21/05/2023 13:34 GMT+7

Chủ động chọn lọc vốn FDI

Vấn đề chọn lọc vốn đầu tư FDI "nóng lên" trong thời gian gần đây khi kết quả điều tra PCI-FDI 2022 do VCCI thực hiện cho thấy tỉ lệ doanh nghiệp FDI có vốn "li ti" từ 1-3 tỉ đồng chiếm tới 22,5%.

Chủ động chọn lọc vốn FDI - Ảnh 1.

Tổ hợp sản xuất sản phẩm điện tử 7 tỉ USD của Tập đoàn LG tại Hải Phòng - Ảnh: NAM TRẦN

Nhận định về tình trạng này, các chuyên gia kinh tế cho rằng không dễ để tách bạch chọn lọc dự án FDI theo tiêu chí về vốn hay công nghệ, mà cần ưu tiên thu hút vốn FDI vào những ngành nghề mà Việt Nam đang cần.

83% doanh nghiệp FDI có vốn đầu tư dưới 100 tỉ đồng

Khảo sát PCI-FDI 2022 được VCCI thực hiện tại 1.282 doanh nghiệp FDI (đến từ 142 quốc gia, vùng lãnh thổ), đang đầu tư ở 51 tỉnh thành trên cả nước cho thấy phần lớn doanh nghiệp FDI hoạt động tại Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, dù là theo tiêu chí về vốn, lao động hay doanh thu.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đậu Anh Tuấn, tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho biết khảo sát PCI-FDI năm 2022 cũng ghi nhận gần 83% doanh nghiệp FDI có số vốn dưới 100 tỉ đồng, 1/4 doanh nghiệp FDI sử dụng dưới 10 lao động và 57,4% có dưới 50 lao động.

Về doanh thu, gần 25% số doanh nghiệp FDI có doanh thu dưới 3 tỉ đồng và 77,8% có doanh thu dưới 100 tỉ đồng trong năm 2022.

Theo ông Đỗ Văn Sử - phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), ba năm gần đây dòng vốn FDI vào Việt Nam có dấu hiệu chững lại, trong các tháng đầu năm thì dòng vốn FDI vào Việt Nam cũng giảm nhẹ.

Bốn tháng đầu năm 2023, Việt Nam thu hút gần 8,88 tỉ USD vốn FDI, bằng 82,1% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó vốn thực hiện khoảng 5,85 tỉ USD, giảm 1,2%.

Và theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, bình quân vốn đầu tư FDI tại Việt Nam thời gian qua khoảng 15 - 16 triệu USD/dự án. Đáng lưu ý số dự án đầu tư vào Việt Nam tăng nhưng tổng vốn đăng ký lại giảm do các dự án đầu tư quy mô lớn giảm.

"Đầu tư FDI như một tấm huy chương hai mặt, có mặt tích cực, mặt chưa được, nhưng cần thừa nhận rằng vốn FDI đã trở thành một phần không thể thiếu của nền kinh tế. Vấn đề làm thế nào để thu hút được dòng vốn FDI mong muốn và đóng góp tích cực cho nền kinh tế.

Làm sao để có những tập đoàn lớn, đầu tư công nghệ cao, đầu tư phát triển chuỗi giá trị, lan tỏa đến khu vực trong nước, đến Việt Nam đầu tư để hai bên cùng thắng", ông Sử nhấn mạnh.

Ưu tiên lĩnh vực Việt Nam cần

Theo ông Nguyễn Văn Toàn - phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, có bột mới gột nên hồ nên dự án FDI có vốn đầu tư lớn bao giờ cũng tốt hơn.

Bên cạnh đó, chiến lược thu hút đầu tư FDI cũng hướng tới hút công nghệ, doanh nghiệp FDI vốn lớn có công nghệ tốt vào thì đạt được cả hai nhưng cũng có những doanh nghiệp FDI, quy mô vốn nhỏ họ vào vẫn có công nghệ tốt.

Một thực tế trong thu hút đầu tư FDI là thời gian qua một số doanh nghiệp FDI lớn vào Việt Nam họ mang theo các doanh nghiệp vệ tinh, doanh nghiệp vệ tinh đa phần là doanh nghiệp bé, thậm chí doanh nghiệp siêu nhỏ cũng có.

"Trong thu hút đầu tư FDI, ngoài thu hút về vốn còn thu hút về công nghệ, thí dụ doanh nghiệp FDI vốn nhỏ nhưng họ vào Việt Nam để đầu tư dự án công nghệ 4.0, có tính lan tỏa thì quá tốt. Còn chúng ta không khuyến khích doanh nghiệp vốn lớn, công nghệ thô sơ", ông Toàn khẳng định.

Về lo ngại thu hút đầu tư FDI thiếu chọn lọc, chọn lựa thì các doanh nghiệp FDI sẽ cạnh tranh trực tiếp tới doanh nghiệp trong nước, ảnh hưởng đến sản xuất trong nước, ông Toàn cho rằng không nên lo ngại điều này và cũng không nên bảo hộ.

Điều cốt lõi là phải kiểm soát, yêu cầu các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam phải làm ăn lành mạnh, không được lợi dụng ưu đãi để cạnh tranh với doanh nghiệp nội địa.

Còn theo TS Phạm Hùng Tiến - phó giám đốc và quản lý dự án Viện Friedrich Naumann Foundation tại Việt Nam (FNF), chiến lược thu hút đầu tư FDI cần hướng tới những ngành nghề chúng ta cần, không nên phụ thuộc vào quy mô vốn.

Đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, nhiều doanh nghiệp làm dịch vụ, kinh doanh thương mại điện tử thì doanh nghiệp FDI có vốn 1 - 3 tỉ đồng vẫn tham gia được vào phân khúc nào đó.

Vì vậy, ông Tiến cho rằng cần chủ động hơn để làm chủ thu hút đầu tư FDI, thời gian qua chúng ta nói nhiều nhưng chưa thực sự quyết liệt.

Chúng ta nên chủ động nói không với một số dự án đầu tư FDI, căn cứ vào cam kết phát thải về 0 vào năm 2050 của Việt Nam tại COP26. Hoặc những ngành nghề đi ngược với chủ trương kinh tế xanh, zero carbon.

"Như vậy, một số dự án liên quan an ninh quốc gia, khu vực biên giới, đi ngược lại phát triển kinh tế xanh... thì chúng ta có thể từ chối khi nhà đầu tư đề xuất cấp phép mới", ông Tiến nhấn mạnh.

Gần 8,9 tỉ USD vốn FDI đầu tư vào Việt Nam trong 4 tháng đầu nămGần 8,9 tỉ USD vốn FDI đầu tư vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm

Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết tính đến ngày 20-4, tổng vốn FDI (vốn đầu tư nước ngoài) đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần đạt 8,88 tỉ USD, bằng 82,1% so với cùng kỳ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên