18/03/2014 14:43 GMT+7

Chung cư = Lát cắt sau cách mạng

Paris tháng 3-2014VIỆT LINH
Paris tháng 3-2014VIỆT LINH

TTO - Hội thảo quốc tế với chủ đề Nước Việt nam đương đại: văn học, điện ảnh, ngôn ngữ đang diễn ra tại Viện quốc gia về ngôn ngữ và văn minh phương Đông (INALCO) ở Paris, Pháp từ ngày 17 đến 19-3.

Hội thảo quốc tế về VN đương đại tại Paris

EiaYFdGD.jpgPhóng to
3HjfFmLV.jpg
Poster giới thiệu phim Chung cư của đạo diễn Việt Linh tại Pháp

Tuổi Trẻ giới thiệu với độc giả tham luận mang tên Chung cư = Lát cắt sau cách mạng của nữ đạo diễn Việt Linh tại hội thảo này.

Là học sinh rời thành phố lên rừng tham gia kháng chiến năm 1968, rồi được trở về thành phố trong tư cách người chiến thắng trên những chuyến xe tải quân dụng sau tháng 4-1975, nên tôi đã thích thú khi bắt gặp truyện ngắn Chung cư (tác giả Nguyễn Hồ -1995), có bối cảnh và tâm cảnh quen thuộc để tôi viết kịch bản và dựng thành phim cùng tên năm 1998.

Chuyện phim bắt đầu vào những ngày đầu tháng 5-1975 của thành phố Sài Gòn vừa giải phóng. Như mọi cao ốc đồ sộ khác, khách sạn Victory được Cách mạng tiếp quản, trở thành nhà tập thể cho cán bộ từ chiến khu trở về sinh sống. Chật chội nhưng bình yên, tiện nghi.

Giống như hầu hết những nơi gọi là "nhà vắng chủ" khi đó, chủ nhân khách sạn Victory và gia đình đã trốn ra nước ngoài bỏ lại người nô bộc là lão Thậm 60 tuổi. Lão Thậm được chế độ mới giữ lại làm thường trực, được đối xử thân ái, bình đẳng, được gọi là "đồng chí" theo kiểu xưng hô của cách mạng.

Là người tứ cố vô thân nên đối với lão Thậm đây là cuộc đổi đời thực sự. Ông biết ơn cách mạng, thể hiện sự biết ơn đó bằng cách tận tụy với công việc bảo vệ khu nhà, yêu mến tất thảy mọi người. Chung cư trở thành gia đình lớn của ông, là nơi nương tựa, lòng tin vào cuộc sống, là một cái gì đó tiêu biểu cho sự gắn bó, bền vững...

Khoảng 10 năm trôi qua, kinh tế đất nước thoáng mở, từ những con người quen sống đạm bạc lấy tinh thần làm chính, các cán bộ trong chung cư bắt đầu tiếp cận vật chất sang trọng, đời sống tiện nghi, hiện đại hơn... Cuộc sống trở nên giàu có cũng là lúc sợi dây liên hệ cộng đồng bắt đầu lỏng lẻo, nhiều người có tiền lần lượt rời chung cư ra ngoài ở riêng.

Từ ngơ ngác, hoang mang, lão Thậm lúc này mới đau xót hiểu ra rằng không ai thật sự gắn bó với ngôi nhà chung như lão tưởng, ở là ở vậy nhưng vẫn luôn chờ điều kiện ra đi.

Cùng với sự mở cửa của đất nước, người ta quyết định cải tạo chung cư thành khách sạn du lịch. Những hộ còn đang cư trú sẽ được đền bù một số vàng để dọn đi nơi khác. Mọi người thật sự hoan hỉ bởi đây là cơ hội thoát khỏi nơi sống chung đụng, tù túng, sai công năng.

Chỉ trừ lão Thậm, người đã quen lấy chung cư làm nhà, lấy tập thể làm thân quyến thì hoàn toàn hụt hẫng: Với số vàng đền bù lão có thể tìm được chỗ trú thân khác, nhưng lão không mua được chỗ dựa tinh thần. Vào một buổi sáng tinh mơ lão Thậm đột nhiên biến mất, để lại số vàng đền bù cho một thiếu niên ở chung cư mà ông hết mực tin yêu...

Cái kết của phim không giống kết của truyện ngắn, nơi ông già Thậm chết thui thủi một mình không ai biết, bởi mọi người đang bận mưu sinh.

Vì sao tôi chọn cho ông ta cuộc ra đi thay vì cái chết? Là bởi với tôi ra đi cũng là cái chết tinh thần, có khi còn cay đắng, xót xa hơn. Và cử chỉ để lại toàn bộ số vàng đền bù cho chàng trai mà ông tin cậy cũng là cái nhìn lãng mạn lạc quan về phía trước…

"Chung cư" là một xã hội thu nhỏ, nơi có những cá tính, những số phận, những mảnh đời khác nhau.... Nơi có những ghen tuông oán ghét, có bon chen ích kỉ, có hào hiệp vị tha.... Nơi có cách sống chuẩn mực mang tính lí tưởng như Ba Tuấn, bên cạnh cái thức thời thực dụng của Hơn, tham lam, đạo đức giả như Quýnh. Có tuổi trẻ năng động, dễ thương của Hùng, có nhân cách kiêu hãnh của người trí thức ở lại với cách mạng như bác sĩ Minh Ly...

Trong cái xã hội vừa giản đơn vừa phân hóa đó, ông Thậm chân chất nhân hậu là sợi dây nối tất cả quan hệ với mọi người. Bi kịch của ông là bi kịch của một người quá nặng lòng với quá khứ và gắn mình với những giá trị được ông đinh ninh không bao giờ thay đổi.

Ông thảng thốt trước những biến đổi của thời cuộc, choáng váng khi cái mới ào ạt đến tuyên chiến với cái cũ và đánh bại cái cũ. Ông cố níu giữ nhưng ông đơn độc và yếu ớt. Chỉ riêng điều ấy đã tuyên một bản án thất bại. Sự ra đi của ông đoạn cuối phim chính là niềm cảm thương và chia sẻ của tôi dành cho con người tội nghiệp này, để ông không phải lạc lõng giữa cuộc sống mới mà ông không hòa nhập được.

Sự ra đi của ông cũng là sự trở về với quá khứ tưởng như êm đẹp mà ông mãi mãi thuộc về.

Dù không thể miêu tả hết mọi sinh hoạt, tâm lý, biến động trong 90 phút phim, nhưng có thể nói Chung cư mang hình hài của giai đoạn bao cấp, nơi con người bắt buộc phải sống trong nền kinh tế phân phối, công bằng gượng ép - ví như hàng tháng được phân phối thịt, gạo, đường, bột ngọt, thuốc lá… - trong lúc tâm tư và nhu cầu cuộc sống cá thể luôn chực chờ bung ra với kinh tế thị trường, mà hiển hiện là cảnh nuôi gà, heo trong phòng ở, trồng hoa màu trên sân thượng, sản xuất thực phẩm bán cho nhau…

Bên cạnh mục tiêu gây nhớ một thời kỳ vô cùng đặc biệt của thành phố Sài Gòn, nơi chỉ biết xã hội chủ nghĩa từ sau tháng 4-1975, các nhân vật của Chung cư tiêu biểu phần nào sinh hoạt cộng đồng của người Việt Nam, ở đó tình nghĩa xóm giềng, vợ chồng, cha con..., sự suồng sã, xâm lấn tự do của nhau kiểu mang chén sang nhà hàng xóm xin nước mắm, là tâm hồn Việt, tính cách Việt, tình người Việt đậm chất Đông Phương…

Chung cư, cuối cùng là hoài niệm của chính tôi về một thời kỳ chuyển đổi mà bản thân là nhân chứng. Không thể nói Chung cư là sự nuối tiếc, tô hồng quá khứ, dù trong nhiều mặt nó rất đẹp. Cuộc sống phải thay đổi, kinh tế thị trường là phát triển tất yếu.

Chung cư chỉ như chứng từ về một thời đáng nhớ, chứ không phải sự nấn níu một quá khứ xưa cũ. Chung cư, chính tính nhập nhằng trong tâm lý chủ quan của những người làm ra nó - lưu luyến chân thành nhưng vẫn phải quay lưng - đã khiến bộ phim, bên cạnh tính tư liệu, vẫn còn gây rung cảm cho đến tận những ngày này...

Bộ phim Chung cư và một phim khác của nữ đạo diễn Việt Linh - Mê thảo, thời vang bóng hiện đang được trình chiếu tại Liên hoan điện ảnh quốc tế Créteil lần thứ 36 tại Pháp, diễn ra từ 14 đến 23-3. Liên hoan phim còn trình chiếu các phim của đạo diễn Síu Phạm, Trần Phương Thảo, Trương Quế Chi…

Paris tháng 3-2014VIỆT LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên