06/08/2019 10:05 GMT+7

Hợp tác quốc phòng Việt Nam - EU phát triển tích cực

DIỆU AN
DIỆU AN

TTO - Bà Federica Mogherini khẳng định EU coi Việt Nam là đối tác hàng đầu tại khu vực và EU đang triển khai nhiều biện pháp để phát triển sâu rộng hơn các mối quan hệ với Việt Nam.

Hợp tác quốc phòng Việt Nam - EU phát triển tích cực - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - đại tướng Ngô Xuân Lịch tiếp Phó chủ tịch EC Federica Mogherini tại Hà Nội chiều 5-8 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Bà Federica Mogherini - phó chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) và đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh - bày tỏ niềm vui lần đầu tiên đến thăm chính thức Việt Nam (từ ngày 3 đến 5-8) trong bối cảnh quan hệ giữa Việt Nam và EU đang có nhiều bước phát triển mới rất tích cực.

Hi vọng sớm ký FPA

Trong cuộc gặp với bà Federica Mogherini tại Văn phòng Chính phủ ngày 5-8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh những bước phát triển tích cực về hợp tác quốc phòng Việt Nam - EU thời gian qua và hi vọng cùng với nhiều thỏa thuận song phương khác (về khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường...) hai bên sẽ sớm ký Hiệp định hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh (FPA) vì hòa bình, hợp tác và phát triển.

Trước đó, theo thông cáo chung, Việt Nam và EU hoan nghênh việc kết thúc đàm phán Hiệp định về thiết lập khuôn khổ tham gia của Việt Nam vào các hoạt động quản lý khủng hoảng của EU (Hiệp định FPA). Hiện nay, lộ trình đã rõ ràng theo hướng hoàn thiện các thủ tục nội bộ dẫn tới việc ký kết, phê chuẩn và thực hiện đầy đủ hiệp định trên.

Hiệp định FPA cho phép một quốc gia đối tác đóng góp cho các hoạt động và nhiệm vụ theo chính sách an ninh và quốc phòng chung của EU, một chiến lược phối hợp các chính sách quốc phòng và tình báo của EU.

Nếu được ký kết, Việt Nam là quốc gia thứ tư ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương ký FPA với EU sau Úc, New Zealand và Hàn Quốc.

Ủng hộ COC ràng buộc pháp lý

Tại hội đàm với Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh ở Hà Nội cùng ngày, bà Federica Mogherini khẳng định lập trường nhất quán của EU ủng hộ tự do hàng hải, hàng không, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982.

Bà Mogherini cũng nêu rõ việc quân sự hóa và căng thẳng vừa qua ở Biển Đông đã tác động tiêu cực đến hòa bình, ổn định tại khu vực, đồng thời bày tỏ mong muốn ASEAN và Trung Quốc sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC) có tính ràng buộc pháp lý.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đánh giá cao vai trò của EU trong các vấn đề an ninh và hòa bình quốc tế cũng như lập trường của EU đối với việc duy trì ổn định và đảm bảo tôn trọng luật pháp quốc tế tại khu vực và tại Biển Đông, nhất là trong bối cảnh đang có những hành động đơn phương làm gia tăng căng thẳng, xói mòn lòng tin và xâm phạm lợi ích, chủ quyền của các nước, làm cho dư luận khu vực và quốc tế rất lo ngại.

Hợp tác quốc phòng, an ninh

Cũng trong ngày 5-8, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - đại tướng Ngô Xuân Lịch và bà Federica Mogherini trao đổi về việc phát triển quan hệ đối tác hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh dựa trên luật pháp quốc tế và cam kết chung. 

Việc này sẽ được thực hiện thông qua tiếp tục thúc đẩy các cơ chế và khuôn khổ hợp tác, qua đó đóng góp cho hòa bình toàn cầu, ổn định và phát triển khu vực, hỗ trợ triển khai hiệu quả chiến lược hội nhập quốc tế của Việt Nam và chiến lược toàn cầu của EU.

Theo thông cáo chung, hai bên nhất trí cho rằng hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh cũng nhằm tăng cường nhận thức và hiểu biết lẫn nhau, ủng hộ cấu trúc an ninh khu vực do ASEAN dẫn dắt và các hình thức hợp tác an ninh đa phương khác tại châu Á, hỗ trợ xây dựng năng lực, các chương trình đào tạo và hợp tác về quản lý khủng hoảng hiện nay trong khu vực.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch cho biết Bộ Quốc phòng Việt Nam ủng hộ mong muốn của EU về việc tham gia các cấu trúc quốc phòng - an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 

Hai bên sẽ tăng cường tham gia bảo đảm tự do hàng hải, hàng không, đối phó với các thách thức truyền thống và phi truyền thống như tìm kiếm cứu nạn, chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền, tội phạm có tổ chức và buôn lậu, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982.

Việt Nam đề nghị EU gỡ "thẻ vàng"

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao hai bên đã ký Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) ngày 30-6 vừa qua, đồng thời đề nghị Nghị viện châu Âu sớm phê chuẩn hai hiệp định này để hiện thực hóa các cơ hội hợp tác phục vụ lợi ích và khẳng định cam kết của hai bên đối với tự do thương mại, đầu tư.

Về các lĩnh vực khác, Thủ tướng đề nghị EU tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện các biện pháp khắc phục, tiến tới tháo gỡ "thẻ vàng" đối với Việt Nam trong việc phòng chống đánh bắt cá bất hợp pháp (IUU); tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường tại EU trong các lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh như nông thủy sản.

Việt Nam hoan nghênh lập trường của EU về Biển Đông Việt Nam hoan nghênh lập trường của EU về Biển Đông

TTO - Ngày 5-8, tại Hà Nội, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh có cuộc hội đàm với bà Federica Mogherini - phó chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) về chính sách đối ngoại và an ninh.

DIỆU AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên