Khách mời thấy thật sự thú vị với thiệp hồng chu đáo và mới lạ này.
Cái a lô đâu chỉ nghe và gọi
Người dân quê tôi đã quen dần với việc chuyển đổi số qua công việc, lối sống hằng ngày. Nếu trước đây chiếc điện thoại thông minh chỉ dùng để gọi, nhắn tin, sử dụng mạng xã hội thì ngày nay con dế yêu này có thêm nhiều chức năng phục vụ nhu cầu công việc và sinh hoạt hằng ngày.
Một bà nội trợ có thể sử dụng phần mềm kết nối với máy giặt, giặt xong hệ thống tự động báo, bà có thể gọi Zalo về nhắc con lấy đồ trong máy giặt ra phơi trong khi mình đi chợ chuẩn bị bữa cơm cho gia đình. Một bác nông dân ngồi trong bóng mát những tán cây trên bờ để điều khiển từ xa thiết bị phun thuốc cho đám ruộng của mình.
Việc thanh toán không dùng tiền mặt trước đây chỉ được sử dụng trong các cơ sở kinh doanh giờ đây đã trở nên phổ biến với các quán cà phê, quán ăn bình dân và thậm chí những gánh hàng rong ở quê!
Hình ảnh người dân tập trung đông đúc tại các cây ATM để rút tiền vào các ngày lễ, Tết đã giảm dần trong hơn hai năm gần đây. Không chỉ là những người trẻ, các cô chú lớn tuổi cũng đã trở nên quen dần với việc lãnh lương hưu và chi trả qua thẻ cùng các ứng dụng tiện ích trên nền tảng thanh toán số.
Những phương tiện công nghệ phổ biến tạo điều kiện giao tiếp và chia sẻ thông tin. Tuy nhiên việc truy cập dữ liệu từ các ứng dụng và mạng xã hội cho các mục đích xấu vẫn là tâm điểm của tin tặc. Các vấn đề bảo mật không chỉ giới hạn ở giao diện người dùng mà còn bao gồm các mối đe dọa tiềm ẩn từ các máy chủ không được bảo vệ cẩn trọng, lỗi trong mã nguồn và mã hóa không an toàn.
Không ít người để lại những dấu chân số thông qua những hoạt động trong môi trường không gian mạng.
Lừa đảo trực tuyến là một trong những cách nhằm săn mồi những người dùng Internet qua việc tạo hồ sơ giả trên các nền tảng truyền thông bằng chính những thông tin cá nhân mà người dùng vô tình để lộ ra khi tải các ứng dụng, chơi game online, tham gia giao dịch hay mua sắm trực tuyến.
Các kiểu mất tiền vào tài khoản lạ, hình ảnh và thông tin cá nhân bị lợi dụng vào mục đích xấu… thật đáng lo với người dân quê tôi.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong thực tiễn cuộc sống dần dần được phủ sóng đến những vùng nông thôn như quê tôi và tạo nên những hiệu ứng tích cực trong cuộc sống.
Tuy nhiên để tránh những mối nguy hiểm tiềm tàng phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng và người sử dụng các thiết bị số trong việc trang bị kiến thức, kỹ năng an toàn trong môi trường số.
Cần nhiều lớp học chuyển đổi số ở nông thôn
Khi đọc bài báo về lớp học sử dụng mạng xã hội, các app ngân hàng, YouTube… dành riêng cho người già ở Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ quận 1 (TP.HCM), tôi ước giá như các vùng quê cũng có lớp học chuyển đổi số kiểu này.
Bây giờ ở các vùng quê người dân đã tiếp cận với các thiết bị công nghệ, phần đông người đã có trên tay một chiếc điện thoại thông minh nhưng chưa biết cách sử dụng để hỗ trợ cuộc sống.
Thanh toán tiền điện, tiền Internet là một ví dụ thiết thực. Gần đây, ở quê tôi không còn người đến thu tiền mặt nữa (chỉ trừ một số trường hợp đặc biệt).
Thời gian đầu, người dân phản ứng gay gắt vì họ không biết dùng app để thanh toán. Nhưng sau đó, khi được hướng dẫn tận tình và nhận thấy nhiều lợi ích (có giảm giá, thanh toán nhanh hơn…) họ lại thích thú với cách này.
Như bố mẹ tôi bây giờ cũng học cách thanh toán tiền điện, tiền Internet, tiền bảo hiểm hay nạp thẻ điện thoại qua app. Tuy nhiên, do sợ tải nhầm app, sợ bị lừa đảo và từng chuyển nhầm số tiền nên đa số thao tác họ vẫn nhờ con cái kiểm tra lại.
Khi mua chiếc điện thoại mới cho mẹ, tôi đã cài sẵn các app báo, YouTube, Facebook, Zalo… và hướng dẫn mẹ sử dụng.
Tôi nghĩ rằng việc phát triển các lớp học chuyển đổi số ở nông thôn là vô cùng quan trọng kiểu như con cái chỉ cho bố mẹ, ông bà cách dùng điện thoại thông minh, cách "lên mạng", sử dụng mạng xã hội để hỗ trợ cuộc sống và gắn kết với con cháu.
Bài bản hơn thì các tổ chức như Đoàn thanh niên ở phường/xã có thể mở các lớp học này tương tự mô hình của Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ ở TP.HCM.
Có như thế, "nông thôn mới" sẽ "mới đúng nghĩa" và công cuộc chuyển đổi số cũng nhanh, hiệu quả hơn, không có ai bị bỏ lại đằng sau. Đặc biệt, trong thời gian tới khi các thủ tục hành chính chuyển qua làm online thì càng cần những lớp học để người dân thành thạo hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận