25/03/2023 12:31 GMT+7

Đề nghị nghiên cứu hỗ trợ doanh nghiệp bên cạnh miễn giảm công đoàn phí

Chính phủ vừa có văn bản phản hồi về hồ sơ đề nghị xây dựng Luật công đoàn (sửa đổi), trong đó có nhiều nội dung về tài chính công đoàn, đề nghị nghiên cứu miễn giảm đóng công đoàn phí…

Đề nghị nghiên cứu hỗ trợ doanh nghiệp bên cạnh miễn giảm công đoàn phí - Ảnh 1.

Công đoàn giáo dục tại Hà Nội tặng túi an sinh công đoàn cho giáo viên có hoàn cảnh khó khăn trong dịch COVID-19 từ nguồn công đoàn phí - Ảnh: HÀ QUÂN

Theo văn bản phản hồi của Chính phủ tới Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Luật công đoàn (sửa đổi) là dự án luật chứa các nội dung chính sách mới, lớn, chưa có tiền lệ. Một số nội dung được quan tâm như những nội dung tài chính, tài sản công đoàn, việc tham gia Công đoàn của người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam...

Chính phủ nhận định các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp khi thành lập có thể có thành viên người nước ngoài. Do vậy, dự án luật sửa đổi cần tính toán hệ quả địa vị, tư cách thành viên của những người nước ngoài trong các tổ chức này. 

Cũng tại văn bản phản hồi, Chính phủ đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định về cơ chế hỗ trợ, doanh nghiệp trong trường hợp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh, không có khả năng đóng công đoàn phí.

Đơn cử trong dịch COVID-19, ngoài miễn, giảm công đoàn phí, Công đoàn còn có gói hỗ trợ người lao động bị tử vong, nhiễm, cách ly, phong tỏa, giãn việc, mất việc do COVID-19 hay tặng sổ tiết kiệm công đoàn cho con người lao động bị mồ côi do dịch bệnh.

Tại Hội nghị Ban chấp hành Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam lần thứ 11 (khóa XII) vừa qua, ông Nguyễn Minh Dũng - trưởng Ban tài chính Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam - cho biết các cấp công đoàn tăng chi để chăm lo cho đoàn viên lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19.

Cụ thể, công đoàn cơ sở chi 12.810 tỉ đồng (tương ứng 123% so với dự toán năm 2021). Trong khi đó, công đoàn cấp quận, huyện và tương đương là 3.157 tỉ đồng (111% dự toán năm 2021 và 160% so với năm 2020).

Chính phủ cũng cho rằng công đoàn phí là "khoản thu có tính chất bắt buộc" nên đề nghị cơ quan chuyên môn tiếp tục nghiên cứu, bổ sung nguyên tắc miễn, giảm.

Việc này tránh câu chuyện doanh nghiệp chậm, trốn đóng công đoàn phí cũng được miễn, giảm như doanh nghiệp đóng đầy đủ.

Bên cạnh đó, Công đoàn Việt Nam có trách nhiệm nghiên cứu, đánh giá việc thu, quản lý, sử dụng 2% công đoàn phí hiện nay, nhất là trước cam kết quốc tế như Hiệp định CPTPP, EVFTA.

Ngoài ra, Chính phủ đề nghị Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đánh giá rõ đề xuất phương án phân bổ kinh phí công đoàn theo tỉ lệ 25% và 75%.

Cụ thể, dự thảo đề xuất công đoàn cấp trên được quản lý, phân phối, sử dụng 25% tổng số thu công đoàn phí. Còn 75% còn lại do công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động ở doanh nghiệp sử dụng. Mặt khác, tài chính công đoàn hình thành từ nhiều nguồn nên cần nghiên cứu cơ chế quản lý đặc thù từng loại.

Có nên giảm kinh phí công đoàn?Có nên giảm kinh phí công đoàn?

TTO - Nhiều chuyên gia và hiệp hội ngành hàng cho rằng cần bỏ hoặc giảm từ mức 2% quỹ tiền lương của doanh nghiệp hiện nay xuống 1%. Lãnh đạo Tổng liên đoàn Lao động VN nói gì?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên