24/04/2019 12:14 GMT+7

Chương trình học không dành chỗ cho học trò đọc sách

PGS.TS HOÀNG THỊ TUYẾT (giám đốc Trung tâm phát triển văn hóa đọc và kỹ năng sống Hướng Dương Việt)
PGS.TS HOÀNG THỊ TUYẾT (giám đốc Trung tâm phát triển văn hóa đọc và kỹ năng sống Hướng Dương Việt)

TTO - Có thể nói nhà trường với chương trình thực hiện mô hình gắn sự đọc với sự học là nhân tố quyết định trong quá trình phát triển cho học sinh thói quen đọc - người đọc độc lập - người tự chủ, tự học.

Chương trình học không dành chỗ cho học trò đọc sách - Ảnh 1.

Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) đọc sách tại thư viện trường trong giờ ra chơi - Ảnh: NHƯ HÙNG

Thói quen đọc của trẻ, cũng như bất cứ thói quen tinh thần khác của con người luôn được vận hành theo cơ chế vòng lặp từ sự gợi ý đến hành động thực hiện và đến việc nhận khen thưởng, khích lệ. 

Vòng lặp này được lặp lại liên tục với một nhịp độ nhất định, nó sẽ dần dần trở thành thói quen. Khi thành thói quen thì khó thể phá vỡ được. Và như thế, những thói quen tốt tạo thành tính cách tốt và số phận tốt cho các em.

Vai trò quyết định của nhà trường

Trở lại thực tế, hiện có ít nhất 5 tác nhân quan trọng được cho là làm trẻ lánh xa sách: thiết bị công nghệ, không sẵn có nguồn sách đọc hay, gia đình không quan tâm đọc sách, chương trình học thường xuyên trong nhà trường không có thời gian đọc sách và việc học để đạt kết quả trong suốt học kỳ, vào cuối năm, cuối khóa, hay khi thi lấy bằng cấp... chỉ cần đọc SGK, không đòi hỏi đọc sách tham khảo.

Trong 5 tác nhân này, có thể thấy yếu tố thuộc "con người" là cha mẹ trong gia đình và thầy cô giáo, nhà giáo dục trong nhà trường có thể hướng dẫn, giúp trẻ tránh tác động tiêu cực của thiết bị công nghệ, có thể cung cấp nguồn sách phong phú cho trẻ đọc. 

Đặc biệt, những nhà giáo dục hoàn toàn có thể tạo nên một chương trình học ở đó luôn cho trẻ cơ hội gắn sự học với sự đọc, mỗi ngày qua những giờ học được đọc sách, làm việc với nguồn sách đọc mở rộng phong phú, giá trị.

Hiện tại các chương trình giáo dục với mô hình và cách tổ chức dạy học tập trung giúp học sinh đọc để học tập và phát triển; học tập và phát triển từ đọc sách và thông qua đọc sách đã có (như ở Trường mầm non Thành Thành Công (TTC Schools), Trường trung học Đinh Thiện Lý, Trường song ngữ Horizon, Q.2...). 

Từ đây, năng lực "literacy" - năng lực làm chủ ngôn ngữ để hiểu, diễn giải, ra quyết định, giao tiếp, giải quyết vấn đề, tham gia xã hội... - cùng với thói quen đọc sách của trẻ em được hình thành trong chân dung của những người đọc độc lập, người tự chủ và tự học.

Vai trò quyết định của nhân tố nhà trường càng thể hiện mạnh mẽ trong bối cảnh chúng ta chưa có nhiều thư viện công cộng, nguồn sách còn khiêm tốn, nơi mà hình như gia đình hiếm khi thúc đẩy trẻ đọc sách, nơi mà cộng đồng khu phố, phường quận quanh trẻ chưa thực sự tạo điều kiện sẵn có cho trẻ tiếp cận sách.

Chương trình giáo dục gắn liền việc đọc để học

Việc đọc gắn liền với việc học cho chúng ta thấy hình dáng của một chương trình giáo dục phổ thông (từ mầm non đến THPT) đang thể hiện vai trò độc đáo của nhà trường và thư viện nhà trường. 

Đó là tạo nền tảng cho sự phát triển năng lực "literacy" được thể hiện trong một thói quen đọc hiện hữu thực tế ở từng cá nhân người học. Đây cũng chính là mô hình giáo dục phổ thông đang được thực hiện phổ biến trên thế giới.

Nhu cầu đọc gia tăng trong học sinh, trong quá trình học ở tất cả môn học, trong việc đọc để thưởng ngoạn, giải trí mà nhà trường mỗi ngày cung cấp thời gian và không gian cho các em ắt hẳn sẽ đòi hỏi thư viện nhà trường cải tiến và phát triển để có thể đáp ứng tốt. 

Cụ thể, nguồn sách đọc sẽ phải gia tăng, người làm công tác thư việc ắt phải chuyên nghiệp hơn, năng động hơn, với thu nhập được trả cao xứng với công lao động chuyên môn của mình.

Mặt khác, một chương trình giáo dục phổ thông mang tính khuyến đọc sẽ có hấp lực lôi cuốn cộng đồng phụ huynh, nhà hảo tâm, cơ quan, hội đoàn địa phương, thư viện cùng giúp học sinh gắn sự học với sự đọc sẽ có thể xây dựng phát triển thói quen đọc cho học sinh từ nhỏ.

Phụ huynh sẽ tâm phục khẩu phục

Nếu có một chương trình giáo dục phổ thông cho phép, thậm chí bắt buộc nhà trường có lối tổ chức gắn việc học với việc đọc như trên thì phụ huynh vốn đã có nhận thức về tầm quan trọng, về tác động tích cực của đọc đối với sự phát triển nhân cách của con ắt sẽ hài lòng và tâm phục.

Nếu phụ huynh chưa nhận ra tầm quan trọng của đọc thì chính nhà trường sẽ làm cho họ thấy đọc là quan trọng đối với việc học của con mình, dần dần họ nhận ra tầm quan trọng của đọc. Nhận thức của phụ huynh chuyển biến dưới tác động thực tiễn học hành của con cái chắc hẳn sẽ dễ dàng dẫn dắt họ vào cuộc đồng hành với nhà trường để phát triển môi trường đọc sách, nguồn sách đọc cho con. Từ đó, phụ huynh cùng nhà trường chung tay hỗ trợ và thúc đẩy học sinh đọc để học, và học từ đọc trong suốt chặng đời làm học sinh gần 20 năm.

Ra mắt bộ sách Thực hành tâm lý học đường

sách thực hành

Ảnh: T.T.D.

Công ty CP đầu tư và phát triển giáo dục Phương Nam (SEDIDCO) vừa ra mắt bộ sách Thực hành tâm lý học đường dành cho học sinh tiểu học. Bộ sách do ông Huỳnh Văn Chẩn - tiến sĩ tâm lý học, trưởng khoa côn.g tác xã hội Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - làm chủ biên.

Bộ tài liệu gồm có tám nội dung chính như làm chủ bản thân, lối sống học đường, khó khăn trong học tập, lo lắng, khủng hoảng, biểu hiện rối loạn tâm lý học đường, gây hấn trong học đường và bạo lực học đường. Những nội dung chính này được phát triển thành các chủ đề cụ thể ở các lớp, từ lớp 1 đến lớp 5, giúp trẻ có những cách tiếp cận khác nhau về một vấn đề và có các cách xử lý vấn đề đa dạng.

Theo SEDIDCO, mục tiêu của bộ tài liệu thực hành tâm lý học đường hướng đến việc giúp học sinh có được sự phát triển tâm lý một cách hài hòa, tự nhiên nhất bằng việc đối diện với mỗi tình huống điển hình.

HÀ BÌNH

Xây dựng thói quen đọc từ trong gia đình Xây dựng thói quen đọc từ trong gia đình

TTO - Ngày sách Việt Nam 21-4 đang trở thành dịp để mọi người nhắc nhở nhau về sự đọc, tinh thần tôn trọng tri thức và nỗ lực khuyến đọc để nâng cao dân trí. Phần lớn ý kiến tại diễn đàn này đều đề cao vai trò khuyến đọc từ chính gia đình.

PGS.TS HOÀNG THỊ TUYẾT (giám đốc Trung tâm phát triển văn hóa đọc và kỹ năng sống Hướng Dương Việt)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên