Văn tự trên các vật phẩm Tết rất đa dạng và được viết theo lối chân, thảo, triện, lệ nhằm tạo thêm tính bắt mắt.
Chữ Hán Việt có thể kể đến những câu quen thuộc như: mã đáo thành công, tấn tài tấn lộc, an khang thịnh vượng, cung chúc tân xuân, đa phúc đa tài đa phú quý - đắc tài đắc lộc đắc nhân tâm…
Dù hiếm hoi nhưng một số câu khánh chúc thuần Việt cũng xuất hiện ở các cửa hàng: chúc Tết đến trăm điều như ý, đào hồng khoe sắc đón xuân sang, tiền vô như nước…
Bên cạnh những câu chúc vần điệu như trên, thu hút khách còn có các đại tự riêng lẻ như Phúc, An, Tết, Lộc, Tấn.
Nhộn nhịp mua bán sắc xuân Tết
Khi ngày Tết Nguyên đán đã gần kề, chuỗi cửa hàng vật dụng trang trí nhà cửa ở quận 5 (TP.HCM) cũng trở nên rộn ràng kẻ bán người mua. Màu đỏ của câu đối, đèn lồng, lịch phủ lên con đường Hải Thượng Lãn Ông và những ngách nhỏ xung quanh.
Chị Tâm (cửa hàng Hưng Lợi) cho biết: "Năm nay do hết dịch nên tình hình mua bán tốt hơn hẳn so với năm ngoái, mẫu mã lại nhiều.
Ngoài mua dây đèn và hình dán, khách còn mua liễn thư pháp về trang trí. Câu chúc "Phúc - Lộc - Thọ" sẽ bán chạy hơn những câu khác do có thể treo cả năm chứ không chỉ trong dịp Tết rồi thôi".
Anh Lê Dương, một khách đến mua tại cửa hàng Thuận Phát trên đường Hải Thượng Lãn Ông, nói: "Tôi chọn chữ Phúc tặng ba mẹ vì thấy trong chữ này chứa nhiều ý nghĩa. Thọ cũng là Phúc, Lộc cũng là Phúc, mà Vạn sự như ý thì cũng là Phúc".
Phương Thanh (26 tuổi), một nữ nhân viên văn phòng, chia sẻ về bộ sản phẩm Lá lộc may mắn chị chọn cho Tết này: "Bộ lá lộc này có 12 chữ, tượng trưng cho lời chúc trong 12 tháng.
Mình thấy những chữ Hài lòng, Tự do, Yêu thương hay Sức khỏe... rất gần gũi với chính bản thân. Phía sau chiếc lá còn có những câu châm ngôn: Sống trong biết ơn thì ân sủng sẽ tới, Cuộc đời bạn chính là phần thưởng của bạn...
Trải qua một năm làm việc vất vả, đọc những câu này mình chỉ mong năm sau mọi chuyện bớt trắc trở hơn để có thể thực hiện nhiều dự định mới".
Ở khía cạnh thư pháp, ông đồ Đỗ Nhật Thịnh cho biết những năm trước người trẻ thường xin chữ Xuân, Nhẫn, Lộc, Khang, Như Ý, Cát Tường… để về treo.
Tuy nhiên, năm nay mọi người lại có xu hướng xin chữ Phúc và An nhiều hơn. "Có thể sau quá nhiều biến động thời gian qua, chưa kể đến những khó khăn trong nền kinh tế, công việc gặp gian truân nên đôi khi họ sẽ thay đổi mong muốn của mình.
Nếu ngày xưa người ta muốn giàu có, tiền tài nhiều hơn thì bây giờ họ muốn tìm sự hạnh phúc và bình an, hướng về giá trị nội tâm" - anh kiến giải.
Chính vì lẽ đó mà năm nay Đỗ Nhật Thịnh sẽ thực hiện hai bộ tranh đắp nổi chữ Phúc và chữ An để trưng bày tại phố Ông Đồ (Nhà văn hóa Thanh Niên TP.HCM) vào ngày 5-1 tới.
Chữ ngày Tết và "xuân huy"
Nói về vai trò của chữ viết trong ngày đầu năm, trong Khảo luận về Tết của nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng có đoạn: "...Ngoài việc dùng lời ăn tiếng nói để chúc tụng, người ta còn huy động các phương tiện khác, từ chữ viết, văn tự đến câu đối, tranh vẽ…
Các hình thức biểu hiện những cầu mong và chúc tụng này ngoài việc chở tải nội dung khánh chúc còn là những nghệ phẩm tạo nên sắc thái vui tươi rực rỡ của ngày Tết, gọi chung là "xuân huy" của từng gia đình".
Trong cuốn sách Phong tục miền Nam, nhà nghiên cứu Vương Đằng từng viết: "Riêng về đối, liễn Tết, chúng ta thấy miền Nam ít xài hơn miền Bắc, nội dung tương tự miền Bắc và Trung (chỉ khác ở chỗ đọc: phúc thành phước, nhật thành nhựt, thịnh thành thạnh...).
Liễn, đối Tết ở miền Nam từ sau Đệ nhứt thế chiến đến nay càng ngày càng ít được dân chúng thưởng thức, vì hầu hết viết bằng chữ Hán: đại đa số nhơn dịp Tết người ta mua của thầy đồ, thầy Tàu những câu liễn đối viết sẵn bán ngoài phố chợ đem về treo, dán cho rậm đám, vui cửa, vui nhà".
Từ nhận xét trên, có thể thấy người miền Nam không chăm chút vào liễn, đối trong nhà vào dịp này nhưng cũng không hẳn là quá sơ sài. Treo chữ ngày Tết vẫn là một thú chơi ăn sâu vào nếp cũ của người dân.
Lý giải về việc đa số chữ trên các vật phẩm ngày Tết là chữ Hán, PGS.TS Đoàn Lê Giang, nguyên trưởng khoa văn học và ngôn ngữ (Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng điều này có thể xuất phát từ khía cạnh tín ngưỡng.
"Nhiều người tin rằng phải viết bằng chữ Hán thì mới linh thiêng. Cho nên ở một số ngôi chùa, đền thờ gia tộc mới xây dựng, họ vẫn sử dụng chữ Hán thay vì dùng chữ quốc ngữ" - ông nói.
Một đặc điểm khác ở hầu hết các câu chúc được in trên vật phẩm là chúng đều có bốn chữ hoặc là Vạn sự như ý hoặc là Phú quý vinh hoa. Những câu có ba chữ như Phúc - Lộc - Thọ khá hiếm.
Lý giải về điều này, PGS.TS Đoàn Lê Giang phân tích: "Ngày xưa những chữ như vậy gọi là tứ tượng thành ngữ, tức là những thành ngữ có bốn chữ và thể văn ngày xưa là thể văn tứ lục với câu bốn chữ và câu sáu chữ xen vào nhau.
Có thể vế bốn chữ được tách ra để đưa lên các câu chúc. Thêm vào đó, khi đưa bốn chữ lên đôi liễn đối thì sẽ cho thấy sự cân xứng, hài hòa của chúng".
Cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, ngày nay người dân không cần phải ra chợ trực tiếp mua vật phẩm mà có thể chọn lựa ngay trên các cửa hàng trực tuyến.
Nắm bắt thói quen mua sắm của giới trẻ, nhiều cửa hàng tung ra các mẫu trang trí với phong cách trẻ trung. Bài đăng giới thiệu bộ sản phẩm Lá lộc may mắn của trang Mani Decor có đến hơn 1.500 lượt tương tác.
Ngoài chữ viết, hàng loạt sản phẩm có thiết kế tròn trịa (tượng trưng cho sự trọn vẹn trong năm mới), ngộ nghĩnh được các cửa hàng trực tuyến tung ra dịp này. Mang ý nghĩa chiêu tài, tượng mèo lại càng trở nên hút hàng khi năm tới là năm Quý Mão. Mèo bê khay, móc treo mèo tài lộc, búp bê mèo, ly mèo… xuất hiện khắp mạng xã hội.
Những năm gần đây cũng đánh dấu sự trở lại của mẫu vải con công truyền thống. Vải có thể được sử dụng làm rèm che hoặc khăn trải bàn để tạo không khí ngày Tết Nam Bộ xưa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận