Tôi kết hôn tháng 10-2019, hai vợ chồng muốn có con luôn nhưng sau tháng đầu chưa "nhạy" thì tháng thứ hai bão tố ập đến khi tôi và nhiều người trong gia đình bị quai bị.
Người đầu tiên trong đại gia đình mắc quai bị là chị dâu tôi, sau đó lây sang anh trai tôi, rồi mẹ tôi, mọi người đều chỉ bị sưng hai bên má trong khoảng 3 ngày, chẳng cần uống thuốc gì cũng tự khỏi.
Cả gia đình tôi vẫn nghĩ quai bị chỉ là bệnh thông thường, không ảnh hưởng gì cả cho đến khi tôi là người cuối cùng trong gia đình bị lây.
Sau khi sưng húp hai bên má, tôi có uống thuốc kháng sinh và giảm đau nhưng bác sĩ dặn quai bị không có thuốc đặc trị, bệnh này do vi rút gây ra hay biến chứng viêm tinh hoàn ở nam giới nên hết sức lưu ý. Tôi thờ ơ, nghĩ rằng trước đó anh tôi cũng chỉ bị sưng má và không hề ảnh hưởng đến tinh hoàn, nhất là từ bé tôi luôn có sức đề kháng tốt hơn anh tôi.
Sau 4 - 5 ngày giam mình trong phòng kín, hai bên má của tôi bắt đầu xẹp xuống, đang hí hửng vì sắp được ra ngoài thì bỗng tinh hoàn trái của tôi nhói đau, tôi bắt đầu thấy hơi lo. Đến đêm, tôi sốt tới 40 độ, tinh hoàn trái sưng to như quả trứng vịt, đau dữ dội.
Vợ tôi chỉ biết cho tôi uống thuốc giảm đau. Gọi điện bác sĩ tư vấn rằng biến chứng quai bị ít khi xảy ra, nhưng đã xảy ra thì rất nguy hiểm với nam giới, tỉ lệ tinh hoàn chuyển sang thể thủy tinh rồi teo đi, không còn sản sinh ra tinh trùng rất cao.
Tôi bắt đầu lo sợ và hy vọng vào một bên tinh hoàn còn lại sẽ an toàn.
Sau 2 hôm, tinh hoàn trái giảm sưng, thì bên tinh hoàn phải lại nhói đau như lần trước, tôi bắt đầu chỉ biết cầu nguyện. Rồi lại đêm, tinh hoàn phải sưng còn to hơn lần trước, tôi sốt dữ dội tới 41 độ. Vợ tôi cho uống giảm đau, hạ sốt và chườm lạnh cho thân nhiệt giảm.
Khi tạm hết sưng, tôi đến gặp bác sĩ ở Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Tôi lê từng bước một ở cầu thang vì quá đau. Bác sĩ cho tôi lấy mẫu tinh dịch đồ và kết quả chỉ còn khoảng 1 triệu tinh trùng dị tật trong mẫu đó.
Bác sĩ bảo tôi rằng sao cậu không tiêm phòng quai bị từ trước, mũi tiêm phòng này rất rẻ và phổ biến, chứ đã biến chứng thì chỉ còn trông cậy vào phép màu.
Lúc đó nước mắt tôi đã rơi, tôi từng nghe qua về biến chứng của quai bị, nhưng do chủ quan, nghĩ rằng quai bị chỉ mắc ở trẻ em chứ người trưởng thành không bị. Hoặc có bị thì tôi cũng chưa thấy ai bị biến chứng bao giờ.
Giá như, nếu như, ước gì... là những cụm từ tôi lẩm bẩm chan vào nước mắt trong suốt mấy tháng sau đó.
Nhưng dường như có một phép màu đã đến với tôi. Bác sĩ đã kê cho tôi một lịch trình sinh hoạt, ăn uống điều độ trong gần một năm sau đó. Chất lượng tinh trùng của tôi tăng lên đáng kể, đủ điều kiện thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) chứ không đến nỗi mất đi khả năng làm cha vĩnh viễn.
Hạnh phúc ngập tràn khi vợ tôi mang bầu rồi mẹ tròn con vuông. Chi phí để em bé ra đời khá lớn. Nếu tôi tiêm phòng quai bị từ trước thì chỉ mất khoảng mấy trăm ngàn và không bị rơi vào thời kỳ khủng khoảng, lo âu rằng mình sẽ không có cơ hội làm cha nữa.
Hiểu được vai trò của tiêm chủng, vợ chồng tôi đã mua trọn gói các mũi tiêm chủng hơn 30 triệu đồng cho con, cho dù chỉ có mình tôi đi làm, vợ chồng đang đi thuê trọ. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, chỉ mong sao con khỏe mạnh nhờ "tấm khiên" vắc xin tiêm chủng.
Tiêm ngừa - Chuyện chưa kể
Báo Tuổi Trẻ với sự đồng hành của Hệ thống tiêm chủng VNVC đang tổ chức cuộc thi viết "Tiêm ngừa - Chuyện chưa kể". Đây là cơ hội để mọi người chia sẻ câu chuyện của mình, truyền cảm hứng và nâng cao ý thức về tầm quan trọng của tiêm chủng trong bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Ban tổ chức cho biết cuộc thi mở cho tất cả mọi người từ 16 tuổi trở lên, không giới hạn quốc tịch hay nghề nghiệp. Cán bộ, nhân viên báo Tuổi Trẻ và Công ty cổ phần Vacxin Việt Nam (VNVC) được phép viết bài để hưởng ứng cuộc thi nhưng không được chấm giải.
Về dung lượng, tác phẩm dự thi là bài viết ngắn bằng tiếng Việt, tối đa 800 từ, khuyến khích tác phẩm có hình ảnh, chùm ảnh hoặc video clip minh họa.
Nội dung là một câu chuyện liên quan đến chủ đề "tiêm chủng" và tầm quan trọng của tiêm chủng trong việc duy trì, nâng cao sức khỏe cộng đồng, như kỷ niệm đẹp về tiêm chủng của bạn hoặc người thân;
Kỷ niệm về việc bạn đã cân nhắc lý do và đưa ra quyết định tiêm chủng; Cảm nhận và trải nghiệm cá nhân trong, sau khi tiêm chủng hoặc những ảnh hưởng của tiêm chủng đối với cuộc sống cá nhân và cộng đồng xung quanh.
Người tham gia có hai cách để nộp bài viết dự thi: Gửi email đến địa chỉ tiemngua@tuoitre.com.vn. Trong email, cần cung cấp thông tin cá nhân đầy đủ: tên, tuổi, quốc gia, địa chỉ email, số tài khoản và số điện thoại liên lạc; Hoặc vào chuyên trang của cuộc thi ở địa chỉ tuoitre.vn, sau đó điền thông tin và tải file chứa bài dự thi theo yêu cầu.
Những tác phẩm dự thi tốt sẽ được ban tổ chức chọn lựa, đăng tải trên các ấn phẩm của Tuổi Trẻ (bài được chọn đăng không đồng nghĩa là bài sẽ đoạt giải). Thời gian nhận bài viết: Ngày 10-6 đến 30-7-2023, bất kỳ tác phẩm nào gửi sau thời hạn này 30-7-2023 sẽ không được xem xét.
Các tác phẩm dự thi sẽ được đánh giá bởi ban giám khảo gồm các chuyên gia y tế, nhà báo, nhân vật có tầm ảnh hưởng xã hội.
Giải thưởng gồm 2 giải đặc biệt trị giá 30 triệu đồng/giải; 10 giải nhất trị giá 10 triệu đồng/giải; 15 giải nhì (5 triệu đồng/giải); 20 giải ba và 100 giải khuyến khích.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận