Phóng to |
Cư dân chung cư Ehome 3 (P.An Lạc, Q.Bình Tân, TP.HCM) tổ chức nhóm đi làm công tác xã hội - Ảnh: M.Hoa |
Anh Nguyễn Thành Luân dọn nhà tới chung cư Ehome 3 (P.An Lạc, Q.Bình Tân, TP.HCM) vào một ngày mưa gió. Một người hàng xóm mới đã chạy xe gần 20km lên Q.Tân Bình, xắn tay áo vào khiêng từng chiếc tủ gỗ, giá sách và bàn ghế rồi chở về giúp anh. Đến nơi, còn loay hoay chưa biết làm thế nào dọn đồ vào nhà thì một người hàng xóm khác là thầy giáo vừa đi dạy về cũng chạy vào giúp. Khi vợ anh đi làm về, thấy nhà cửa tinh tươm, đồ đạc xếp gọn gàng đâu ra đấy thì khen chồng nức nở, sau mới biết là nhờ những người hàng xóm tốt bụng.
Ấm tình chung cư
Ngay từ khi chuẩn bị nhận căn hộ, anh Luân đã lập ngay một diễn đàn trên Facebook để các cư dân làm quen và bày tỏ ý kiến của mình. “Đến nay, gần như tất cả hơn 300 hộ dân ở đây đều là thành viên trên diễn đàn. Mọi người đều quen biết nhau. Chỉ cần người dân có ý kiến, một lát sau đã có phản hồi ngay. Vì diễn đàn hoạt động mạnh cũng làm ban quản lý và chủ đầu tư chú ý và sử dụng nó như một kênh phản hồi tích cực. Mỗi khi có ai đó phát ngôn thiếu kiềm chế thì đã có những cư dân khác vào góp ý để họ tự biết điều chỉnh lại” - anh Luân chia sẻ.
Phát hiện mấy con kiến ba khoang trong hốc tường, cư dân chụp hình đưa ngay lên diễn đàn. Chiều hôm đó, ban quản lý cho xịt thuốc, diệt gọn từng con kiến. Đôi khi có những dòng tin nhỏ về một người già vừa mất, những người hàng xóm lại vào chia sẻ cho nhau và cử người về tận quê nhà thăm viếng như người nhà mình. Còn anh Sơn ở lầu 8, khi con trai ra đời cũng chẳng ngờ cậu bé được chào đón như “thế hệ mới của ngôi nhà Ehome 3”. Chị Liên Ngọc Hạnh, vừa dọn về khu A6 của chung cư được hơn một tháng, nhận xét: “Lúc mới mua nhà, ba mẹ tôi cứ lo hai anh em sẽ buồn vì sống chung cư cách biệt. Nhưng giờ thì cứ mở cửa là gặp người quen, hỏi thăm nhau đủ thứ chuyện, thân thiết như anh chị em trong nhà”.
Không giống như Ehome 3 - phần lớn cư dân là những cặp vợ chồng viên chức trẻ, ở chung cư 43 Hồ Văn Huê (P.9, Q.Phú Nhuận) hầu hết lại là những gia đình nhiều thế hệ. Vậy là cứ sáng sáng các cụ ông, cụ bà lại hẹn nhau xuống công viên và hội trường tập thể dục, đánh cờ, hàn huyên đủ thứ chuyện. Buổi chiều, thêm các cháu nhỏ được đưa xuống cho đi dạo, ăn cơm chiều. Cứ thế, những câu chuyện của người già, trẻ con tíu tít kéo gần những người lớn lại với nhau.
“Trong một dãy nhà, ông bà quen thân nhau, các cháu nhỏ cũng chơi với nhau thì đương nhiên ba mẹ các cháu cũng phải biết nhau rồi. Những CLB dưỡng sinh, cờ tướng... không chỉ đơn giản là những CLB người cao tuổi mà trở thành những trung tâm thông tin. Nếu chung cư có vấn đề gì, chỉ cần tìm cách nói chuyện với các cụ là sẽ thấy có thay đổi” - ông Trần Văn Phúc, lô C, thành viên ban quản trị chung cư, nói.
Cũng nhờ mô hình “người già truyền tin” ấy mà cả ba lô chung cư 43 giờ đây tinh tươm và lịch sự, không có cảnh nuôi gà ở gầm cầu thang, không có cảnh vứt rác bừa bãi... như nhiều chung cư bình dân khác.
“Ông thổ địa”
Chiều tối vào ngày cao điểm triều cường, tại ngã tư đường Võ Văn Kiệt giao với Hồ Học Lãm (Q.Bình Tân) có một người đàn ông đứng đợi. Thi thoảng có vài phụ nữ về tới đó, người đàn ông liền “hốt” cả người và xe máy vào ôtô, rồi lái xe phi qua đoạn đường gần 2km đưa về chung cư Ehome 3. Người đàn ông đó là anh Nguyễn Thế Lợi, trưởng ban quản lý chung cư, đang giúp người dân chung cư vượt qua đoạn đường ngập sâu, đầy ổ gà để trở về nhà.
Ở Ehome 3, anh Nguyễn Thế Lợi được các cư dân trìu mến gọi là “ông địa” bởi cái tướng phúc hậu và tính tình vui vẻ. Sau những hình ảnh như “giải cứu” cư dân khỏi đoạn đường ngập lụt khủng khiếp Hồ Học Lãm, trần lưng rải đá lấp ổ gà..., anh nhận được vô số lời khen ngợi và sự hài lòng của cư dân. Ngày nào anh Lợi cũng đích thân đi kiểm tra mấy vòng quanh khu chung cư và lượn mấy vòng trên Facebook để cập nhật tình hình cho bà con. Mọi người khi đi làm, chỉ cần mở mạng là “gặp” hàng xóm, gặp anh Lợi và biết được tình hình ở nhà mình.
Nhận xét về “thổ địa” chung cư mình, anh Luân cười: “Mọi vấn đề cư dân chung cư gặp phải, anh Lợi đều kiên nhẫn lắng nghe từ những chuyện nhỏ nhất. Ngày bão, anh đi kiểm tra từng ô cửa sổ đã đóng chưa, anh cho người chui vào trượt thử trong cầu trượt của trẻ em xem có gì chưa ổn để sửa lại. Cũng nhờ đó mà Ehome 3 tránh được nhiều mâu thuẫn không đáng có...”.
Ngồi ở nhà giữ xe khu C chung cư 43 Hồ Văn Huê, già trẻ đi ngang đều mỉm cười chào ông Trần Văn Phúc. “Người ta gọi tôi là thổ địa ở khu này, bảo có gì cứ gọi cho ông thổ địa ấy”. Mỗi ngày ông nhận hàng chục cuộc gọi. Có người nhờ ông trông nhà giùm để về quê ít bữa, cũng có người có con bị bệnh, gọi hỏi ông cách dùng mấy thứ thuốc dân gian... Ông nói dù hơi mệt nhưng ông lấy đó làm vui vì “chung cư của chúng tôi như ngôi nhà chung ấm áp, bình yên, sau những mệt mỏi bên ngoài ai cũng muốn được trở về...”.
* TS Nguyễn Thị Hậu (phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM): Xu hướng mới trong đời sống đô thị Lối sống đô thị, nhất là ở các chung cư, có nhiều khác biệt với lối sống ở thôn quê. Điều này do các mối quan hệ của đô thị tạo nên: sống cạnh nhà nhau nhưng phổ biến là không phải bà con, không làm việc cùng, không cùng quê quán... Giờ giấc đi lại theo sinh hoạt đô thị, vì vậy mối quan hệ giữa những người “láng giềng” lỏng lẻo, thậm chí một thời gian dài không biết nhau. Tuy nhiên, gần đây nhiều khu vực đô thị mới ở TP.HCM đã bắt đầu có sự dung hòa giữa lối sống đô thị hiện đại và lối sống truyền thống ở thôn quê: quan tâm đến láng giềng, giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau giải quyết những vấn đề đặt ra trong đời sống chung. Đây là sự thay đổi cần thiết và cũng là xu hướng chung của lối sống đô thị văn minh. Lối sống này chỉ được xây dựng và duy trì cùng với sự tôn trọng và thực hiện những quy tắc chung của cộng đồng - những quy tắc đảm bảo sự trật tự, an ninh và lối sống văn hóa của từng gia đình và cả cộng đồng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận