18/06/2024 13:07 GMT+7

Chủ tịch Tổng liên đoàn: Tài chính công đoàn được kiểm toán 2 năm/lần, báo cáo Quốc hội

Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho hay tài chính công đoàn được Kiểm toán Nhà nước định kỳ kiểm toán 2 năm/lần và báo cáo Quốc hội.

Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang - Ảnh: GIA HÂN

Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang - Ảnh: GIA HÂN

Sáng 18-6, Quốc hội thảo luận về dự Luật Công đoàn (sửa đổi). Tại phiên thảo luận, nội dung liên quan đến vấn đề kinh phí công đoàn, quản lý tài chính, tài sản công đoàn đã nhận được nhiều ý kiến của các đại biểu.

Chịu sự giám sát, thanh tra, kiểm toán

Phát biểu giải trình, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho hay đã có báo cáo riêng về nội dung kinh phí công đoàn.

Về kinh phí công đoàn, ông Khang nói đa số đại biểu đồng tình việc tiếp tục duy trì 2% kinh phí công đoàn để có nguồn lực chăm lo cho đoàn viên, người lao động trực tiếp tại cơ sở.

Về quản lý tài chính, theo ông Khang, sau khi Luật Công đoàn hiện hành 2012 ban hành, Chính phủ đã có nghị định 91 quy định rất cụ thể về tài chính công đoàn, danh mục, các khoản chi của tài chính công đoàn.

Công đoàn đã thực hiện đúng các quy định về dự toán, chế độ dự toán giống các quy định với các cơ quan trung ương khác. Như khoán chi phí hành chính... thực hiện theo đúng quy định hiện hành của Luật Ngân sách, các luật khác.

Về công khai tài chính, ông Khang nêu rõ thực hiện theo đúng quy định hiện hành. Trong đó, các cấp công khai với Ban Chấp hành, phiên họp Ban Chấp hành của 6 tháng đầu năm sau của năm liền kề.

"Tài chính công đoàn được Kiểm toán Nhà nước định kỳ kiểm toán 2 năm/lần trên cơ sở kế hoạch kiểm toán được Quốc hội thông qua.

Kết quả kiểm toán được báo cáo Quốc hội, tổng hợp chung vào báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.

Ngoài ra, chúng tôi chịu sự thanh tra, giám sát của các cơ quan khác như Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Tài chính..., chịu sự giám sát của các cơ quan có liên quan. Việc luật hóa để quy định cho rõ công khai tài chính công đoàn", ông Khang nói thêm.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Ảnh: GIA HÂN

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Ảnh: GIA HÂN

Cán bộ công đoàn hưởng lương từ doanh nghiệp có dám bảo vệ người lao động?

Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) đề nghị cần quy định rõ hơn về trách nhiệm và quyền hạn của công đoàn cơ sở.

Bởi, theo ông Thường, công đoàn cơ sở có một vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong hoạt động hệ thống công đoàn, là nơi trực tiếp triển khai, cụ thể hóa các nghị quyết, chiến lược.

Đánh giá quy định về quyền, trách nhiệm của công đoàn là tương đối đầy đủ, nhưng ông Thường nhấn mạnh điều quan trọng hơn là cần cho công đoàn cơ chế thực thi được các quyền và trách nhiệm đó.

"Thực tế hiện nay công đoàn cơ sở được ví như một cậu bé tí hon nhưng đang khoác trên mình chiếc áo quá lớn. Cán bộ công đoàn cơ sở đều hưởng lương từ doanh nghiệp, luôn chịu sức ép từ người sử dụng lao động.

Điều này rất khó tạo ra sự bình đẳng. Vì vậy cần thiết cụ thể cơ chế này bằng pháp luật để công đoàn độc lập hơn với người sử dụng lao động", ông Thường nêu quan điểm.

Ông cũng lưu ý cần tạo sự độc lập về tổ chức, chủ động về tài chính và chính sách bảo vệ cán bộ công đoàn.

Nam đại biểu đề xuất cho phép sử dụng lao động hợp đồng làm cán bộ chuyên trách công đoàn cơ sở; quy định doanh nghiệp từ 1.000 lao động trở lên có ít nhất 1 cán bộ công đoàn chuyên trách.

Cùng với đó xây dựng thang lương, bảng lương phù hợp để khuyến khích, thu hút, tạo động lực cho cán bộ công đoàn toàn tâm, toàn ý thực hiện nhiệm vụ từ nguồn tài chính của công đoàn cấp trên.

Còn đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) cho rằng vấn đề đặt ra là cán bộ công đoàn ở trong công ty, doanh nghiệp (hưởng lương từ chủ sử dụng lao động) đó có thực sự dám lên tiếng bảo vệ người lao động khi quyền lợi của người lao động bị xâm phạm hay không?

"Thực tiễn thời gian qua, chúng ta đã thống kê được có bao nhiêu vụ việc khiếu kiện, khiếu nại liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động tại các công ty, doanh nghiệp mà tổ chức công đoàn tại đây đã đứng ra đại diện bảo vệ được cho người lao động hay chưa?

Hiệu quả như thế nào?", ông Thông nêu.

Do đó, ông đề nghị tiền lương, tiền thưởng và các khoản phụ cấp khác đối với cán bộ công đoàn chuyên trách ở các công ty, doanh nghiệp nên lấy từ kinh phí của công đoàn cấp trên để chi trả.

Việc này để cán bộ công đoàn toàn tâm, toàn ý thực hiện nhiệm vụ của mình là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động tại công ty, doanh nghiệp đó.

Tổng liên đoàn giải trình băn khoăn của đại biểu về kinh phí công đoàn 2%Tổng liên đoàn giải trình băn khoăn của đại biểu về kinh phí công đoàn 2%

Theo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, với mức tiền lương bình quân làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội hiện của người lao động khoảng 5,7 triệu đồng/tháng, trong 1 năm doanh nghiệp phải đóng kinh phí công đoàn khoảng 1,4 triệu đồng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên