vắc xin phòng COVID-19 hiện nay không hoạt động hiệu quả đối với biến thể tại Nam Phi, có thể mất một tháng đến 6 tuần để các nhà khoa học tìm ra loại vắc xin mới.

Vào ngày 5-1, giám đốc Trung tâm Gamaleya Alexander Gintsburg cho biết hơn 1 triệu người tại Nga đã được tiêm vắc xin Sputnik V ngừa COVID-19, tức đạt mức 6 người được tiêm/1.000 dân. 

Nhưng phó giám đốc Viện Nghiên cứu dịch tễ trung ương Alexander Gorelov cho rằng đa số người dân tại Nga chưa có khả năng miễn dịch với virus SARS-CoV-2, bởi vậy tình hình dịch bệnh có thể vẫn còn biến động.

Trong khi đó, Ban chỉ đạo chống COVID-19 của Nga cho biết đã ghi nhận xu hướng giảm hệ số lây nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nước này. 

Hệ số lây nhiễm cơ bản (R0) là chỉ số dự đoán số người trung bình bị lây nhiễm virus từ một người mắc bệnh. Theo đó, hệ số R0 đã giảm từ mức 0,91 xuống mức 0,89, tương đương chỉ số đầu năm 2020. 

Đáng chú ý, thủ đô Matxcơva ghi nhận chỉ số R0 ở ngưỡng 0,76 trong hai ngày liên tiếp, là mức thấp nhất trên cả nước. 

Hệ số lây nhiễm được sử dụng để theo dõi tình trạng lây nhiễm COVID-19 và là cơ sở để Nga xác định mức độ sẵn sàng của các địa phương trong việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế theo từng giai đoạn.

Theo khuyến nghị hiện nay, việc mở cửa giao thông hàng không với một nước có thể được xem xét nếu hệ số lây nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nước đó không vượt quá giá trị 1 trong vòng một tuần.

Giáo sư Oxford: Biến thể virus corona ở Nam Phi đáng lo hơn biến thể ở Anh Giáo sư Oxford: Biến thể virus corona ở Nam Phi đáng lo hơn biến thể ở Anh

TTO - Giáo sư John Bell của ĐH Oxford (Anh) cảnh báo biến thể mới của virus corona ở Nam Phi 'đáng lo' hơn biến thể ở Anh, và các loại vắc xin COVID-19 hiện nay có thể không hiệu quả hoàn toàn với biến thể này.

TƯỜNG NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên