08/12/2015 13:30 GMT+7

Chuyến bay đặc biệt của chủ tịch Arafat

VÕ VĂN THÀNH - QUỲNH TRUNG
VÕ VĂN THÀNH - QUỲNH TRUNG

TT - Là một người con của Palestine, đại sứ Saadi Salama giữ trong tim mình vị trí đặc biệt dành cho cố chủ tịch Yasser Arafat.

Gia đình Saadi Salama chụp ảnh cùng chủ tịch Palestine Yasser Arafat - Ảnh tư liệu
Gia đình Saadi Salama chụp ảnh cùng chủ tịch Palestine Yasser Arafat - Ảnh tư liệu

Trong cuộc đời hoạt động ngoại giao của mình, đại sứ vinh dự nhiều lần được gặp cố chủ tịch Yasser Arafat. 

Trong đó lần đầu tiên là một kỷ niệm đặc biệt khi cuộc gặp diễn ra không phải trên đất mẹ Palestine hay một nơi nào khác, mà chính là ở Việt Nam.

“Ai muốn bắn thì cứ để họ bắn”

Năm 1981, chủ tịch Yasser Arafat thăm chính thức Việt Nam. Lúc này chàng thanh niên Saadi Salama đang theo học tại Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Nhân chuyến thăm, chủ tịch Yasser Arafat sẽ có bài diễn văn quan trọng bằng tiếng Ả Rập, trong bài diễn văn đó chủ tịch Arafat muốn phát âm tên riêng của các nhà lãnh đạo Việt Nam theo đúng cách gọi của người Việt Nam, nhưng chưa có ai đủ thông thạo tiếng Việt để hướng dẫn ông.

Chủ tịch Arafat liền nói to: “Ở đây có ai biết tiếng Việt để hướng dẫn tôi cách phát âm được không?”. Mọi người nhìn quanh và thấy trong số những người Palestine đang có mặt thì Saadi Salama là người có khả năng đáp ứng yêu cầu của chủ tịch Arafat tốt nhất.

Không những giúp chủ tịch Yasser Arafat cách phát âm tên riêng tiếng Việt, Saadi Salama còn vinh dự được làm phiên dịch trong các cuộc tiếp xúc giữa nhà lãnh đạo Palestine với các nhà lãnh đạo Việt Nam như Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Hữu Thọ...

Nhưng chuyến thăm của chủ tịch Yasser Arafat đến Việt Nam vào năm 1989 mới là một kỷ niệm không thể nào quên của đại sứ Saadi Salama.

Tháng 6-1989, Saadi Salama đang công tác ở Lào được điều động sang Việt Nam để giúp phiên dịch cho chủ tịch Arafat trong chuyến thăm Việt Nam.

Theo kế hoạch, chủ tịch Arafat sẽ từ Bình Nhưỡng (Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên) tiếp tục hành trình đi Bắc Kinh và Hà Nội. Nhưng lúc này xảy ra “sự kiện Thiên An Môn” nên chuyến thăm Trung Quốc bị hủy.

Chủ tịch Yasser Arafat muốn bay thẳng từ Bình Nhưỡng đến Hà Nội (phải bay qua Trung Quốc), tuy nhiên máy bay chở ông lúc này không được phép bay qua không phận Trung Quốc.

Trong khi đó, ở Hà Nội, do không kịp cập nhật thông tin nên Đại tướng Võ Nguyên Giáp đại diện cho Chính phủ Việt Nam và Saadi Salama vẫn ra sân bay vào buổi trưa để đón chuyến bay của chủ tịch Yasser Arafat.

Chờ mãi đến khoảng 4g chiều, phái đoàn đi đón mới nhận được một điện tín từ Pháp báo tin hôm nay chuyến bay của chủ tịch Arafat sẽ không đến được Việt Nam.

Cũng trong thời gian này, Saadi Salama nhận được một cuộc điện thoại từ Tunisia (Tổ chức giải phóng Palestine, trong giai đoạn hoạt động lưu vong những năm 1980, đặt trụ sở tại Tunisia).

Đầu dây bên kia hỏi: “Có chuyện gì đã xảy ra? Chúng tôi được tin đài phát thanh nước ngoài nói rằng máy bay của Arafat bị mất tích trên bầu trời của Trung Quốc. Tin này có đúng không?”. Saadi Salama trả lời rằng thông tin đó không đúng, ngày mai chủ tịch Yasser Arafat sẽ đến Việt Nam.

Cuối cùng, chuyến bay chở chủ tịch Yasser Arafat cũng đến Việt Nam vào ngày hôm sau và lễ đón chính thức diễn ra trọng thể tại quảng trường Chí Linh (phía trước trụ sở Ngân hàng Nhà nước).

Sau này, Saadi Salama nghe kể lại rằng chủ tịch Yasser Arafat đã ra lệnh máy bay cứ bay và báo cho mặt đất biết “đó là chuyến bay của Arafat, nếu ai muốn bắn thì cứ để họ bắn”.

Ông Saadi Salama phiên dịch cho chủ tịch Yasser Arafat trong cuộc gặp tổng bí thư Đỗ Mười và đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ảnh tư liệu
Ông Saadi Salama phiên dịch cho chủ tịch Yasser Arafat trong cuộc gặp tổng bí thư Đỗ Mười và đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ảnh tư liệu

Hãy giữ gìn Hà Nội

Sau lễ đón, chủ tịch Arafat đã tham dự tiệc chiêu đãi thân mật với các nhà lãnh đạo Việt Nam. Các vị lãnh đạo chủ nhà vui vẻ kể cho chủ tịch Arafat nghe về những chính sách lớn của Việt Nam, trong đó có chính sách kế hoạch hóa gia đình.

Chủ tịch Arafat chăm chú lắng nghe, rồi nói rằng về phía dân tộc Palestine đang cần các gia đình có nhiều con, “dân tộc chúng tôi có số người tốt nghiệp đại học cao nhất khu vực, có thể nói chuyện với các dân tộc khác bằng chính ngôn ngữ của họ. Ví dụ như anh Saadi Salama đây”.

Nói rồi chủ tịch Arafat quay về phía Saadi Salama, rồi vui vẻ nhận xét thêm: “Kế hoạch hóa gia đình là một chính sách rất đúng đắn với Việt Nam. Nhưng Saadi Salama này, anh đã là con rể của Việt Nam, sống ở Việt Nam, tôi muốn anh tuân thủ mọi chính sách pháp luật của Việt Nam trừ... chính sách này nhé. Bởi dân tộc Palestine cần nhiều người hơn nữa cho cuộc đấu tranh của mình...”.

Sự hài hước của chủ tịch Arafat làm tất cả lãnh đạo Việt Nam có mặt trong bữa tiệc đều bật cười...

Kể từ khi rời Việt Nam vào năm 1984 (tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội), đại sứ Saadi Salama đã hoạt động trong ngành ngoại giao ở nhiều nước khác nhau như Lào, Ghana, Togo, Guinea xích đạo, Yemen...

Tuy nhiên như chính đại sứ nói, mỗi khi rời Việt Nam ông luôn tin tưởng rằng mình sẽ quay lại, cả vì mối quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam với Palestine cũng như duyên phận của ông với đất nước hình chữ S.

“Được bổ nhiệm làm đại sứ Palestine ở Việt Nam là niềm vinh dự lớn đối với tôi. Palestine có quy định mỗi nhiệm kỳ đại sứ không quá bốn năm, nhưng nhiệm kỳ của tôi bắt đầu từ năm 2009 đến nay đã quá thời hạn và lãnh đạo cho phép tôi tiếp tục làm việc tại Việt Nam” - đại sứ Saadi Salama nói.

Từ chỗ không quen, thậm chí là khó chịu với mùi vị của một số món ăn Việt Nam như mùi nước mắm, mùi cá kho, đại sứ Saadi Salama đã trở thành một người nghiện ẩm thực Việt Nam, nhất là món phở và các món bún.

Ông kể vanh vách với chúng tôi mùi vị đặc trưng của hàng loạt món bún như bún chả Hà Nội, bún riêu cua, bún ốc, bún bò Huế, bún thang...

“Khi tôi mới đến Việt Nam, đi đâu cũng đọc được hai chữ “cơm phở”, lúc ấy tôi đã nghĩ rằng cơm phở là một tập đoàn lớn ở Việt Nam vì thương hiệu này xuất hiện rất nhiều. Bây giờ thì hai chữ cơm phở tại Hà Nội đã ít đi, thay vào đó là các nhà hàng sang trọng hơn” - đại sứ Saadi chia sẻ và cười.

Như một người Hà Nội đi xa thủ đô nhiều năm, nay trở về tiếc nuối vẻ đẹp bình yên của Hà Nội cũ, đại sứ Saadi trầm ngâm nói: khi ông mới đến Việt Nam vào năm 1980 thì phố cổ Hà Nội chưa bị xây dựng thêm và đông đúc người như hiện nay, lúc bấy giờ đó là những dãy phố có vẻ đẹp riêng không đâu có ở Đông Nam Á.

Bằng tiếng Việt rõ ràng, đại sứ Saadi Salama cho rằng những năm qua mặc dù Hà Nội phát triển nhanh nhưng không còn đẹp như ngày xưa.

“Bây giờ ta có thể đi vào các phố ở Hà Nội, như phố Quang Trung, phố Nguyễn Du để thưởng thức mùi hoa sữa, tuy vẫn còn đấy nhưng không còn cảm giác lãng mạn như trước, vì môi trường đã thay đổi rất nhiều, ồn ào khói bụi xe máy, ôtô...” - đại sứ Saadi nói.

Đại sứ Saadi cũng nhận xét rằng giờ đây muốn đi bộ trên vỉa hè Hà Nội để ngắm phố phường rất khó khăn, vì vỉa hè đã trở thành nơi kinh doanh, nơi gửi xe đạp, xe máy.

Hiện nay đời sống của một bộ phận người dân Hà Nội còn khó khăn, cho nên phải tạo điều kiện cho họ kinh doanh trên vỉa hè, tuy nhiên về lâu dài phải quy hoạch thành phố và xây dựng cho người dân nhận thức rằng phải bảo vệ vẻ đẹp, bảo vệ sự thú vị và quyến rũ của thành phố như bảo vệ chính trái tim mình.

“Bởi vì Hà Nội chính là trái tim của cả nước Việt Nam” - đại sứ Saadi Salama nói.

_________

Kỳ tới: Cùng Saadi ở Palestine

VÕ VĂN THÀNH - QUỲNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên