Bốn tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam giảm đến 36% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiện nhiều vùng nuôi tôm đã "treo ao" vì giá tôm giảm, những quý tới sản lượng tôm sẽ giảm nữa.

Chuyện gì đang xảy ra với con tôm Việt Nam và cần những giải pháp gì để vực dậy ngành tôm?

Chuyện gì đang xảy ra với con tôm Việt Nam? - Ảnh 1.

Hai tháng nay giá tôm thương phẩm giảm liên tục, đến nay đã giảm khoảng 40% cho tất cả cỡ tôm. Đây là chuyện không nhỏ vì là sinh kế hàng triệu người ở các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long. Các phương tiện truyền thông liên tục nêu đề tài giải cứu con tôm.

Không ít người có tâm đã cùng nhau thảo luận về chuyện nóng bỏng này, thậm chí nhân đây bàn cả chuyện dài lâu hơn về nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành tôm Việt.

Giải cứu giá tôm là chuyện phải làm càng nhanh càng tốt. Trước tiên, phải tìm hiểu nguyên nhân một cách cặn kẽ, coi yếu tố nào có ảnh hưởng lớn, cần quan tâm hơn và tiếp đó xem xét cách thức xử lý. Ở từng góc nhìn sẽ thấy các yếu tố khác nhau tác động làm biến động giá tôm.

Chuyện gì đang xảy ra với con tôm Việt Nam? - Ảnh 2.

Nhìn vào yếu tố khách quan, Ecuador và Ấn Độ có tỉ lệ nuôi thành công cao gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi so với Việt Nam. Nuôi tôm thành công phụ thuộc vào chất lượng con tôm giống và môi trường, chủ yếu là nước nuôi.

Giá thành và giá tôm thương phẩm của họ thấp hơn của ta từ 10.000 - 30.000 đồng/kg. Trình độ chế biến của các nước này không bằng Việt Nam nên giá bán của họ khá thấp.

Chuyện gì đang xảy ra với con tôm Việt Nam? - Ảnh 3.

Ông Trần Văn Phúc, giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, giới thiệu tôm 70 ngày tuổi - Ảnh: HỮU HẠNH

Các nhà máy của Việt Nam chế biến sâu nên mua tôm thương phẩm giá cao và cho ra đời dòng sản phẩm cao cấp hơn các nước trên.

Nhưng hiện giá tôm thương phẩm các nước khác đang giảm, giá tiêu thụ quá thấp; buộc các nhà chế biến tôm Việt Nam phải mua giảm giá để còn sức cạnh tranh, nhất là còn để tồn tại.

Nhìn vào yếu tố chủ quan, chúng ta có giống tôm tốt nhưng các cơ sở sản xuất tôm kém chất lượng vẫn còn khá nhiều, người nuôi không phân biệt nổi tình trạng vàng thau lẫn lộn này nên mua nhầm tôm giống kém chất lượng, tôm bị nhiễm bệnh.

Tiếp nữa là thực trạng các cơ sở nuôi tôm của ta căn bản là nhỏ lẻ, manh mún và tự phát nên có rất nhiều vấn đề tồn đọng như không đủ nước sạch, không đủ hệ thống kênh cấp và thoát nước riêng, ô nhiễm môi trường cục bộ… dẫn đến lây nhiễm chéo dịch bệnh.

Chuyện gì đang xảy ra với con tôm Việt Nam? - Ảnh 4.
Chuyện gì đang xảy ra với con tôm Việt Nam? - Ảnh 5.

Vậy giải pháp, sách lược xử lý, ứng phó ra sao?

Trước hết, nhà cung ứng giống phải làm sạch lực lượng của mình, thông qua thực thi bộ tiêu chí được thống nhất. Từ đó, sẽ xác định rõ những cơ sở uy tín có sản phẩm chất lượng để người nuôi biết mà chọn lựa.

Bên cạnh đó, nhà chế biến phải hỗ trợ thông tin tình hình thị trường, giá cả thế giới để các mắt xích còn lại tham khảo, ứng xử.

Nhà chế biến hết sức nỗ lực tiết kiệm giảm giá thành, cố gắng tạo ra sản phẩm mới thu hút người tiêu dùng, cố gắng mở rộng thị trường tiêu thụ nhằm có thêm thặng dư mua giá tôm thương phẩm tốt hơn.

Chuyện gì đang xảy ra với con tôm Việt Nam? - Ảnh 6.

Máy sang tôm vào ao nuôi của Tập đoàn Việt Úc - Ảnh: HỮU HẠNH

Đồng thời cũng sẽ giảm mua tôm nguyên liệu block từ nước ngoài, tập trung ủng hộ tôm thương phẩm trong nước. Hiện VASEP và Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận đang phối hợp hình thành liên minh tập trung hai nội dung nêu trên.

Tiếp theo, người nuôi (và nhà đầu tư người nuôi) phải chú trọng đầu tư đầu vào có lựa chọn, chất lượng khá hơn. Nếu phải đầu tư cao hơn thì thu hẹp quy mô nuôi theo khả năng.

Nuôi ít mà chắc, từng bước mở rộng sau khi có tích lũy. Song song cập nhật các quy trình nuôi có kết quả tốt để có thể ứng dụng theo hoàn cảnh.

Nhà cung ứng thức ăn, chế phẩm nuôi… phải thắt chặt chi phí nhằm cung ứng người nuôi sản phẩm với giá mềm nhất. Điểm này, tôi thấy đã và đang có sự chuyển động khá tốt.

Chuyện gì đang xảy ra với con tôm Việt Nam? - Ảnh 7.

Dài hạn hơn là việc quy hoạch và đầu tư hạ tầng các vùng nuôi trọng điểm. Ít tiền thì lo thủy lợi trước tiên.

Hai chuyện này chắc chắn giúp nâng cao hệ số nuôi thành công, tức giải quyết "nút thắt cổ chai" gay go nhất.

Tiếp theo là lo vốn cho người nuôi.

Ngân hàng thương mại khó có thể phá quy định, bởi người nuôi không còn gì để thế chấp thì làm sao cho vay, trong khi nhu cầu vốn nuôi tôm là con số không nhỏ.

Nội dung này đang được giải quyết khá tốt qua sự linh hoạt trong chính hoạt động sản xuất kinh doanh.

Các năm qua, trong thực tế hình thành một chuỗi mới là sự liên kết giữa các yếu tố đầu vào, ngân hàng, đại lý mua tôm và người nuôi.

Ban đầu chuỗi này do Tập đoàn C.P Việt Nam đi tiên phong nhiều năm qua cho kết quả khả quan. Chuyện này đáng học.

Các nhà cung ứng khác đã hình thành chuỗi liên kết tương tự và có mô hình nuôi riêng cho mình, tất cả đã góp phần vực dậy một số lượng không nhỏ người nuôi, góp phần duy trì sản lượng tôm nuôi và có tăng trưởng nhẹ các năm qua.

Chuyện gì đang xảy ra với con tôm Việt Nam? - Ảnh 8.

Các khách mời tham quan khu vực nuôi tôm của Tập đoàn Việt Úc - Ảnh: HỮU HẠNH

Và hơn tất cả, Chính phủ và bộ ngành liên quan cần có sự quan tâm thỏa đáng hơn tới con tôm thông qua các định chế quản lý, kiểm soát có cập nhật chặt chẽ hơn. Trước mắt tập trung vào quản lý con giống và nâng mức đầu tư thủy lợi các vùng nuôi tôm trọng điểm.

Còn về lâu dài, dù Chính phủ đã ban hành chiến lược phát triển thủy sản nói chung, con tôm nói riêng tới năm 2030, tầm nhìn 2045, nội dung rất súc tích nhưng hiện thực hóa thì quá chậm chạp, cần có sự quan tâm thỏa đáng, đúng mức hơn.

Chuyện gì đang xảy ra với con tôm Việt Nam? - Ảnh 9.

Thời gian qua giá bán tôm rất thấp. Ngoài những nguyên nhân khách quan ai cũng biết, còn có chuyện các doanh nghiệp tranh bán để xoay vòng vốn kịp trả ngân hàng.

Chuyện gì đang xảy ra với con tôm Việt Nam? - Ảnh 10.

Nếu có đủ vốn lưu động, các doanh nghiệp đã có thể kìm phần nào đà giảm của giá bán, nhưng thực tế đa số doanh nghiệp sống dựa vào nguồn vốn vay ngân hàng.

Các doanh nghiệp có "vốn nhà" khỏe hơn cũng phải hòa mình vào vòng xoáy này để bán được hàng và không phải thu hẹp hoạt động.

Hiện chỉ những đơn hàng cung ứng cho các hệ thống cao cấp thì giá bán có nhỉnh hơn.

Nhưng để được cung cấp cho hệ thống cao cấp, doanh nghiêp phải đạt những chuẩn mực do hệ thống này đưa ra.

Các chuẩn mực phổ biến hiện nay không chỉ là trách nhiệm xã hội, mà còn là bình đẳng giới, công bằng thương mại (FAIR TRADE)…

Và tổng quát hơn, đầy đủ hơn là đòi hỏi thực hiện bộ tiêu chí môi trường - xã hội - quản trị (ESG).

ESG đang trở thành chuẩn mực phổ biến, tới đây các doanh nghiệp phải chú tâm thực hiện, nếu muốn chen chân giành miếng bánh thị phần cao cấp.

Chuyện gì đang xảy ra với con tôm Việt Nam? - Ảnh 11.

Thí dụ, các hệ thống cấp cao ở EU đòi hỏi tôm nuôi đạt chứng nhận ASC (Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản).

Trong khi diện tích nuôi đạt chuẩn này ở Việt Nam không tới chục ngàn héc ta. Thậm chí bây giờ họ không chỉ đòi hỏi tiêu chuẩn ASC ao tôm mà còn tiêu chuẩn ASC đối với cơ sở chế biến.

Muốn thực thi các bộ tiêu chí trên, tạm lấy nền tảng là ESG thì ít ra doanh nghiệp cũng phải lưu tâm xây dựng văn hóa doanh nghiệp, xây dựng chuẩn mực đạo đức trong kinh doanh, phải quan tâm trách nhiệm xã hội…

Các doanh nghiệp tôm của ta đa số hình thành không bài bản, thiếu trước hụt sau ý thức xây dựng các nền tảng trên.

Xuất phát điểm thấp thì các doanh nghiệp phải nỗ lực cao độ hơn bao giờ hết nếu muốn vượt qua các khó khăn và vững vàng trên thương trường. Đây là chuyện chiều sâu, theo đuổi lâu dài.

Chuyện gì đang xảy ra với con tôm Việt Nam? - Ảnh 12.

Diện tích nhỏ hơn khoảng 12 lần (256.370 km2 so với 3,28 triệu km2), đường bờ biển cũng kém xa (2.237km so với 7.000km), nhưng Ecuador đã đường hoàng tranh nhau vị trí quốc gia xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới với Ấn Độ mấy năm qua.

Vì sao đất nước Nam Mỹ nhỏ bé, vốn nổi tiếng với xuất khẩu chuối, có thể làm nên kỳ tích đó?

"Nguồn cung tôm nuôi tăng đã giúp Ecuador giữ vị trí dẫn đầu về thương mại tôm toàn cầu từ tháng 1 đến tháng 9-2022.

Trong giai đoạn này, Trung Quốc đã vượt qua Hoa Kỳ để trở thành thị trường nhập khẩu hàng đầu với nguồn cung lớn từ Ecuador..." - Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) viết trong bản tin ngày 9-3.

Chuyện gì đang xảy ra với con tôm Việt Nam? - Ảnh 13.

Một người nuôi tôm Ecuador (hatcheryfm.com)

Một lần vượt mặt Ấn Độ khác của Ecuador là vào năm 2020, khi sản lượng trong nước tăng thêm đến 100.000 tấn, giúp nước này có lợi thế về giá trên thị trường thế giới, cũng theo FAO.

Chuyện gì đang xảy ra với con tôm Việt Nam? - Ảnh 14.

Ngành công nghiệp nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm ở Ecuador đã bắt đầu từ hơn 55 năm trước, khi các ngư dân ven biển phát hiện một bí mật kỳ lạ của thiên nhiên.

Họ nhận thấy khi thủy triều lên cao, một số lượng lớn tôm cá dạt vào những vùng đất nhiễm mặn ở gần các khu rừng ngập mặn có đầm phá bao quanh.

Ở đây, lũ tôm cá giống như bị mắc kẹt trong "cái bẫy tự nhiên" và điều kinh ngạc nhất với các ngư dân là chúng có thể lớn tới một kích thước bất ngờ, to hơn hẳn so với những con tôm họ vẫn thấy.

Phát hiện này là khởi đầu cho sự ra đời của ngành nuôi trồng tôm ở Ecuador, ít nhất từ năm 1968, theo thông tin trên trang web chuyên về hợp tác phát triển tôm bền vững của nước này.

Chuyện gì đang xảy ra với con tôm Việt Nam? - Ảnh 15.

Sau khi duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định từ năm 2018, tôm đã vượt qua và bỏ xa chuối, một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Ecuador, trở thành hàng hóa có giá trị xuất khẩu cao thứ hai, chỉ sau dầu mỏ, của họ.

Cũng theo những số liệu chính thức của 5 năm gần nhất, trong năm 2022, tôm tiếp tục củng cố vị trí là hàng hóa (không phải dầu mỏ) mang lại thu nhập lớn nhất cho Ecuador khi quy mô sản xuất tăng trưởng tương ứng với lượng hàng xuất khẩu và giá bán, năm sau tăng hơn năm trước.

Ngành công nghiệp nuôi tôm cũng tạo ra số công ăn việc làm thuộc loại nhiều nhất trên toàn quốc.

Theo Phòng Nuôi trồng thủy sản quốc gia Ecuador, ngành này đã tạo ra 130.000 công việc trực tiếp và 140.000 công việc gián tiếp, theo số liệu cập nhật đầu năm nay của trang Infobae (Argentina).

Chuyện gì đang xảy ra với con tôm Việt Nam? - Ảnh 16.
Chuyện gì đang xảy ra với con tôm Việt Nam? - Ảnh 17.

Tháng 9 năm ngoái, trong phần trình bày rất chi tiết tại Diễn đàn Tôm toàn cầu, ông Gabriel Luna - giám đốc Công ty Glunashrimp, đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn thị trường tôm có trụ sở tại Ecuador - cho rằng phía sau kỳ tích của ngành tôm Ecuador trong thập kỷ qua, ngoài những chiến lược chủ động phát triển bài bản của họ, còn có các nhân tố khách quan.

Ông Luna nhắc tới sự cố tràn dầu tại vịnh Mexico năm 2010 đã đẩy giá tôm tăng cao, hay sự bùng phát dịch bệnh Hội chứng tôm chết sớm (EMS) tại châu Á năm 2012 đã mở đường cho tôm Ecuador vào thị trường Trung Quốc, giúp tăng vọt doanh số xuất khẩu tôm của họ trong giai đoạn 2012-2016.

Ở đây cũng phải nhắc thêm tới tác động của đại dịch COVID-19 khi dịch bệnh khiến các nhà xuất khẩu tôm của Ấn Độ gặp rất nhiều khó khăn trong việc gửi hàng đường biển, và Ecuador đã lấp vào khoảng trống này tại thị trường Mỹ nhờ lợi thế địa lý.

Chuyện gì đang xảy ra với con tôm Việt Nam? - Ảnh 18.

Theo đó những người nuôi tôm đã chọn cách tăng mật độ nuôi trồng từ 8 lên 15 con tôm trên mỗi mét vuông nuôi, nhưng không tăng hơn nữa để đảm bảo môi trường sống tốt cho tôm.

Bởi thế kể từ năm 2010 trở đi, họ tính tới việc cải thiện các phương diện khác trong sản xuất, cụ thể là thức ăn cho tôm.

Sự ra đời của một loạt nhà máy sản xuất thức ăn cho tôm vào những năm 2010 đã giúp nông dân Ecuador cải thiện tỉ lệ tăng trưởng của tôm từ 1,1g lên 2,5g mỗi tuần.

Ngoài ra là các cải tiến khác như áp dụng cách quản lý vùng nuôi tốt hơn, kết hợp hệ thống cho ăn tự động và thiết bị sục khí.

"Đầu tiên chúng tôi thử nghiệm các máy cho ăn tự động, chúng rất tuyệt vời, giúp tăng tỉ lệ tăng trưởng và giảm tỉ lệ chết của tôm, nhưng khi đem kết nối với với hệ thống sục khí, chúng tôi đã phát hiện những cấp độ mới" - ông Gabriel Luna chia sẻ kinh nghiệm.

Kết quả là với tổng cộng 220.000ha diện tích nuôi trồng tôm, Ecuador sản xuất được trung bình 4,5 tấn tôm/ha mỗi năm. Dù vậy ông Luna tin rằng năng suất đó vẫn còn có thể cao hơn.

Chuyện gì đang xảy ra với con tôm Việt Nam? - Ảnh 19.

Diện tích nuôi trồng theo mô hình trang trại lớn như vậy cũng đã giúp Ecuador có thể xuất khẩu tôm với "giá rẻ nhất ra thế giới", như một báo cáo đánh giá năm 2020 của Ấn Độ - quốc gia đối thủ về tôm của họ.

Khi chi phí thức ăn, vận chuyển, đóng gói tăng lên, cộng thêm lạm phát, ông Luna tin rằng quá trình cải tiến để tăng năng suất đó là rất cần thiết.

Ngoài ra, với công đoạn sau sản xuất, nhu cầu về các sản phẩm giá trị gia tăng (chẳng hạn tôm không đầu) ngày càng tăng, đặc biệt ở Mỹ, cũng là một thách thức khác đang đặt ra với Ecuador.

Các hệ thống chế biến hiệu quả sẽ cần được xây dựng để giúp Ecuador tăng tính cạnh tranh với các nước như Ấn Độ, quốc gia đang có giá lao động rẻ hơn.

Chuyện gì đang xảy ra với con tôm Việt Nam? - Ảnh 20.

Một điểm đáng kể nữa thuộc về chiến lược phát triển ngành tôm của Ecuador mà chính đối thủ Ấn Độ cũng đã phải thừa nhận, đó là họ có một thị trường có tính thống nhất rất cao và có một bộ phận quản lý chung điều hành các trang trại nuôi tôm lớn, thay vì phân mảnh trong cấu trúc ngành này như tại Ấn Độ với gần 100.000 nông dân nuôi tôm đang hoạt động, báo Economic Times (Ấn Độ) đánh giá trong bài viết hồi tháng 3, phân tích vì sao Ấn Độ từng mất ngôi đầu vào tay Ecuador trên thị trường xuất khẩu tôm.

Cũng trong tháng đó, Tổ chức Hợp tác tôm bền vững Ecuardor (SSP) kỷ niệm cột mốc 5 năm thành lập.

Đây là tổ chức gồm các công ty, tập đoàn chuyên nuôi tôm tại Ecuador, được ca ngợi rất nhiều vì có đóng góp lớn trong việc giúp ngành công nghiệp nuôi tôm của quốc gia Nam Mỹ phát triển bền vững và ngày càng mở rộng thị trường xuất khẩu.

Chuyện gì đang xảy ra với con tôm Việt Nam? - Ảnh 21.

Theo SSP, trong số những dấu mốc quan trọng ở 5 năm đầu tiên của họ phải kể tới "việc tạo ra một trong những bộ nguyên tắc nghiêm ngặt nhất với việc sản xuất tôm".

Bộ nguyên tắc này được SSP phát triển với sự hướng dẫn của ban cố vấn gồm các thành viên đến từ Quỹ Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF), Sáng kiến thương mại bền vững (IDH) và Hội đồng Quản lý nuôi trồng thủy sản (ASC), cũng như có sự đồng hành với Viện Tiêu chuẩn kỹ thuật và chứng nhận Colombia (ICONTEC).

Để đạt tiêu chuẩn của SSP, hay nói cách khác, để trở thành thành viên của tổ chức này, trang trại nuôi tôm ở Ecuador phải thỏa mãn các điều kiện của ASC và được tổ chức này cấp chứng chỉ công nhận.

Các trại nuôi tôm SSP thường xuyên được kiểm tra trong từng chu kỳ sản xuất để đảm bảo không dùng thuốc kháng sinh, không gây tác động xấu tới nguồn nước và phải truy xuất nguồn gốc với sản phẩm làm ra.

Một trong những dự án tiên phong của SSP là triển khai sử dụng công nghệ blockchain của IBM Food Trust để phát triển ứng dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm dành riêng cho người tiêu dùng, cho phép họ biết thông tin về sản phẩm cũng như hành trình "từ nông trại tới bàn ăn" chỉ bằng thao tác quét mã QR.

Theo bà Vanessa Barbery - giám đốc phát triển thương mại của nền tảng IBM Food Trust, người dùng không cần phải biết về công nghệ blockchain để sử dụng nền tảng này.

Mọi dữ liệu về sản phẩm, thông tin về chuỗi cung ứng đều đã được tích hợp vào nền tảng, ai cũng có thể truy cập để biết được hành trình đầy đủ của con tôm trong toàn bộ chuỗi cung ứng, chẳng hạn nó đã được lưu kho tại cơ sở X, được đơn vị Y phân phối hay được bán lẻ tại công ty Z, cũng như thức ăn của nó là gì, từ đâu…

Chuyện gì đang xảy ra với con tôm Việt Nam? - Ảnh 22.
Chuyện gì đang xảy ra với con tôm Việt Nam? - Ảnh 23.

Vào những năm 1990, khi bệnh đốm trắng ở tôm do vi rút gây ra tàn phá các trang trại tôm ở châu Á, để phòng trừ bệnh này, rất nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu bơm kháng sinh vào nước nuôi tôm. Nhưng Ecuador đã chọn cách xử lý khác.

"Chúng tôi giúp tôm phát triển khả năng tự kháng bệnh của chúng - ông Jose Antonio Camposano, chủ tịch Phòng nuôi trồng thủy sản của Ecuador, nói với trang Ibm.com - Nhiều thập kỷ sau, sức đề kháng của tôm Ecuador là tự nhiên và là kết quả từ khả năng kháng bệnh có trong chính bộ gene của chúng.

Một phần của điều đó là từ nguồn thức ăn cho tôm, đây là cái rất thiết yếu để giúp hệ miễn dịch của chúng khỏe mạnh".

Dư lượng kháng sinh trong quá trình sản xuất thực phẩm từ động vật từ lâu đã là vấn đề lo ngại với các nhà khoa học. Giới nghiên cứu đã chỉ ra ngay cả những hàm lượng kháng sinh còn dư ở mức thấp trong thực phẩm vẫn có thể dẫn tới tình trạng kháng kháng sinh ở người.

Chuyện gì đang xảy ra với con tôm Việt Nam? - Ảnh 24.
Chuyện gì đang xảy ra với con tôm Việt Nam? - Ảnh 25.

Tháng 2-2023, nhà sản xuất tôm Blue Aqua hân hoan tuyên bố đã thành cơ sở nuôi tôm đầu tiên và duy nhất của Singapore đạt chuẩn nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm của Hội đồng Quản lý nuôi trồng thủy sản (ASC).

ASC được coi là chứng nhận với yêu cầu cao và toàn diện nhất hiện nay về các tác động môi trường và xã hội tiềm ẩn của nuôi trồng thủy sản, bao gồm mất đa dạng sinh học, sử dụng nguồn thức ăn và nước, quản lý dịch bệnh và các tác động đối với cộng đồng địa phương. ASC đặt ra các tiêu chuẩn về nuôi tôm có trách nhiệm với môi trường và xã hội.

Chuyện gì đang xảy ra với con tôm Việt Nam? - Ảnh 26.

Trang trại của Blue Aqua rộng 1,3ha, nằm hoàn toàn trong đất liền, với năng suất 120 tấn/năm, chỉ cung cấp cho nhà hàng và các chuỗi cửa hàng trong nước.

"Khi nhu cầu sản phẩm thân thiện sinh thái ngày càng gia tăng, chứng nhận ASC sẽ giúp tăng tính cạnh tranh cho chuyện kinh doanh và bảo vệ hành tinh cho thế hệ sau" - Hamoon Shishechian, lãnh đạo phụ trách các mục tiêu bền vững, có trách nhiệm của Blue Aqua, nói.

Quả vậy, đạt các tiêu chí nuôi trồng bền vững đang là yêu cầu bắt buộc với các nhà sản xuất tôm, trong bối cảnh ngành này vẫn còn nhiều tác động tiêu cực đến môi trường và hệ sinh thái, chẳng hạn sau mỗi vụ thu hoạch, nước nuôi tôm - gồm tồn dư kháng sinh và chất thải - được xả thẳng ra môi trường, làm ô nhiễm nguồn nước và việc canh tác nông sản khác xung quanh.

Nuôi tôm truyền thống thường đặt lồng trên biển hoặc đào ao, và nước thải sau thu hoạch sẽ ảnh hưởng đến các nguồn nước này. Một trong các giải pháp để thay đổi điều này là việc áp dụng các công nghệ như hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn (RAS), liên tục lọc và tái sử dụng nước.

Các nhà môi trường cho biết phương pháp này có thể bền vững, cho phép khối lượng sản xuất cao với ít nước thải hơn và nguy cơ hủy hoại hệ sinh thái thấp hơn.

Theo Andrew Wyatt - phó giám đốc nhóm môi trường Mekong của Liên minh quốc tế Bảo tồn thiên nhiên (IUCN), RAS giúp giải quyết các vấn đề của nuôi tôm truyền thống: sử dụng kháng sinh và xả nước thải chứa đầy chất thải của tôm ra môi trường sau mỗi vụ nuôi.

Trang trại RAS đã có mặt ở nhiều nơi, từ Philippines đến Đài Loan, với quy mô đa dạng - từ các bể vận hành thủ công, chi phí thấp đến các hệ thống lớn và tinh vi hơn.

Chuyện gì đang xảy ra với con tôm Việt Nam? - Ảnh 27.

Trong bài viết "Công nghệ có thể làm sạch ngành tôm", BBC lấy ví dụ về các dự án RAS tiên phong ở Ấn Độ của Công ty Kings Infra Ventures.

Do điều kiện nước có thể được kiểm soát nghiêm ngặt và tôm được giám sát chặt chẽ, người nuôi có thể làm 5 vụ/năm so với tối đa 2 vụ như trước kia, theo Shaji Baby John - chủ tịch và giám đốc điều hành Kings Infra Ventures. "Nhiều vụ hơn đồng nghĩa năng suất tăng - một cơ sở 1.000m2 có thể cho ra tới 45 tấn tôm/năm" - John nói với BBC.

Ưu điểm của RAS là các bể nuôi có thể lắp đặt bất kỳ đâu, không cần phải đào ao hay phụ thuộc nguồn nước tự nhiên.

Mặc dù công nghệ đang mở ra tương lai nuôi tôm trên đất liền khả thi về mặt thương mại, mọi thứ vẫn còn quá sớm.

Chuyện gì đang xảy ra với con tôm Việt Nam? - Ảnh 28.

Tương tự, Victor Suresh, chủ tịch Hiệp hội chuyên gia nuôi trồng thủy sản Ấn Độ, nói có rất ít tiềm năng để RAS trở thành công nghệ sản xuất tôm chủ đạo ở nước này, vì có vốn và chi phí vận hành rất cao.

Suresh cho rằng RAS có thể cạnh tranh gần các thành phố lớn, nơi có thể có nhu cầu về tôm tươi sống giá cao. Nhưng thị trường này vẫn còn rất nhỏ.

"Nuôi tôm trong ao vẫn là phương án kinh tế nhất với một quốc gia mà hàng trăm nghìn tấn tôm được hầu hết nông dân nhỏ nuôi để chế biến và bán ra thị trường xuất khẩu" - ông nói thêm.

Những người tiên phong như John vẫn không nhụt chí. John thừa nhận chi phí đầu tư ban đầu của nuôi RAS là cao, nhưng cho biết chất lượng sản phẩm từ hệ thống RAS của ông tốt hơn và chi phí trên mỗi con tôm thấp hơn so với nuôi trong ao truyền thống.

Ngoài ra, nhờ dùng pin mặt trời để phát điện, ông nói rằng các cơ sở mới sẽ có phát khí thải carbon thấp. "Chúng tôi hướng đến nuôi trồng thủy sản tập trung hoàn toàn vào các biện pháp thực hành bền vững và thân thiện với môi trường, không sử dụng kháng sinh và không lãng phí" - ông nói.

-------------------------------------------------------------------------------------

HỒ QUỐC LỰC (CỰU CHỦ TỊCH VASEP - HIỆP HỘI CHẾ BIẾN VÀ XUẤT KHẨU THỦY SẢN VIỆT NAM) - ĐỖ DƯƠNG - TỊNH ANH
VÕ TÂN

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên