14/02/2022 12:12 GMT+7

Chuyện chưa kể những tên đường nước Việt - Kỳ 3: 'Ru tình' bên đường Trịnh Công Sơn

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TTO - Đường Trịnh Công Sơn ở Huế chính thức được đặt tên ngày 17-3-2011, cũng là con đường đầu tiên được đặt tên Trịnh Công Sơn trong cả nước nhân dịp 10 năm người nhạc sĩ tài danh đi xa.

Chuyện chưa kể những tên đường nước Việt - Kỳ 3: Ru tình bên đường Trịnh Công Sơn - Ảnh 1.

Đường Trịnh Công Sơn ven sông Hương đoạn trung tâm TP Huế nhìn từ trên cao - Ảnh: VĂN ĐÌNH HUY

Anh Trịnh lúc đó không uống được bia, mà kêu bia cho mọi người uống, và chia sẻ một số chuyện, trong đó có chuyện tên đường, mong ước của anh vậy thôi.

Nhạc sĩ Lê Phùng

Lãng đãng bên bờ sông Hương

Đường Trịnh Công Sơn có vị trí tuyệt đẹp ven sông Hương thuộc phường Gia Hội ngay trung tâm TP Huế. Đường nay một chiều, cho nên việc khám phá bắt đầu từ giao lộ với đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, nơi có quán cà phê khá lãng mạn cạnh bến đò Cồn ven sông.

Đi tiếp đoạn đầu của con đường này có thêm vài tiệm cà phê phong cách khá nhẹ nhàng. Đoạn còn lại hơi nhếch nhác bởi nhiều quán nhậu xen lẫn với những khoảng đất hoang hóa, cây cối cỏ dại um tùm. 

Hai bên tuyến đường nhựa trồng hai dãy bằng lăng lãng mạn. Dải đất giữa con đường và bờ sông trải dài được tạo thành công viên có đường đi dạo, trồng nhiều lộc vừng và bố trí vài tiểu kiến trúc cảnh quan... 

Tuyến đường với vị trí quá xứng đáng để thả hồn theo từng nhịp bước hoặc hưởng thụ dịch vụ du lịch xứng tầm đang trong tình trạng nhếch nhác, vắng vẻ. 

Sự sôi động của tuyến đường bắt đầu từ chiều tối, khi mấy quán xá bắt đầu đông khách, che rạp cho khách ngồi lan ra cả bãi cỏ, đường dạo ven sông...

Trước đây, khu vực này từng là "khu ổ chuột", "điểm nóng" của Huế. Trên bờ thì hàng trăm ngôi nhà tạm bợ, xập xệ, dưới nước thì cả trăm con đò lộn xộn, chen chúc. Cho nên nó được xem là "vùng trũng" về văn hóa xã hội, vệ sinh môi trường, nơi tập trung nhiều tệ nạn của Huế. 

Khoảng đầu thập niên 2000, chính quyền TP Huế đã tập trung giải tỏa hàng trăm hộ dân trên bờ lẫn hộ đò trên sông Hương về bố trí tái định cư ở khu vực Bãi Dâu thuộc phường Phú Hậu.

Việc giải tỏa làm lộ ra mặt bằng tuyệt đẹp ven sông Hương. Đặc biệt khi tuyến đường được trải nhựa, phía bờ sông được trồng cây, bố trí những ngôi nhà bát giác từng được dùng làm sân khấu lễ hội, ai cũng nhìn thấy viễn cảnh du lịch dịch vụ xán lạn. 

Cũng phải thôi, tuyến này nằm gắn liền với phố cổ Chi Lăng – Bạch Đằng, nối liền với chợ Đông Ba và những tuyến phố buôn bán sầm uất nhất của Huế...

Ông Nguyễn Văn Thành, nguyên chủ tịch UBND TP Huế, tỏ vẻ tiếc nuối cho tình cảnh không mấy đẹp đẽ, thậm chí nhếch nhác của tuyến đường hiện tại. 

Thành cho biết giai đoạn làm chủ tịch (2014-2019), có rất nhiều nhà đầu tư trong tỉnh, trong nước và nước ngoài đến mong muốn được đầu tư biến đường Trịnh Công Sơn thành cụm du lịch, dịch vụ cao cấp và bài bản của Huế. 

"Nhưng thật đáng tiếc, ở đường Trịnh Công Sơn chưa triển khai thêm các dự án đầu tư do những vướng mắc về các khiếu nại giải quyết giải tỏa đền bù của một số hộ dân" - ông Nguyễn Văn Thành nhớ lại.

Suýt về Bãi Dâu

Năm 2010, ngân hàng tên đường phố và công trình công cộng trên địa bàn Thừa Thiên Huế được Sở VH-TT&DL Thừa Thiên Huế thực hiện, đã nghiên cứu xác lập với 985 đề mục tên, trong đó có nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. 

Đề án này diễn giải: "Trịnh Công Sơn (1937-2001), người làng Minh Hương, xã Hương Vinh, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. 

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có nhiều đóng góp cho nền âm nhạc VN. Ông đã sáng tác trên 600 tác phẩm, phần lớn là tình ca. Nhiều ca khúc của ông có thông điệp phản chiến. Ngoài ra, ông còn được xem là một nhà thơ, một họa sĩ". 

Ngày 17-3-2011, cùng với 37 tên đường khác, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã thông qua việc đặt tên Trịnh Công Sơn cho tuyến đường mới mở ven sông Hương dài 600m, điểm đầu là cầu Gia Hội và điểm cuối là đường Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Từ trước đó, theo một thành viên của hội đồng đặt tên đường, người ta dự định đặt tên Trịnh Công Sơn cho tuyến đường song song với đường Ngô Kha thuộc khu vực Bãi Dâu, phường Phú Hậu. 

Ý tưởng đặt tên này vừa dựa trên khu vực có nhiều đường mới mở, chưa có tên, vừa dựa trên mối quan hệ rất đặc biệt giữa người nhạc sĩ gốc Huế tài hoa và nhà thơ – liệt sĩ Ngô Kha. 

Tuy nhiên, có ý kiến phản biện cho rằng không nên đặt ở vị trí Bãi Dâu, tránh sự gợi nhớ những điều không hay gắn liền với bài hát Hát trên những xác người - một nhạc phẩm phản chiến của nhạc sĩ họ Trịnh.

Một thành viên trong hội đồng lúc ấy đã đề xuất đặt tên cho tuyến mới mở ven sông Hương. Hầu hết hội đồng đều đồng thuận đưa vào đề án đặt tên trình lên HĐND tỉnh. 

Kể từ đó, cái tên Trịnh Công Sơn được đặt cho con đường ven sông Hương tuyệt đẹp của Huế, vừa phù hợp, vừa xứng tầm nhìn từ nhiều góc độ...

Chuyện chưa kể những tên đường nước Việt - Kỳ 3: Ru tình bên đường Trịnh Công Sơn - Ảnh 3.

Kể từ tháng 3-2011, Huế có đường Trịnh Công Sơn và là con đường đầu tiên ở VN mang tên người nhạc sĩ tài hoa này - Ảnh: THÁI LỘC

Ước nguyện của người nhạc sĩ tài hoa

Sinh thời, người nhạc sĩ tài hoa từng chia sẻ với bạn bè rằng, mong muốn tên mình được đặt cho một con đường mới mở, dù nhỏ của Huế. Theo nhạc sĩ Lê Phùng, trong thập niên 1990, một vị lãnh đạo Thành ủy Huế vào TP.HCM đã có cuộc gặp gỡ với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Vị này đặt vấn đề mong muốn Huế có "Nhà Trịnh Công Sơn ven sông Hương" trong sự vui lòng có chốn ở quê để trở về của người nhạc sĩ. Ông Phùng từng vài lần chở vị nhạc sĩ đàn anh đi quanh Huế, xem những khu đất ven sông... 

Thế rồi vì nhiều lý do mà dự định căn nhà bất thành. Sau đó, trong một lần về Huế ngồi cùng bạn bè, Trịnh Công Sơn ngỏ ý muốn Huế có tên đường mang tên mình, đường nhỏ cũng được, miễn là tuyến đường trước đó chưa từng đặt tên ai. Người nhạc sĩ quan niệm: đặt tên đường rồi mà đổi qua đổi về rất không hay...

Đầu thập niên 2000, trước khi rời thế không lâu, Trịnh Công Sơn được mời về Huế nhân dịp khách sạn Sài Gòn Morin kỷ niệm 100 năm ngày thành lập. 

Nhạc sĩ Lê Phùng còn nhớ như in dự lễ thành lập khách sạn xong, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đi bộ băng qua đường Lê Lợi để vào quán Vườn Thiên Đàng ven sông Hương (nay là Trung tâm nghệ -thuật Điềm Phùng Thị - PV), lúc đó những người bạn gồm có người bạn thân là nhà văn - dịch giả Bửu Ý, họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận và ông - nhạc sĩ Lê Phùng... đã ngồi sẵn.

"Anh Trịnh lúc đó không uống được bia, mà kêu bia cho mọi người uống, và chia sẻ một số chuyện, trong đó có chuyện tên đường, mong ước của anh vậy thôi" - ông Phùng kể. 

Về sau, khi khu vực gần cầu Gia Hội giải tỏa nhà cửa lộ ra tuyến đường thơ mộng, tuyệt đẹp, ông Phùng tự nhủ nếu đặt tên Trịnh Công Sơn cho con đường mới ven sông Hương này thì hay biết mấy, và ông có dịp đề xuất trực tiếp với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế...

“Có lần tại sân thượng một khách sạn ở Huế, tôi tình cờ gặp một số anh lãnh đạo tỉnh và đưa ngay gợi ý: “Phải chi con đường mới mở bên Gia Hội được đặt tên Trịnh Công Sơn”. Sau đó rất mừng là anh em bên TP Huế lập phương án đặt tên Trịnh Công Sơn cho tuyến đường mới mở kia, trình ra HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế, và HĐND tỉnh cũng thống nhất thông qua việc đặt tên” - nhạc sĩ Lê Phùng.

Tại Huế, việc đặt tên (và niên hiệu) vua chúa cho các tuyến đường kể từ thời còn vương triều Nguyễn cho đến sau này có nhiều biến động không phải ai cũng tường minh...

Kỳ tới: Đường vua chúa trên xứ cố đô

Chuyện chưa kể những tên đường nước Việt - Kỳ 2:  Thiên Lôi, cổ đạo xa xưa nhất Hải Phòng Chuyện chưa kể những tên đường nước Việt - Kỳ 2: Thiên Lôi, cổ đạo xa xưa nhất Hải Phòng

TTO - Phố Thiên Lôi ở quận Lê Chân là một trong những cổ đạo được đặt tên sớm nhất Hải Phòng. Con đường dài hơn bốn cây số từng là bãi hoang, bụi rậm và dân nghiện ngập tới chích choác nay đã khang trang, đất sốt từng ngày.

THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên