12/09/2022 10:40 GMT+7

'Cho dù với bất kỳ ý tốt nào, thầy cô giáo đánh học sinh là phản giáo dục'

TS NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG
TS NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG

TTO - Xung quanh vụ việc một thầy giáo đánh học sinh gây xôn xao dư luận, theo tiến sĩ Nguyễn Hoàng Chương, dù cho là ý tốt muốn học trò nên người, nhưng vẫn phản giáo dục. Và để có "cái tát nghệ thuật" như nhà giáo dục nổi tiếng Makarenko, thật khó.

Cho dù với bất kỳ ý tốt nào, thầy cô giáo đánh học sinh là phản giáo dục - Ảnh 1.

Thư xin lỗi của ông Tú - Ảnh: T.X.

Nhằm góp thêm một góc nhìn, Tuổi Trẻ Online giới thiệu chia sẻ này tham gia mục Bạn đọc làm báo.

"Tuổi Trẻ Online ngày 9-9 đăng bài: "Thầy giáo ân hận vì đã đánh học sinh", kèm theo bài viết là bức thư viết tay của thầy Lê Văn Tú, giáo viên môn văn, chủ nhiệm lớp 12A8 Trường THPT Hùng Vương (Đắk Lắk), viết lời xin lỗi vì đã dùng thước, nón bảo hiểm đánh học sinh (cúp tiết học đi chơi).

Tôi tin đây là lời thật, hối hận do gây ra hành động phản cảm, xảy ra vào ngày 8-9, ngày học thứ ba sau khai giảng 5-9. Bài học này còn dài day dứt vì sự việc bị đẩy đi quá xa. Là nhà giáo, xin có mấy chia sẻ với đồng nghiệp.

Tuần đầu sau khai giảng, hầu hết học sinh háo hức đến trường, nhưng cũng còn vài em nuối tiếc khi... chia tay mùa hè. Trẻ con, nghĩ là làm; cúp học 1 tiết (45 phút) đi được bao nhiêu, chỉ là nông nổi, muốn thể hiện (ta đây?). Là lớp cuối cấp THPT, thầy cô lo xa, chứ trò thì - Ôi! Còn... 9 tháng mà!

Nắm được tâm lý của trẻ con, tâm thầy cô mới bình để có quyết định (xử phạt) thấu tình, đạt lý. Khi đặt mình vào hoàn cảnh của học sinh, thầy cô sẽ không bị rơi vào điểm "hung", nhờ vậy, dẫu thế nào đi nữa cũng không có lời nói, hành động làm đau học trò mình!

Nhận chủ nhiệm lớp, nếu trong lớp có học sinh cá tính, thì răn đe thường không làm các em này biết lo, biết chăm đâu! Phải lường hết tình huống (tiêu cực) xảy ra để có biện pháp ngăn chặn.

Điệp khúc "lớp 12 rồi, coi chừng không đủ điều kiện đi thi (hạnh kiểm, học lực); lo học chăm, đỗ, có công ăn việc làm", học sinh nghe nhiều, thế nên có em "bất tuân" giáo viên chủ nhiệm, chuyện bình thường của "ngựa chứng trong sân trường".

Thế giới phẳng, công nghệ số, thầy cô không còn độc quyền về kiến thức và sự thuyết phục chưa hẳn đã sâu sắc bằng các nguồn "răn dạy" khác.

Dự đoán có học sinh cúp tiết 5 (buổi sáng) thì tiết 4 (cùng buổi) thầy đến lớp. Học sinh định cúp tiết cuối, thấy "cảnh sát" sẽ không làm, nhiều lần "sợ" thành thói quen tốt.

Có năm, chủ nhiệm học sinh lớp 12 (hệ bổ túc văn hóa), các em thường đi trễ sinh hoạt 15 phút đầu giờ, lười xếp hàng vào lớp. Biết vậy, tôi đến lớp trước khi trống vào lớp. Ngày nào cũng vậy, học sinh dần vào nếp.

Ngay cả học sinh giỏi, tôi gặp tình huống khi chủ nhiệm lớp 11, năm 1984 - 1985. Hồi ấy, do bông đùa, ghép nhau những từ phản cảm, lớp "bùng nổ chiến tranh". Thầy trò lúc giận, lúc trách, lúc buồn... nhưng khéo dẫn dắt rồi mọi việc đều qua.

Các em đó giờ vào hàng U60, có em là trưởng khoa ở đại học, có em là bác sĩ tiếng tăm, hầu hết nên người tử tế, mà nào phải nhận đòn roi do sai phạm đâu?

Nóng nảy, thầy cô rồi quên, nhưng với trò thì không, hoàn toàn không. 20 năm sau, 30 năm sau... Lúc gặp lại, thầy - trò, chuyện cũ nguyên dấu.

Tôi đã được nghe nhiều lời tri ân từ cựu học sinh, nhưng cũng có em vẫn ta thán thầy cô xưa vì hành động lệch chuẩn, việc làm xơ cứng chỉ vì thầy cô không thấu hiểu các em.

Nghề giáo khó là thế, chỉn chu bài giảng, chăm luyện - rèn để các em đỗ đạt chỉ là phần mở đầu; nhiều năm tháng rời trường, sau đó trò nghĩ gì về thầy cô, những tình cảm hay sự đánh giá khi các em trưởng thành - lúc này mới có thể có "đánh giá ngoài" sản phẩm của thầy cô từ năm xửa năm xưa.

Một lần ngồi cà phê tâm tình chuyện nghề, thầy M., một giáo viên còn ít tháng nữa là nghỉ hưu, như còn bức xúc.

Thầy kể, đại ý, thời học phổ thông (khoảng 40 năm trước), có lần bài viết môn văn bị điểm 3, kèm lời phê "chữ viết xấu quá!". Thầy M. phân trần, thầy ấy đâu biết, ngày đó làm gì có điện, bên đèn dầu, giấy xấu, cặm cụi từ khuya đến gần sáng, cố diễn đạt đủ nội dung và cảm xúc là cả cố gắng lớn. Không ngờ do chữ xấu, thầy đọc lướt (?) và cho điểm kém.

Thầy giáo già - học sinh xưa - mà vẫn buồn thầy của mình đó, huống chi dùng thước đánh, dùng mũ bảo hiểm đánh, hoặc trách phạt nặng nề, học sinh rồi sao? Cứ muốn dùng quyền uy, muốn "khuất phục" trò - dạy người không phải thế!

Lẽ tất nhiên để thầy cô vững vàng khi dạy học, giáo dục, cần sự chia sẻ, hợp tác của học sinh, phụ huynh học sinh, cộng đồng. Song, cốt lõi vẫn là vai trò của thầy cô giáo, lãnh đạo trường học, phòng GD-ĐT, sở GD-ĐT.

Từ bao đời nay, dạy đi kèm với dỗ; dỗ không có nghĩa là buông lỏng kỷ cương, mà dỗ là kiên trì, chịu khó, sâu sắc, linh hoạt. Kỷ luật học sinh tuy có quy định và là hình thức giáo dục, nhưng nhà giáo cần hết sức thận trọng khi vận dụng.

"Quá tay" với trò, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đó là phản giáo dục. Tôi biết câu chuyện của nhà giáo dục nổi tiếng Makarenko, đó là cái tát nghệ thuật, học theo ông, khó đấy!".

Tạm dừng đứng lớp cô giáo đánh học sinh lớp 3 bầm tím lưng Tạm dừng đứng lớp cô giáo đánh học sinh lớp 3 bầm tím lưng

TTO - Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Diễn Châu làm rõ vụ phụ huynh tố giáo viên đánh học sinh lớp 3 bầm tím người. Trước mắt cô giáo này bị tạm dừng việc đứng lớp.

TS NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên