04/07/2024 08:27 GMT+7

Chuyển đổi số: Đừng để ai bị bỏ lại đằng sau

Những cái bẫy lừa giăng khắp cõi mạng gần đây kẻ gian lợi dụng quá trình chuyển đổi số (dịch vụ công, VNeID, thuế…) để chiếm đoạt tiền. Kẻ lừa đảo rất thành thạo tận dụng công nghệ trong khi nhiều người dùng vẫn mù mờ, bối rối.

Một quảng cáo dịch vụ trên mạng với hình ảnh cắt ghép - Ảnh: K.HƯNG

Một quảng cáo dịch vụ trên mạng với hình ảnh cắt ghép - Ảnh: K.HƯNG

Người dùng hiểu được chiêu lừa này kẻ gian đã có chiêu mới. Cách nào để giúp người dùng mạng dần bắt kịp với xu hướng chuyển đổi số, giảm bị lừa?

Khi chuyển đổi số về làng

Câu chuyện cài đặt ứng dụng VNeID, VssID, thuế... là những ví dụ điển hình và gần đây là những chiêu lừa liên quan đến công nghệ nhận diện khuôn mặt của các ngân hàng.

Tôi nhớ ở thời điểm làm CCCD gắn chip, sau đó người dân lại nhận được thông báo cài đặt ứng dụng VNeID rồi xác thực định danh điện tử mức 2.

Ở quê tôi, ai chưa tải app để kích hoạt định danh công an xã sẽ gọi điện từng người mời lên xã để hỗ trợ hoàn thành.

Những kẻ lừa đảo đã giả mạo công an hướng dẫn cài đặt ứng dụng VNeID, gửi "link độc" rồi chiếm quyền kiểm soát điện thoại, chiếm đoạt tiền trong tài khoản.

Hay ở thời điểm nổi cộm các thông tin về bảo hiểm xã hội, truy thu thuế... các đối tượng lừa đảo cũng tạo ra app, web giả mạo và có sẵn kịch bản để lừa người dùng.

Rồi ở Facebook trên nền tảng này, các đối tượng lừa đảo dễ dàng tạo tài khoản giả, lấy cắp thông tin cá nhân người khác, tạo fanpage, nhóm, cắt ghép clip công an, luật sư...

Sau đó, họ tung thông tin giả, chạy quảng cáo, thêm các dịch vụ tăng like để tiếp cận người dùng thật.

Trong khi đó, không ít người dân (đặc biệt người già, trẻ em, người sống ở nông thôn...) đang sử dụng mạng xã hội rất "hồn nhiên", họ không có kỹ năng phân biệt thật - giả và luôn tin những gì "trên mạng nói".

Đối mặt với cơn sóng mạng xã hội, nhiều người không có kiến thức về Internet cộng thêm tâm lý sợ công an, sợ luật sư, sợ thuế nên họ càng khó thoát khỏi những bẫy lừa đảo.

Tăng "sức đề kháng" cho người dùng mạng

Vì sao các cơ quan chức năng liên tục cảnh báo nhưng bao người vẫn bị lừa? Tôi cho rằng mọi giải pháp hiện nay đang làm ở phần ngọn mà quên phần gốc của vấn đề: người dùng điện thoại bị cuốn vào vòng xoáy đa chiều trên Internet do họ thiếu kiến thức nền.

Ngay với các ứng dụng dịch vụ công, không phải người dân nào cũng có nền tảng kiến thức về công nghệ thông tin để hiểu cách tải, cách dùng. Việc phân biệt giữa hai app, hai trang web thật và giả có tên miền tương tự nhau là điều quá khó. Họ cũng không rành về các đường link, tên miền, file APK...

Gần đây có chính sách bắt buộc nhận lương hưu, trợ cấp BHXH qua tài khoản ATM thay vì tiền mặt. Chính sách này là một phần của chuyển đổi số, rất hay nhưng đa số người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH ở quê quá bỡ ngỡ, lúng túng với việc này.

Ở nông thôn, rất nhiều người lớn tuổi chưa từng cầm trên tay thẻ ngân hàng, chưa biết đến khái niệm app nên họ rất dễ bị bỏ lại đằng sau công cuộc chuyển đổi số. Và một khi họ tự mình dò dẫm lên mạng, họ rất dễ bị vướng vào bẫy lừa online.

Nói cách khác, người dân cần sự đồng hành nhiều hơn từ các cơ quan chức năng để họ khỏi bỡ ngỡ trước biển thông tin trên Internet và không bị lợi dụng việc này để lừa đảo.

Đặc biệt trước làn sóng các đối tượng lừa đảo sử dụng trí tuệ nhân tạo, deepfake thì cần làm nhiều việc để người dân "tỉnh táo" hơn.

Trong gia đình, người trẻ cần hướng dẫn công nghệ cho bố mẹ, ông bà... Đơn giản như chỉ cho người thân của mình cách thoát, chặn các nhóm rủ rê đầu tư trên Zalo, bỏ theo dõi các nhóm, trang giả hay chặn các cuộc gọi từ số lạ...

Từng thôn, xóm, phường, xã cần có chương trình "đào tạo cơ bản" về kiến thức nhận diện ứng dụng, website... thật và giả vì rất nhiều người dân quê đang hoang mang trước vô số thông tin trên mạng.

Có "sát sườn" như thế thì mới mong người dân đủ "sức đề kháng" trước "dịch lừa đảo" và không bị tụt lại trong công cuộc chuyển đổi số.

Lọc quảng cáo lừa đảo, có ai quyết làm?

Cậu của tôi đã về hưu, có sổ tiết kiệm trong ngân hàng. Khoảng một năm trở lại đây, cậu tôi liên tục bị ghép vào các nhóm đầu tư trên Zalo, rồi nhận các thư mời, bưu phẩm quét mã QR lừa đảo tại nhà.

Câu chuyện thứ hai là một chủ doanh nghiệp hôm trước còn tư vấn cho nhân viên tránh bị lừa đảo thì hôm sau chính ông bị lừa đảo hơn 200 triệu đồng. Thủ đoạn lừa đảo là giả mạo tài khoản Facebook con gái bên nước ngoài, cần thêm tiền đầu tư nhà hàng...

Hai câu chuyện trên đều có một điểm chung như nhiều câu chuyện lừa đảo khác: kẻ lừa đảo biết đâu là người có tiền để lừa. Sau đó, họ sẽ có kịch bản đánh vào điểm yếu tâm lý (thương con, cần thêm thu nhập...).

Vì thế, nếu chỉ đổ lỗi cho nạn nhân bị lộ thông tin cá nhân, tôi nghĩ chưa xác đáng. Điều cần làm có lẽ là việc rà soát lại hệ thống dữ liệu, để biết đâu là lỗ hổng cần vá.

Bên cạnh đó, để chống lại những bẫy lừa đảo tinh vi thì chúng ta cần có cách làm chuyên nghiệp hơn.

Có lẽ bây giờ Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nên vào cuộc, làm việc với Facebook, Google... để phát triển một thuật toán chặn lọc các quảng cáo lừa đảo người dùng Việt Nam. Có như thế mới tạo ra một không gian mạng sạch, nơi người dùng không lo chuyện lừa đảo nối tiếp lừa đảo.

Lộ nhiều chiêu hướng dẫn cài đặt VNeID giả mạo, chiếm đoạt tiền tỉLộ nhiều chiêu hướng dẫn cài đặt VNeID giả mạo, chiếm đoạt tiền tỉ

Tin vào lời hướng dẫn qua điện thoại để cài đặt ứng dụng VNeID giả mạo, nhiều người bị lừa sạch tiền trong tài khoản, có nạn nhân bị lừa đến 1,5 tỉ đồng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên