20/07/2013 02:17 GMT+7

Chức trách, năng lực và phẩm hạnh

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Câu hỏi của đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh “tại sao những người dân hay cơ quan báo chí không được đào tạo về điều tra nhưng họ là những người đã phát hiện rất nhiều vụ tham nhũng lớn?” không được trả lời.

Nhưng dường như bà Khánh không nhất thiết chờ đợi và kỳ vọng vào câu trả lời khi nói với phóng viên Tuổi Trẻ ngay sau phiên điều trần ngày 18-7 của Ủy ban Tư pháp rằng “mục đích tôi hỏi là để nhắc nhở họ thực hiện đúng chức trách và nêu cao phẩm hạnh trong ngành của mình”.

Có lẽ cả tổng Thanh tra Chính phủ và tổng Kiểm toán Nhà nước đều đúng khi hai ông nêu một trong những lý do khiến hàng vạn cuộc thanh tra, kiểm toán đã được thực hiện nhưng phát hiện rất ít tham nhũng vì đội ngũ cán bộ của mình không được đào tạo nghiệp vụ điều tra; cơ quan thanh tra, kiểm toán không có quyền xét hỏi, tìm bằng chứng như cơ quan điều tra. Nhưng “lý giải như vậy thì đơn giản quá”, theo bà Khánh. Bà bình luận nếu thanh tra, kiểm toán cũng đòi được điều tra như công an mới phát hiện tham nhũng thì cần gì phải có Bộ Công an và sự phân định chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan công quyền trong bộ máy nhà nước để làm gì.

Pháp luật đã trao cho hai ngành thanh tra, kiểm toán chức năng và quyền năng rất lớn trong việc kiểm soát sự tuân thủ pháp luật của bộ máy công quyền, các tổ chức và doanh nghiệp nhà nước. Không có quyền điều tra, truy xét, bắt bớ, nhưng hai cơ quan này có quyền yêu cầu đối tượng được thanh tra, kiểm toán phải giải trình, phải thực hiện đúng quy định của pháp luật và khi phát hiện sai phạm thì có quyền kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý trách nhiệm, chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra... Không đủ năng lực và chức trách để kết luận, truy tố tội tham nhũng, nhưng cơ quan thanh tra, kiểm toán hoàn toàn có thể phát hiện và kết luận các dấu hiệu tham nhũng để chuyển cơ quan điều tra đấu tranh làm rõ. “Kinh nghiệm thế giới cho thấy trong việc phát hiện các tội phạm kinh tế và tham nhũng thì nguồn cực kỳ quan trọng là qua công tác thanh tra và kiểm toán” - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện khẳng định.

Có thể khi công bố một bản kết luận thanh tra, kết luận kiểm toán, hai cơ quan này đã hoàn thành chức năng, nhiệm vụ của mình khi dừng lại ở việc nêu ra các sai phạm và kiến nghị xử lý hành chính. Nhưng nghĩa vụ và phẩm hạnh luôn đòi hỏi cao hơn đối với mỗi công bộc, đặc biệt trước tình trạng tham nhũng đang hiện hữu ở nhiều lĩnh vực như hiện nay. Nếu không ý thức về nghĩa vụ và phẩm hạnh của mình, chắc là người dân và báo chí sẽ không lao vào cuộc chiến chống tham nhũng vốn gian nan, khó nhọc và đầy hiểm nguy.

“Nhiều ý kiến của các vị phát biểu hôm nay tôi rất thấm thía, trước hết là cơ chế quản lý đoàn thanh tra, đoàn kiểm toán, các điều tra viên... Ý nói cán bộ làm công tác này phải làm gương, phải giỏi nghiệp vụ, đặc biệt phải trong sáng, công tâm. Chúng ta hay nói câu không được để nén bạc đâm toạc tờ giấy, phải công minh, khách quan, rõ ràng... Phải đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ không đảm bảo phẩm chất, năng lực, đặc biệt không được để tình trạng bao che, không được chạy án, chạy kết luận” - Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói. Theo ông Phúc, nếu hàng trăm ngàn cán bộ, công chức từ trên xuống dưới đang làm việc trong các ngành thanh tra, kiểm toán, kế hoạch - đầu tư, tài chính “gương mẫu, có phẩm chất đạo đức, trình độ thì chắc chắn góp phần phòng chống tham nhũng rất hiệu quả”!

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên