
Cầu đường Bình Tiên là dự án chiến lược, giúp kết nối nhanh từ trung tâm ra ngoại thành - Ảnh: Sở GTCC TP.HCM
Đường tốc độ nhanh (ít gián đoạn, ít giao cắt) sẽ giúp người dân đi từ trung tâm ra vành đai, cao tốc nhanh hơn. Mạng lưới này khi được đầu tư hoàn chỉnh sẽ là bước phát triển đột phá của giao thông TP, đặc biệt là khi nối dài đến các khu vực, trung tâm kinh tế của TP.HCM mở rộng.
Trục chiến lược kết nối trung tâm TP.HCM ra đường liên vùng
Khởi đầu cho việc đầu tư đường trục chính đô thị tốc độ nhanh chính là dự án cầu đường Bình Tiên dài 3,66km vừa được HĐND TP.HCM khóa X thông qua tại kỳ họp thứ 22.
Công trình có điểm đầu tại nút giao đường Bình Tiên với đường Phạm Văn Chí hiện hữu (quận 6), điểm cuối tại nút giao Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh). Dự án được đầu tư từ vốn ngân sách TP với 6.285 tỉ đồng, dự kiến khởi công năm 2026 và hoàn thành năm 2027.
Đại diện Sở Giao thông công chánh TP.HCM cho biết hiện nay, hệ thống giao thông kết nối từ trung tâm (quận 1, 5, 6) với khu vực phía Nam (quận 7, 8 huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh) chủ yếu qua các tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ (cầu Kênh Tẻ), đường Dương Bá Trạc (cầu Nguyễn Văn Cừ, cầu Chữ Y), đường Phạm Hùng (cầu Nguyễn Tri Phương) và quốc lộ 50 (cầu Nhị Thiên Đường).

Dự án cầu đường Bình Tiên có tổng chiều dài 3,66km - Ảnh: Sở GTCC TP.HCM
Tuy nhiên, các tuyến đường và cầu qua khu vực này hiện đã quá tải và thường xuyên ùn tắc giao thông, đặc biệt là vào các giờ cao điểm. Khi cao tốc Bến Lức - Long Thành đưa vào khai thác, nhu cầu đi lại sẽ tăng rất cao (trong đó có quốc lộ 50) gây áp lực thêm cho hệ thống hạ tầng giao thông khu vực.
"Việc hình thành một tuyến đường mới trên cao, tốc độ nhanh sẽ rút ngắn thời gian đi lại từ khu vực trung tâm với khu đô thị mới Nam Sài Gòn, khu đô thị - cảng Hiệp Phước và kết nối với các tuyến đường vành đai 2,vành đai 3 và vành đai 4. Từ đó mở ra hướng lưu thông nhanh về các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long", đại diện Sở Giao thông công chánh TP.HCM cho hay.
Kết nối nhanh từ trung tâm đến các đô thị mở rộng

Mạng lưới tuyến đường trục chính tốc độ nhanh, khác mức với hệ thống đường đô thị, ít gián đoạn, ít giao cắt (màu xanh) - Ảnh: Sở GTCC TP.HCM
Theo ông Vương Quang Hưng - trưởng phòng quản lý xây dựng công trình (Sở Giao thông công chánh TP.HCM), cùng các dự án vành đai, cao tốc, tuyến đường cửa ngõ dự kiến hoàn thiện vào năm 2028, TP nghiên cứu, triển khai xây dựng mạng lưới tuyến đường trục chính tốc độ nhanh, khác mức đi xuyên trung tâm kết nối với đường liên vùng.
Cụ thể, theo quy hoạch sẽ có tuyến trục chính Bắc - Nam 1 dài 43,4km bắt đầu từ tỉnh lộ 2 - vành đai 3 - quốc lộ 22 - Trường Chinh - Cộng Hòa - Bùi Thị Xuân - Bắc Hải - Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ - cao tốc Bến Lức - Long Thành - vành đai 4 TP.HCM. Đây cũng là tuyến giải quyết ùn tắc cho sân bay Tân Sơn Nhất.
Trong đó, đoạn từ An Sương đến vành đai 3 TP.HCM thuộc dự án BOT mở rộng quốc lộ 22 đang được triển khai nâng cấp lên 10 làn xe.
Tuyến quốc lộ 13 sẽ được nâng cấp thành đường tốc độ nhanh từ ngã tư Hàng Xanh đến vành đai 3 TP.HCM. Trong đó, đoạn giáp ranh tỉnh Bình Dương đến cầu Bình Triệu nằm trong dự án BOT quốc lộ 13 mở rộng lên 10 làn.
Hiện TP đang nghiên cứu đầu tư, nâng cấp đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đinh Bộ Lĩnh để kết nối liên hoàn đường tốc độ nhanh đến Hàng Xanh.
Trục đường tốc độ nhanh này sẽ được nối dài đoạn qua tỉnh Bình Dương giúp người dân đi lại thuận lợi từ trung tâm đến các khu vực, trung tâm kinh tế thuộc TP.HCM mở rộng tới đây.
Đặc biệt sẽ có một tuyến trục chính tốc độ nhanh kết nối thẳng đến sân bay Long Thành, trong đó đoạn qua TP dài khoảng 4,4km. Tuyến này bắt đầu từ trục chính Bắc - Nam 1 (nút giao Nguyễn Hữu Thọ) - Hoàng Quốc Việt - cầu Phú Mỹ 2 qua sông Đồng Nai kết nối đi sân bay Long Thành. Trong đó, dự án cầu Phú Mỹ 2 cũng vừa được lãnh đạo TP.HCM và tỉnh Đồng Nai họp bàn triển khai cách đây vài hôm.
Ngoài ra các tuyến trục chính tốc độ nhanh khác như đường vòng cung Đông Bắc từ nút giao Gò Dưa đến nút giao Gò Công đường vành đai 3 TP.HCM dài 6,1km, tuyến trục chính Bắc - Nam 2 từ vành đai 3 TP.HCM đến đầu cầu Phú Mỹ dài 30,4km; tuyến trục chính Đông - Tây 1 từ tuyến trục chính Bắc - Nam 1 đến đường vành đai 3 TP.HCM dài 14,8km…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận