06/01/2021 09:54 GMT+7

Châu Âu lại phong tỏa vì virus corona biến thể

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Thủ tướng Boris Johnson hôm 4-1 (giờ địa phương) tuyên bố áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc lần thứ 3 trong bối cảnh nước Anh chật vật ứng phó với biến thể virus corona đang lây lan mạnh.

Châu Âu lại phong tỏa vì virus corona biến thể - Ảnh 1.

Một gia đình người Anh theo dõi thông báo lệnh phong tỏa toàn quốc mới từ Thủ tướng Boris Johnson - Ảnh: AFP

"Thật mệt mỏi và đáng lo khi chứng kiến tốc độ lây lan của biến thể virus mới. Các nhà khoa học của chúng ta đã khẳng định biến thể virus mới có khả năng lây lan cao hơn từ 50 - 70%" - Đài NPR dẫn lời ông Johnson.

Biến thể tràn lan, bệnh viện quá tải

Các biện pháp hạn chế tương ứng với lệnh phong tỏa bao gồm: các trường học phổ thông và đại học ở Anh chuyển sang học trực tuyến, toàn dân ở nhà, chỉ ra ngoài khi có việc thực sự thiết yếu như mua lương thực, thuốc men và các việc cần kíp khác.

Giới chức Anh cảnh báo những lệnh hạn chế toàn quốc này sẽ duy trì ít nhất tới giữa tháng 2 năm nay. Lần đầu tiên nước này phải áp đặt phong tỏa toàn quốc là tháng 4-2020.

Sau 9 tháng trầy trật ứng phó với đại dịch và đối mặt với những chỉ trích gay gắt của dư luận về cách giải quyết cùng với việc đưa vào tiêm hai loại vắcxin khả dụng của Pfizer/BioNTech và AstraZeneca, chính quyền của ông Boris Johnson đã kỳ vọng sớm có lối ra cho khủng hoảng, nhưng quyết định tái phong tỏa cho thấy viễn cảnh tốt đẹp đã không thể đến nhanh như kỳ vọng.

Trong những tuần gần đây, chủng virus biến thể mới đã tràn lan ở thủ đô London và khu vực phía đông nam nước Anh. Số ca mắc mới tăng vọt, lên tới gần 60.000 ca mỗi ngày, nhiều bệnh viện rơi vào quá tải. Đã có những nơi phải tạm dừng phẫu thuật cho người bệnh ung thư để có thể giải quyết số ca bệnh COVID-19 tăng sốc. Toàn bộ hệ thống y tế Anh đang trong tình thế có nguy cơ quá tải trong ba tuần tới, theo Hãng tin Bloomberg.

Anh không phải là nước đầu tiên thuộc Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland phát thông báo phong tỏa để phòng dịch thời điểm này, mà chính là Scotland. Phát biểu từ Edinburgh, Thủ hiến Scotland Sturgeon cho biết chính quyền đã yêu cầu mọi người dân ở nhà và làm việc từ xa những nơi có thể, các điểm tôn giáo cũng đóng cửa và trường học chuyển phần lớn sang học từ xa.

Ngoài Scotland, các nơi còn lại thuộc Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland là Xứ Wales và Bắc Ireland đều đang triển khai các quy định hạn chế nghiêm ngặt để phòng dịch.

Châu Âu mở rộng phong tỏa

Nhiều quốc gia châu Âu khác cũng đã công bố quyết định mở rộng phong tỏa và áp dụng các quy định hạn chế nghiêm ngặt hơn để phòng đại dịch COVID-19, đặc biệt là biến thể mới của virus corona.

Tại Đức, tỉ lệ lây lan COVID-19 vẫn không giảm, duy trì ở mức cao, cứ 100.000 dân lại có 140 người mắc bệnh. Trong khi đó, những trục trặc ban đầu trong chương trình tiêm chủng vắcxin đã dẫn đến tình trạng đổ lỗi cho nhau giữa các quan chức ở Berlin và các thủ phủ bang khác, thậm chí trở thành vấn đề bị chính trị hóa khi quốc gia này bước vào một năm với nhiều cuộc bầu cử cấp bang và liên bang.

Ở bên kia biên giới với Đức, Áo công bố sẽ mở rộng lệnh phong tỏa với tất cả, ngoại trừ các cửa hàng và dịch vụ thiết yếu. Cùng với đó là lệnh bắt buộc toàn dân ở nhà tới ít nhất là ngày 24-1.

Lễ khai mạc mùa trượt tuyết năm nay ở Ý cũng đã bị lùi lại từ ngày 7-1 trong dự kiến tới ngày 18-1 là thời hạn sớm nhất, không loại trừ khả năng sẽ còn thay đổi. Đầu tuần này (4-1), thành Rome đã nới lỏng một số hạn chế trong vòng 24 giờ để cho phép một số hoạt động đi lại thiết yếu giữa các khu vực trước khi áp dụng lệnh phong tỏa thứ ba từ ngày 5-1.

Bên cạnh đó, theo báo Irishtimes, Chính phủ Thụy Điển cũng đang soạn dự luật mới dự kiến thông qua vài ngày tới đây có nội dung cho phép áp đặt (không còn là khuyến nghị) các quy định hạn chế đi lại và những hạn chế khác với người dân để chống dịch. Dự luật này nếu được thông qua sẽ là một tiền lệ mới đáng chú ý so với cách xử lý đại dịch trước đó của Thụy Điển. Việc quốc gia Bắc Âu này không thực hiện phong tỏa, không bắt buộc đeo khẩu trang phòng dịch đã bị chỉ trích là nguyên nhân khiến nước này có tỉ lệ lây nhiễm cũng như số người chết vì COVID-19 cao hơn hẳn so với các nước láng giềng khác.

7%

Theo Hãng tin Quartz, nền kinh tế châu Âu sẽ sụt giảm khoảng 7% trong năm nay do ảnh hưởng của đại dịch. Đây cũng là mức sụt giảm lớn nhất của lục địa này kể từ Thế chiến thứ 2.

Biến thể corona ở Nam Phi gây lo ngại

Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho biết ông "vô cùng lo ngại về biến thể virus corona tìm thấy ở Nam Phi", cùng với đó là nguy cơ lớn hơn cả biến thể virus corona ở Anh. Trả lời Đài BBC ngày 4-1, ông Hancock nói đó là nguyên nhân vì sao Chính phủ Anh quyết định dừng mọi chuyến bay từ Nam Phi.

"Đây là vấn đề rất, rất nghiêm trọng và thậm chí còn phức tạp hơn cả biến thể virus mới ở Anh", ông Hancock nói.

Tuy nhiên, báo Guardian dẫn nhiều ý kiến các nhà khoa học kêu gọi dư luận nên bình tâm, đừng quá lo lắng trước các thông tin cho rằng các vắcxin COVID-19 mới không thể bảo vệ họ khỏi biến thể virus corona tìm thấy ở Nam Phi.

Ca biến thể virus corona tăng lên 12 ở Hàn Quốc

corona south korea 2121 reuters 1111 2(read-only)

Một người đàn ông đọc sách trong khi xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 ở Seoul, Hàn Quốc ngày 2-1 - Ảnh: Reuters

Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) hôm qua (5-1) báo cáo thêm 28 ca tử vong và 715 ca nhiễm mới, nâng tổng số người chết vì đại dịch lên hơn 1.000 người và gần 65.000 ca bệnh. Trong đó có 2 ca liên quan đến biến thể mới phát hiện đầu tiên ở Anh, nâng tổng số ca biến thể của virus corona tại Hàn Quốc lên 12, theo Yonhap.

Các quan chức y tế Hàn Quốc cho biết những ca này đều đã cách ly ngay sau khi nhập cảnh vào ngày 13 và 20-12-2020, nhưng vẫn không loại trừ khả năng lây bệnh cho những người khác trên cùng chuyến bay. Hàn Quốc hiện tạm ngừng các chuyến bay từ Anh.

Trong khi đó ở nước láng giềng Nhật, Thủ tướng Yoshihide Suga cho biết sẽ công bố quyết định về kế hoạch tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại Tokyo và 3 tỉnh lân cận vào ngày 7-1 nếu khu vực này ghi nhận phân nửa trong trung bình 3.000 ca của Nhật. Tính riêng thủ đô Tokyo hôm qua (5-1) đã có hơn 1.200 ca mới. Hãng thông tấn Kyodo dẫn lời các quan chức cho biết dự kiến tình trạng khẩn cấp này kéo dài khoảng một tháng và có thể có hiệu lực kể từ ngày 7 hoặc 8-1.

Ở Đông Nam Á, Thái Lan ngày 5-1 ghi nhận 527 ca nhiễm mới, bao gồm 521 ca lây lan trong cộng đồng và phần lớn liên quan đến ổ dịch mới nhất ở tỉnh Samut Sakhon, nâng tổng số ca COVID-19 toàn quốc lên 8.966 ca. Trong số các ca mới có 439 ca là lao động nhập cư và 82 công dân Thái Lan.

Báo Bangkok Post đưa tin tỉnh Sing Buri và Nan đã ghi nhận những ca COVID-19 đầu tiên trong đợt bùng phát dịch hiện tại. Như vậy ổ dịch Samut Sakhon đã lây lan ra 55/77 tỉnh của Thái Lan. Trung tâm phân tích tình hình COVID Thái Lan cũng quyết định kéo dài tình trạng khẩn cấp, sẽ hết hiệu lực vào 15-1, đến hết tháng 2.

ANH THƯ

Thêm nhiều nơi phát hiện biến thể corona mới, Anh cho tiêm vắc xin COVID-19 thứ 2 Thêm nhiều nơi phát hiện biến thể corona mới, Anh cho tiêm vắc xin COVID-19 thứ 2

TTO - Sự lây lan nhanh chóng của biến thể virus corona mới đã buộc toàn cầu đẩy nhanh hơn nữa chiến dịch tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 cho người dân.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên