07/06/2024 09:03 GMT+7

Phí công đoàn không thay đổi, vẫn là 2%

HÀ QUÂN
và 1 tác giả khác

Tại hội thảo mới đây, ông Lê Đình Quảng, phó trưởng Ban Chính sách pháp luật Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết Luật Công đoàn sửa đổi sẽ có nhiều thay đổi lớn.

Lao động sản xuất trong phòng sạch tại nhà máy linh kiện điện thoại ở Bắc Ninh  - Ảnh: HÀ QUÂN

Lao động sản xuất trong phòng sạch tại nhà máy linh kiện điện thoại ở Bắc Ninh - Ảnh: HÀ QUÂN

Cụ thể như đưa ra quy định miễn, giảm kinh phí hoạt động công đoàn khi doanh nghiệp khó khăn phải tạm dừng sản xuất kinh doanh được mong đợi sẽ giảm gánh nặng cho doanh nghiệp.

Chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp

Tuy nhiên trao đổi thêm với Tuổi Trẻ về vấn đề trên, ông Ngọ Duy Hiểu - phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam - cho biết cơ quan này đã tiếp thu các ý kiến, lý giải, lập luận song vẫn tiếp tục đề xuất giữ mức thu kinh phí công đoàn 2% như luật hiện hành.

Bởi theo ông Hiểu, quy định đóng kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động được thực hiện liên tục từ năm 1957 đến nay. Điều này giúp tổ chức công đoàn thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.

Giải thích thêm, ông Hiểu nói nếu giảm phí công đoàn đồng nghĩa làm suy giảm phúc lợi của người lao động. Chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm của người lao động, gây khó khăn cho nhiệm vụ thu hút, tập hợp người lao động tham gia Công đoàn theo các chủ trương của Đảng.

Về kinh phí công đoàn 2%, đây là đóng góp của người sử dụng lao động, đảm bảo nguồn lực duy trì hoạt động công đoàn.

Doanh nghiệp mong miễn giảm kinh phí công đoàn

Trong khi đó, lãnh đạo một doanh nghiệp cung ứng nhân lực với hàng nghìn nhân sự cho hay các doanh nghiệp đều khó khăn khi đảm bảo chi phí vận hành, trong đó có kinh phí công đoàn. Vừa qua Nhà nước có chính sách hỗ trợ tốt, ví dụ giảm thuế giá trị gia tăng 2%, giúp "sức khỏe doanh nghiệp" tốt hơn.

Về lâu dài, doanh nghiệp mong được giảm trách nhiệm đóng kinh phí công đoàn từ 2% xuống 1,5% hoặc tối đa 1%. Trường hợp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh thì có thể miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn để doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Thế nhưng, ông Ngọ Duy Hiểu phân tích theo thông lệ quốc tế, tài chính công đoàn phải độc lập, không phụ thuộc vào ngân sách nhà nước. Mức thu 2% đã được cân nhắc, tính toán ở nhiều quốc gia. Trong bối cảnh người lao động mất, giãn, hoãn việc hàng loạt, các cấp công đoàn Việt Nam đã chi hàng chục nghìn tỉ đồng để hỗ trợ người lao động.

"Nguồn thu kinh phí công đoàn cần được tăng cường hơn để hỗ trợ người lao động khi gặp khó khăn như thiên tai, dịch bệnh, thiếu đơn hàng..." - ông Hiểu bày tỏ và nói thêm, trong bối cảnh một bộ phận doanh nghiệp đang khó khăn, "chúng tôi đã bổ sung trong dự thảo luật về việc miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn. Mặt khác, theo quy luật phát triển, chúng ta có quyền tin tưởng rằng khó khăn của các doanh nghiệp chỉ là tạm thời".

Đại biểu Quốc hội NGUYỄN THỊ VIỆT NGA (Hải Dương):

Cần thiết nhưng cũng cần đánh giá kỹ

Dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi đã đề xuất quy định trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến không có khả năng đóng kinh phí công đoàn thì được xem xét miễn, giảm hoặc tạm dừng đóng.

Cá nhân tôi đồng ý với đề xuất miễn giảm kinh phí công đoàn 2% với các doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến không có khả năng đóng. Bởi thực tế vừa qua, nhất là đợt đại dịch, nhiều doanh nghiệp đã gặp nhiều khó khăn, phải tạm dừng hoạt động, công nhân không có việc làm.

Vì vậy việc miễn giảm này sẽ giúp hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động trong lúc gặp khó khăn và hoàn toàn cần thiết.

Nhưng có thực tế 2% phí công đoàn này, theo báo cáo của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, 75% được để lại cho công đoàn cơ sở hoạt động còn 25% chuyển lên công đoàn cấp trên.

Nếu miễn giảm cho doanh nghiệp cũng cần phải tính phương án lấy nguồn đâu bù vào để công đoàn cơ sở hoạt động.

Thực tế nếu doanh nghiệp giải thể thì không có gì cần bàn. Nhưng nếu doanh nghiệp chỉ tạm thời dừng hoạt động và sẽ hoạt động trở lại, như vậy sẽ vẫn còn người lao động mà người lao động đã là thành viên tổ công đoàn thì dù ở bất cứ đâu cũng bình đẳng về quyền lợi như nhau.

Vì vậy nếu miễn giảm có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Do đó cần có nghiên cứu, đánh giá kỹ.

Trình Quốc hội 2 phương án phân định sử dụng kinh phí công đoàn 2%Trình Quốc hội 2 phương án phân định sử dụng kinh phí công đoàn 2%

Về việc phân định sử dụng kinh phí công đoàn 2%, dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi đã đề xuất hai phương án.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên