Tuần trước, chính quyền Bắc Kinh đã mời các phóng viên nước ngoài tới tham quan cây cầu vượt biển dài nhất thế giới sắp được đưa vào hoạt động, theo đài Al Jazeera ngày 1-4.
Clip cho thấy cây cầu vượt biển dài 55 km nối Hong Kong - Chu Hải - Macau - Nguồn: YOUTUBE
"Chúng tôi hy vọng bạn bè đến từ các cơ quan báo chí có thể nhân cơ hội này để chiêm ngưỡng thành tựu mới của Trung Quốc trong tân kỷ nguyên và những tiến triển rõ rệt của quy chế ‘một quốc gia, hai chế độ’" - ông Song Ruan thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói với báo giới.
Trung Quốc dự kiến sẽ khánh thành cây cầu vượt biển dài nhất thế giới, kết nối 3 thành phố Hong Kong - Chu Hải - Macau trong năm nay, sau khi hệ thống đèn được lắp đặt và chạy thử vào cuối năm ngoái. Tuy nhiên, thời gian cụ thể chưa được công bố.
Cây cầu dài 55 km này, trong đó có 6,7 km là hầm ngầm dưới biển, sẽ giúp giảm thời gian di chuyển từ Hong Kong đến thành phố Chu Hải (tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc) từ 3 giờ xuống còn 30 phút.
Hệ thống đèn được lắp và chạy thử nghiệm trên cầu vượt biển vào ngày 26-12-2017 - Ảnh: REUTERS
Cây cầu khởi công từ năm 2009, có 6 làn đường, đi qua các hầm ngầm và đảo nhân tạo. Để xây cây cầu, đơn vị thi công đã sử dụng 420.000 tấn thép, đủ để xây dựng 60 tháp Eiffel của Pháp, cùng 1,08 triệu m3 xi măng.
Dự án xây cây cầu dài 55 km đã tiêu tốn 100 tỉ nhân dân tệ (15,1 tỉ USD). Bắc Kinh hy vọng cây cầu vượt biển này sẽ sử dụng được trong 120 năm.
"Chúng tôi đã mời đội ngũ chuyên gia nước ngoài đến từ Anh, Mỹ, Đan Mạch, Thụy Sĩ, Nhật Bản và Hà Lan tham gia xây dựng cây cầu. Họ đến từ 14 quốc gia" - ông Gao Xing Lin, giám đốc quản lý dự án, cho biết.
Một công trình đảo nhân tạo nơi cây cầu vượt biển chạy qua. Ảnh chụp ngày 30-12-2017 - Ảnh: REUTERS
Ông Gao nhận định việc xây dựng cây cầu có quy mô lớn như thế này không phải là chuyện dễ. "Có nhiều đêm tôi không ngủ được vì có quá nhiều khó khăn trong quá trình thi công" - ông Gao nói với các phóng viên hôm 28-3.
"Kết nối các ống ngầm nặng 80.000 tấn dưới biển bằng công nghệ kín nước là công việc thách thức nhất" - ông Gao đánh giá.
Việc xây dựng cây cầu thời gian qua cũng vướng một số chỉ trích vì chi phí quá lớn và các sự cố chết người trong quá trình thi công.
Ảnh chụp ngày 27-12-2017 cho thấy một đoạn của cây cầu vượt biển Hong Kong - Chu Hải - Ma Cao nhìn từ trên cao lúc bình minh - Ảnh: REUTERS
Theo Tân Hoa xã, nếu tính luôn thời gian lên kế hoạch và các bước chuẩn bị là 6 năm, việc xây dựng cây cầu vượt biển mất tổng cộng 14 năm trời. Dự án này lần đầu tiên được đề xuất vào năm 1983.
Khi cây cầu hình chữ Y này được thông xe, dự kiến có 40.000 phương tiện sẽ di chuyển trên cây cầu này mỗi ngày.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận