15/09/2019 16:42 GMT+7

Chuyên gia 'mổ xẻ' động cơ của EU trong việc hiện diện tại Biển Đông

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Khi căng thẳng leo thang ở Biển Đông, các cường quốc Liên minh châu Âu (EU) như Anh, Đức và Pháp đang nỗ lực để không trở thành quốc gia thương mại một cách thụ động qua vùng biển này.

Chuyên gia mổ xẻ động cơ của EU trong việc hiện diện tại Biển Đông - Ảnh 1.

Siêu tàu sân bay HMS Queen Elizabeth trị giá 3,1 tỉ bảng của Anh tại cảng Portsmouth. Năm ngoái, Anh lên kế hoạch triển khai tàu này ở châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2021 - Ảnh: REUTERS

Châu Âu đang muốn tăng cường sự hiện diện ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương thông qua các "hoạt động tự do hàng hải", cũng như lên tiếng thường xuyên về diễn biến căng thẳng ở Biển Đông.

Duy trì sự hiện diện

Đây là những tín hiệu cho thấy châu Âu và EU nói riêng rất nỗ lực để duy trì sự liên quan của mình với khu vực này, tờ South China Morning Post ngày 15-9 dẫn lời các nhà phân tích cho biết.

Ông Frans-Paul van der Putten, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Clingendael - một cơ quan nghiên cứu độc lập tại Hà Lan, nhận xét: "Cho tới vài năm trước, các quốc gia EU vẫn còn chọn cách kín tiếng về các vấn đề an ninh ở Đông Á, nhưng dưới tình hình hiện tại đã xuất hiện nhu cầu cấp bách để tham gia câu chuyện".

Tại khu vực này, EU ở thế lưỡng nan khi vừa là đồng minh của Mỹ, vừa phải cân bằng lợi ích kinh tế với Trung Quốc. Chính vì vậy khi Mỹ - Trung căng thẳng, lợi ích của bản thân EU cũng bị đụng chạm.

Theo ông van der Putten, việc điều tàu chiến tới Biển Đông có thể giúp chính phủ các nước châu Âu có thêm tiếng nói trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị Mỹ - Trung tác động ngày càng gần tới châu Âu.

"Châu Âu lâu nay đã quen với việc nằm giữa hai cường quốc Mỹ và Nga, càng lúc quan hệ Mỹ - Trung càng có tác động lớn hơn trong việc định hình vị trí địa chính trị của châu Âu, vốn dĩ đang chịu áp lực gia tăng trong việc phải lựa chọn giữa các bên", chuyên gia này nói thêm.

Chuyên gia mổ xẻ động cơ của EU trong việc hiện diện tại Biển Đông - Ảnh 2.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và Thủ tướng Đức Angela Merkel - Ảnh: REUTERS

Tháng trước, bộ ba Anh, Pháp và Đức đã bất ngờ ra một tuyên bố chung (độc lập với một tuyên bố chung tương tự của toàn EU), trong đó nêu quan ngại về tình hình Biển Đông, khẳng định diễn biến phức tạp ở vùng biển này có thể dẫn tới bất ổn về an ninh trong khu vực.

Thậm chí tuyên bố của ba cường quốc trên có đoạn nhân mạnh rằng các bên liên quan tới vùng nước tranh chấp ở Biển Đông cần "tiến hành và có biện pháp giảm căng thẳng, cũng như đóng góp vào việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, an toàn và ổn định trong khu vực".

Tuyên bố ấy xuất hiện giữa lúc Trung Quốc hai lần (chưa kể lần gần nhất trong tháng 9) điều tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 vi phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa phía nam Việt Nam.

Về mặt thực tế, có nhiều tín hiệu cho thấy các cường quốc châu Âu đã gia tăng sự hiện diện ở Biển Đông. Hồi tháng 2 năm nay, Anh và Mỹ đã diễn tập hàng hải chung ở Biển Đông, trong khi hồi năm ngoái Pháp điều tàu Dixmude và một tàu khu trục tiến gần các thực thể tranh chấp ở quần đảo Trường Sa.

Tìm kiếm sự chủ động

Về mặt quân sự và an ninh nói chung ở châu Á, quan điểm của châu Âu vẫn thống nhất với Mỹ cho đến nay. Nhưng giữa hai đồng minh này tồn tại khác biệt ở kinh tế cũng như chính trị.

Hôm 12-9, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) công bố kế hoạch cắt giảm lãi suất và kích thích kinh tế trong 3 năm, và điều này như được Tổng thống Mỹ Donald Trump "chào đón" bằng một tuyên bố "giận dữ" trên Twitter: "Họ đang cố, và thừa hưởng, đối với việc đồng euro giảm sát sâu so với một đồng đôla vô cùng mạnh mẽ, vốn đang làm tổn thương xuất khẩu của Mỹ".

Ngoài ra hồi tháng trước, ông Trump cũng chỉ trích kế hoạch của Chính phủ Pháp trong việc tăng thuế dịch vụ số đối với các công ty đa quốc gia đang kinh doanh trên đất Pháp.

Theo ông Trump, kế hoạch này chẳng qua nhắm vào các công ty công nghệ Mỹ mà thôi, vì vậy người đứng đầu Nhà Trắng tuyên bố có thể trả đũa bằng việc đánh thuế vào thịt heo từ Pháp. Căng thẳng có phần leo thang khi chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk khẳng định EU sẽ "đáp trả tương xứng" nếu Mỹ áp bất kỳ loại thuế nào như vậy.

Chuyên gia mổ xẻ động cơ của EU trong việc hiện diện tại Biển Đông - Ảnh 3.

Hoàng Chi Phong (trái) gặp Ngoại trưởng Đức Heiko Maas - Ảnh: REUTERS

Với Mỹ đã vậy, với Trung Quốc, các nước châu Âu dĩ nhiên lại có những khác biệt còn lớn hơn. Ngoài chuyện vẫn cáo buộc Bắc Kinh ép uổng công ty châu Âu, Brussels cũng thể hiện sự khác biệt trong quan điểm về tình hình Hong Kong. 

Quan hệ giữa Trung Quốc và Đức nay đang căng thẳng khi Berlin đón Hoàng Chi Phong, một nhân vật nổi bật trong phong trào biểu tình đòi dân chủ của Đảng Demosisto ở Hong Kong.

Trong tình thế như vậy, châu Âu phải tìm cách gây ảnh hưởng tại điểm nóng địa chính trị để đổi lấy sự chủ động trên bàn đàm phán với hai cường quốc nêu trên.

Sarah Raine, một nhà nghiên cứu cấp cao về địa chính trị và chiến lược tại Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) trụ sở ở London (Anh), nhận xét rằng không hề ngạc nhiên khi EU muốn thể hiện quan điểm về các tranh chấp ở Biển Đông và mở rộng tầm ảnh hưởng trong khu vực.

Bà Raine nói: "Đây là kết cục tất yếu cho thực tế rằng ở châu Á, EU đang ngao ngán với việc bị xem chẳng hơn gì so với một đối tác thương mại, và ngược lại không liên quan tới các vấn đề chiến lược lớn của lục địa này, thậm chí cả khi EU có lợi ích lớn trong đó.

Việc gắn kết gần gũi hơn với diễn biến ở Biển Đông, các quốc gia đầu tàu của EU đang hợp lực ủng hộ giải pháp đa phương cho các vấn đề đa phương thông qua những đối tác đa phương - ví như ASEAN - theo nguyên tắc và khuôn khổ luật pháp quốc tế".

Việt Nam hoan nghênh lập trường của EU về Biển Đông Việt Nam hoan nghênh lập trường của EU về Biển Đông

TTO - Ngày 5-8, tại Hà Nội, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh có cuộc hội đàm với bà Federica Mogherini - phó chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) về chính sách đối ngoại và an ninh.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên