07/02/2014 07:35 GMT+7

Chuyện của hai ông cán bộ

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TT - Một chiều đầu tháng 1-2014, Ksor Dơr dắt bò đến nạp phạt cho nhà Mí Kiệt (buôn Thim, xã Phú Cần, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai).

Mặt Ksor Dơr buồn rười rượi: “Mình làm phó công an xã mà cũng cãi không lại được nhà Mí Kiệt, bị nhà kia bắt đền đến bốn con bò, nhà không có bò nên cả tuần nay phải đi vay bò của nhà mẹ vợ để nạp. Buồn quá!”.

Kỳ 1: Phạt cả... vợ mình

05STWYa2.jpgPhóng to
Phó công an xã Ia Rmok, ông Ksor Dơr, vay bò của nhà mẹ vợ để nạp phạt cho gia đình Mí Kiệt - Ảnh: T.B.D.

“Tao bảo mày cứu tao à?”

Nhắc đến câu chuyện của phó công an xã Ia Rmok bị phạt vạ, ông Ma Chuông (tên thật là Ksor Run) - chủ tịch UBND xã Ia Rmok - vỗ đùi cười nghiêng ngả: “Hôm xảy ra chuyện mình cũng có mặt ở đó, không có chuyện trai gái đâu mà nhà bên kia cũng bắt lý, họ dắt nhau lên xã giải quyết ba, bốn ngày mới xong đấy”.

Ông Ma Chuông kể vanh vách thời điểm xảy ra sự việc: Ngày 10-11-2013, bão Haiyan chuẩn bị kéo vào đổ mưa như trút nước.

Lệnh từ trên xuống dưới yêu cầu toàn bộ cán bộ xã phải trực chiến 24/24 giờ để chống bão. Trực mãi chẳng thấy bão đâu, trời kéo mây vần vũ làm cả làng tối sớm hơn so với thường lệ.

Chủ tịch xã chậc lưỡi: “Giờ mà cái Haiyan chưa thấy đâu, chắc là nó không vào thăm xã rồi. Thôi, anh em đi nhậu một bữa coi như ăn mừng”.

Sau câu mở lời của chủ tịch xã, cả nhóm bảy cán bộ trong đó có chủ tịch Ma Chuông và phó công an xã Ksor Dơr kéo đến tiệm tạp hóa của nhà Mí Kiệt nằm ở buôn Blăk.

Trời mưa lạnh, chưa bao giờ nhậu mà thấy ngon như bữa đó. Chỉ trong vòng vài giờ, cả nhóm đã “cưa” hết mấy thùng bia và bắt đầu ngà ngà.

Bão chẳng thấy vào nhưng dù đã có tí men, Ma Chuông vẫn lo ngay ngáy. Lúc này Ma Chuông đứng dậy và đề nghị Ksor Char - chồng của Mí Kiệt - chở về.

Cả nhóm lúc này vẫn tiếp tục ngồi lại “cưa” thêm thùng bia nữa. Bỗng từ trong nhà, Mí Kiệt lăn đùng vật vã ra đất, miệng sùi bọt mép, tím tái. “Yàng ơi, nó trúng cái gió rồi, có sao không he?” - đám người xôn xao. “Nó trúng cái gió thì phải có người bắt cái gió ra khỏi người mới khỏi được” - một người lên tiếng.

Nghĩ trong đầu, lúc đó Ksor Dơr dù sao cũng là phó công an xã có biết tí chút về cứu người nên anh mở cánh cửa vào để “bắt cái gió” cho Mí Kiệt. Ksor Dơr cầm ống dầu, luồn bàn tay day lên trán “bệnh nhân” rồi luồn xuống xoa dầu trên cái bụng. Đứng bên cạnh lúc này còn có đứa con của Mí Kiệt mới 10 tuổi.

“Bắt cái gió” xong, đúng lúc trời mưa to, điện vụt tắt tối thui. Loạng quạng thế nào Ksor Dơr đá trúng đôi dép của mình tụt vào gầm giường. Chếnh choáng hơi men, ông công an xã cũng chẳng buồn đi tìm dép nữa, cứ thế mà đi chân đất ra về.

Không ngờ chính đôi dép lại là nguyên nhân của mọi rắc rối. Ngày hôm sau trong lúc dọn nhà, chồng Mí Kiệt bỗng thấy một đôi dép lạ của đàn ông nên đè con trai ra hỏi: “Thằng nào đã vào giường của mí (mẹ) mày?”.

Hoảng quá đứa con trai lí nhí đáp rằng lúc đêm có thấy Ksor Dơr “nằm trên bụng mẹ”. Nghe xong Ksor Char lùng bùng bên tai, máu ghen nổi lên. Ngay hôm đó, Ksor Char kéo cả anh em chặn đường ông phó công an xã để “hỏi tội”. Ksor Dơr hoảng hốt không biết mô tê gì thì bị kéo ra giữa làng để làng phân xử.

Già làng hỏi nghi can: “Mày có “lo pữ” (leo lên bụng) của Mí Kiệt không?”. Ksor Dơr đáp: “Tao có leo nhưng lúc đó nó bị trúng cái gió, không bắt cái gió ra khỏi người thì nó có chết à? Mà lúc tao “lo pữ” thì có cả nhiều người đứng đó nữa, sao có chuyện gì được. Vô lý!”.

Nghe câu này xong, chồng Mí Kiệt đứng bên cạnh quát: “Mày “lo pữ” xong thì mày còn “bắt cái nước” (quan hệ nam nữ) con vợ tao nữa, đứa con trai tao nhìn thấy hết rồi. Mày còn để quên đôi dép dưới gầm giường đây này. Nhân chứng vật chứng rõ ràng, tao bắt đền mày đấy!”.

Trước tất cả lập luận, ông phó công an xã chỉ biết cãi rằng mình “bắt cái gió” là để cứu người chứ không hề “bắt cái nước”! Ksor Dơr vừa dứt lời thì đứng bên kia, người được “bắt cái gió” là Mí Kiệt bỗng lên tiếng: “Tao kêu mày bắt cái gió cho tao à? Tao chết kệ tao chớ. Mày sai rồi Ksor Dơr à”.

Tình ngay lý gian không biết cãi thế nào cho phải, Ksor Dơr đành ngậm ngùi chấp nhận nạp bốn con bò để đền cái tội “lo pữ” cho nhà Mí Kiệt.

Kể lại với chúng tôi, ông phó công an xã cười mà như mếu: “Mình đi học trung cấp công an, thầy giáo có dạy về luật, mình giở sách luật ra tìm cái vụ của mình thì nó không nằm trong điều khoản nào cả. Oan quá”.

Chủ tịch xã Ma Chuông thì vỗ đùi cười nghiêng ngả: “Ối là thằng Dơr ơi, mày “lo pữ” có chút mà mất tới bốn con bò. Bốn con bò đó bán đi cũng được 30 triệu đồng. 30 triệu đồng đó một thằng đàn ông Ja Rai mà lên phố để karaoke thì... Mày dại quá”!

5Up1buVU.jpg
Nhà cộng đồng buôn Bhă, nơi diễn ra các vụ phân xử nghi kỵ của người làng, trong đó có vụ phân xử “thuốc thư” của ông bí thư chi bộ - Ảnh: T.B.D.

Ông bí thư “vạ mồm”

Ở Ia Rmok người làng nói rằng hễ ai sai luật làng là cứ phạt, bất kể đó là người Kinh hay cán bộ gì cũng phạt tất. Cũng bởi thế mà cùng thời điểm với Ksor Dơr bị phạt vạ, một cán bộ khác không biết cãi vào đâu khi lỡ “vạ miệng” trong một bữa nhậu.

Ma Chuông nói rằng theo quan niệm ở làng thì người dân rất kỵ những từ như “thuốc thư, thuốc độc, ma lai”, ai nhắc đến mấy câu này thì coi như có chuyện lớn.

Lệ là thế nhưng lắm lúc có người vào vài ba ly rượu rồi khoa tay múa chân lên giọng ra oai là “có khả năng bỏ thư người khác” nên lâm vào tình thế éo le.

Cuối năm cũ sắp đến cái tết, làng đang bình yên thì hôm đó náo động vì có vụ “thuốc thư”. Lần này người bị phạt không phải là thanh niên hay uống rượu nữa mà là ông bí thư chi bộ hẳn hoi: Ksor Phunh - bí thư chi bộ buôn Bhă (xã Ia Rmok).

Chuyện là do hôm ấy làng có cuộc nhậu, sẵn hơi men tưng tưng trong cái bụng, ông bí thư buột miệng bảo rằng làng mình nắng lâu ngày mà không có mưa là do con Nay Dôn ở nhà kế bên “tàng trữ thuốc thư”.

Nghe đến “thư”, lũ làng đang uống rượu bỗng bật dậy như có lửa dưới mông, chạy tán loạn. Hôm sau, Nay Dôn đi đâu cũng thấy người ta bỏ chạy, trẻ con không dám đến gần.

Quái lạ! Nay Dôn tìm tới nhà già làng để hỏi chuyện, già làng lớn tuổi và thương mọi người trong buôn nên chẳng bỏ chạy mà ngồi nghe nó kể, vừa kể vừa khóc. Chuyện đã rõ. Tất cả là do cái mồm của ông bí thư.

Ngày hôm sau, cả nhà Nay Dôn đùng đùng kéo tới nhà ông bí thư để “hỏi tội”. Ksor Phunh lớ ngớ được vài câu rồi thừa nhận: “Tao say quá, nói lung tung không phải cái bụng rồi”.

Lệ làng đã định ai sai thì phải tội. Hôm sau giữa sự chứng kiến của lũ làng, Ksor Phunh phải dắt hai con bò sống qua nạp phạt cho nhà Nay Dôn để “giải cái oan”.

Một con được làm thịt cúng Yàng xả xui, một con được giữ lại để “đền bù danh dự” cho nhà Nay Dôn sau nhiều tuần bị đổ oan.

__________

Kỳ tới: Vụ án... con bò lạc
THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên