10/09/2022 08:13 GMT+7

Trăng lên, ngồi nhớ hồi nhỏ tự làm lồng đèn, rước đi khắp xóm

MÂY TRẮNG
MÂY TRẮNG

TTO - Tết Trung thu đâu chỉ dành riêng cho trẻ nhỏ. Với bạn đọc Mây Trắng, đây còn là dịp để những người không còn tuổi rước đèn đêm trăng rằm hoài niệm về những mùa Trung thu đã đi qua trong cuộc đời với bao buồn vui lẫn lộn.

Trăng lên, ngồi nhớ hồi nhỏ tự làm lồng đèn, rước đi khắp xóm - Ảnh 1.

Đã qua lâu rồi cái tuổi khoái chí với lồng đèn, bánh kẹo, nhưng mỗi đêm rằm lòng tôi vẫn háo hức vẹn nguyên những kỷ niệm ngày nhỏ. Ảnh chụp chị Ngọc Trâm (quận Bình Thạnh) dẫn cháu trai đến quán cà phê có trang trí Trung thu chơi - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Nhằm góp thêm một góc nhìn, Tuổi Trẻ Online giới thiệu chia sẻ này tham gia mục Bạn đọc làm báo.

Mỗi mùa Trung thu, dù bận rộn cỡ nào tôi cũng sắp xếp về với gia đình. Đã qua lâu rồi cái tuổi khoái chí với lồng đèn, bánh kẹo, nhưng mỗi đêm rằm lòng tôi vẫn háo hức vẹn nguyên những kỷ niệm ngày nhỏ. Trung thu hồi đó đẹp lắm…

Tôi nhớ hồi còn bé, Trung thu nào cũng mưa lâm râm, nhưng tôi và đám nhóc trong xóm vẫn hẹn nhau đi rước đèn. Chừng 4-5 giờ chiều là cả đám đã rộn ràng, ăn cơm cho có rồi lật đật tắm rửa, thay bộ đồ oách nhất.

Từ ngoài ngõ đã có tiếng huýt sáo, tiếng gọi í ới của "đồng bọn". Ba mẹ căn dặn đi sớm về sớm, đi trong lề đừng chạy ra giữa đường, chúng tôi dạ dạ rồi phóng vèo ra nhập hội. Tôi là con gái nên dĩ nhiên là cầm một chiếc đèn hình bươm bướm, bên trong là khúc đèn cầy cắm sẵn.

Giây phút đốt đèn lên, ánh nến lung linh phản chiếu qua lớp giấy bóng kiếng, hắt ra chỗ chúng tôi đứng một khoảng sáng dịu ngọt, hòa cùng ánh trăng, mới diệu kỳ làm sao…

Hậu đậu, vừa ra ngoài đầu đường, đi một đoạn tôi vấp cục đá. Chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra, lồng đèn lủng một lỗ do đèn cầy nghiêng. "Con bướm" lộng lẫy hồi nãy giờ có một "vết thương" ở bụng, tội nghiệp. 

Nhưng tôi không buồn lâu vì cô bé hàng xóm đã cho cầm ké chiếc lồng đèn hình lục giác, hai đứa vừa đi vừa ríu rít đủ thứ chuyện.

Tôi nhìn xa xa, bên kia đường và phía sau, những đứa trẻ trạc tuổi cũng đi rước đèn như mình. Ánh đèn nơi vùng quê thưa thớt xe cộ, trông như một bầy đom đóm và ai cũng giơ cao chiếc đèn như muốn nói đèn của mình là đẹp nhất.

Trên đường đi, mấy cụ già tốt bụng ở những căn nhà ven đường cho chúng tôi lúc thì bánh dẻo, lúc là mấy bịch cốm, kẹo me… 

Nhìn chúng tôi, có lẽ các cụ cũng đang hoài niệm về mùa Trung thu cũ.

Chúng tôi đi tung tăng cỡ hai cây số, qua chợ, qua trường học, khi đã mỏi chân mới quay về. Lúc này đứa nào cũng đã thấm mệt, lồng đèn được hạ xuống và có đứa thổi tắt luôn rồi dí nhau chạy cười nắc nẻ. Về tới, chúng tôi còn tụ tập ngoài sân một hồi lâu để ngó lên trời.

Gió mát rười rượi thổi khô những giọt mồ hôi ban nãy. Đây là lúc hưởng thụ nhất vì chúng tôi bắt đầu ăn bánh. Tôi nhớ bánh trung thu ngày đó nhỏ cỡ bàn tay, mỗi đứa vài miếng thôi nhưng luôn ăn chăm chú ngon lành như một thứ của ngon vật lạ. Rồi chúng tôi đi ngủ, còn luyến tiếc ánh trăng nên nán lại chỗ cửa sổ ngó hoài.

Những ngày trước đó mấy hôm cũng vui không kém. Buổi chiều, ba tôi cuốc đất xong sớm, cầm rựa ra trước nhà chặt trúc cùng chúng tôi làm lồng đèn. Các anh tôi thì dễ rồi, đèn ngôi sao là xong. Còn tôi: đèn phải sặc sỡ, có tua rua được làm từ mấy tờ giấy màu. 

Chúng tôi đèo nhau đi mua đèn cầy về "thử nghiệm" xem lồng đèn sáng ngon lành không, rồi mới yên tâm đợi tới ngày Trung thu.

Anh tôi còn "chế" đèn bằng cách đục lỗ lon sữa bò, làm cái đế lò xo đèn cầy, gắn vào khúc cây lăn đi. Ánh sáng chiếu qua những cái lỗ nhảy nhót như ở mấy chỗ ca nhạc hội chợ. Tụi nhóc trong xóm khoái cây đèn của anh tôi lắm, dụ anh đổi đèn bằng một chùm thun hoặc xấp hình chơi tạt lon.

Tối hôm sau vẫn còn "dư âm", chúng tôi vẫn cầm theo lồng đèn nhưng đường đi ngắn hơn và tập trung ở sân banh của xã. Gọi mấy ly si rô của cô bán nước, cả đám uống chung, đứa nào nãy cầm theo bánh kẹo sẽ lấy ra chia. Giờ không biết có đứa nào còn nhớ những kỷ niệm đó hay không…

Lớn rồi, dù Trung thu bây giờ đã khác nhiều nhưng tôi nghĩ có một điều vẫn như ngày cũ, đó là ai cũng mong sự sum vầy đêm rằm. Tôi vẫn háo hức với miếng bánh trung thu nhân thập cẩm mà mẹ cắt cho, dù ăn hết một góc nhỏ đã thấy ngán.

Mọi người hay nói rằng con nít bây giờ nhiều tiện nghi, nào là lồng đèn điện tử và hàng mớ đồ chơi, nào là người lớn ai cũng bận rộn nên Trung thu sơ sài... 

Thế nhưng tôi thấy những người xung quanh mình vẫn đón chờ Trung thu đó thôi, rồi nào là múa lân, phá cỗ, sinh hoạt văn nghệ địa phương…

Với lại thời buổi hiện đại, việc vui chơi Trung thu phải khác chứ. Đi giữa phố phường, tôi cũng vui vui khi nhìn những bạn trẻ xúng xính váy áo, con nít theo ba mẹ vô khu vui chơi, ai cũng check-in hình ảnh Trung thu. 

Điều cơ bản Trung thu vẫn là dịp đoàn viên, dịp để mỗi người thấy ấm áp vì được ở bên những người thân yêu…

Tết Trung thu, nhớ một thời tranh cãi nặn địa chủ trên bánh nướng hay bánh dẻo Tết Trung thu, nhớ một thời tranh cãi nặn địa chủ trên bánh nướng hay bánh dẻo

TTO - Đồ chơi, thức quà Tết Trung thu cũng từng dâu bể theo thời cuộc. Có những chuyện kể lại mà cười ra nước mắt, ví như cuộc thảo luận gay gắt không thể đi đến quyết định sẽ nặn hình địa chủ trên bánh nướng hay bánh dẻo.

MÂY TRẮNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên