07/09/2022 21:20 GMT+7

Tết Trung thu, nhớ một thời tranh cãi nặn địa chủ trên bánh nướng hay bánh dẻo

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Đồ chơi, thức quà Tết Trung thu cũng từng dâu bể theo thời cuộc. Có những chuyện kể lại mà cười ra nước mắt, ví như cuộc thảo luận gay gắt không thể đi đến quyết định sẽ nặn hình địa chủ trên bánh nướng hay bánh dẻo.

Tết Trung thu, nhớ một thời tranh cãi nặn địa chủ trên bánh nướng hay bánh dẻo - Ảnh 1.

Ông Dương Trung Quốc và các diễn giả trao đổi tại buổi tọa đàm - Ảnh: T.ĐIỂU

Chuyện cười ra nước mắt này chính là chuyện thực tế vào năm 1958 mà nhà sử học Dương Trung Quốc khi đó còn là một cậu bé đã được chứng kiến.

Ông kể lại chuyện này trong buổi tọa đàm "Tết Trung thu cổ truyền - Gìn giữ, phát huy và lan tỏa" do Cung Thiếu nhi Hà Nội phối hợp cùng Hội Truyền thông thành phố Hà Nội tổ chức chiều 7-9 tại Hà Nội.

Nhà sử học Dương Trung Quốc còn nhớ Tết Trung thu năm 1958, Hà Nội mở hội chợ ở phố Yết Kiêu. Các bà trong khu phố đã tập trung tới nhà ông Quốc để bàn với bà của ông sẽ làm mặt hàng Trung thu gì để tham gia hội chợ.

Đội thống nhất làm bộ bánh nướng, bánh dẻo hình địa chủ và nông dân. Nhưng vấn đề khó khăn hơn là sẽ nặn địa chủ là bánh nướng hay bánh dẻo. Có hai luồng ý kiến tranh cãi nảy lửa không thể thống nhất được.

Một bên theo "chủ nghĩa hiện thực" thì cho rằng phải nặn địa chủ là bánh dẻo bởi địa chủ trắng trẻo, phốp pháp như bánh dẻo. Nặn nông dân là bánh nướng là phù hợp vì màu của bánh nướng hợp với vẻ ngoài đen đủi của người nông dân.

Nhưng ý kiến này vấp phải sự phản đối của những người cho rằng không thể nặn địa chủ đẹp đẽ còn người nông dân thì xấu xí thế được.

Hai bên tranh cãi gắt gao không phân được thắng bại. Cuối cùng cả đội thống nhất làm cả hai bộ theo hai "trường phái" khác nhau và giao quyền quyết định cho ban tổ chức hội chợ chọn bộ nào để trưng bày.

Ông Quốc lúc đó còn quá nhỏ đã không đến hội chợ để xem cuối cùng thì có bộ bánh nướng bánh dẻo nông dân - địa chủ nào được trưng bày hay không.

Tết Trung thu, nhớ một thời tranh cãi nặn địa chủ trên bánh nướng hay bánh dẻo - Ảnh 2.

Đồ chơi con giống nặn từ bột là thứ đồ chơi Trung thu quen thuộc của trẻ em xưa - Ảnh tư liệu

"Có một thời mà chính trị đi vào đời sống đến mức độ như thế", ông Dương Trung Quốc nói về một kỷ niệm Trung thu đặc biệt đã đi theo ông từ thời thơ ấu.

Tiến sĩ Vũ Hồng Nhi - phó trưởng phòng truyền thông giáo dục, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam - cũng chia sẻ một câu chuyện "đoạn trường" của nghề nặn tò he rất thú vị.

Là người nghiên cứu nhiều về các nghề làm đồ chơi Trung thu truyền thống và tìm về với nhiều nghệ nhân, bà Nhi có cơ hội được tìm hiểu lịch sử thăng trầm của nghề nặn tò he.

Giai đoạn chiến tranh chống Mỹ gian nan, mọi lương thực phải dành ưu tiên cho chiến trường, bộ đội và nuôi sống con người. Vì vậy, nghề nặn tò he vốn nặn con giống từ bột gạo bị cấm.

Nhưng quá yêu nghề và muốn giữ nghề, các nghệ nhân làng Xuân La, xã Thượng Vực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội đã có sáng kiến chuyển từ nặn con giống, chim cò sang nặn chiến sĩ, dân công hỏa tuyến.

Nghề nặn tò he được đổi tên thành nghề nặn chiến sĩ, dân công hỏa tuyến. Vậy là không ai cấm... nặn chiến sĩ được. Nhờ thế mà nghề này được duy trì qua những năm đất nước khó khăn nhất.

Từ đó đến nay, nghề nặn tò he trải qua thêm một số lần biến đổi, thăng giáng và gần đây trở lại nhiều hơn ở một số thành phố lớn.

Tại buổi tọa đàm, nhà sử học Dương Trung Quốc cũng giới thiệu bài tập làm văn về Tết Trung thu rất sinh động của trò Xuân (Nguyễn Văn Xuân), 13 tuổi, học sinh Trường Đông Kinh Nghĩa Thục.

Bài văn này được đăng trên Đăng Cổ Tùng Báo số 819 ra ngày 26-9-1907, được giới thiệu là bài "tập làm văn quốc ngữ theo lối Pháp".

Tuổi Trẻ Online trích đăng một phần bài tập làm văn để bạn đọc ngày nay có thể hình dung về Tết Trung thu xưa ở phố cổ Hà Nội, cũng như lối hành văn của học trò thời giao thoa văn hóa Pháp - Việt:

"Giăng sáng quắc, phố xá ngộn những người. Đây: dình tùng sèng; đó: dình tùng sèng. Đầu phố một đám rước, quối (cuối) phố một đám rước. Nào rồng, nào sư tử, nào cá, nào thiềm thừ, kéo đàn kéo lũ, như đi tắm sáng giăng tròn.

Chỗ nọ lập trống quân; chỗ kia chăng trống quít. Hàng Đường, Hàng Ngang, nhà nào nhà nấy đua nhau bày cỗ. Khéo gớm! Khéo ghê! Kìa đu đủ gọt ra hoa sói hoa nhài, nọ đùi gà bày thành Tiều-phu, Lão-vọng.

Đèn chạy quân, đèn sẻ rãnh: Trương phi cưỡi ngựa đi vạch thẳng; vua Thuấn cày voi chạy chữ công. Cái chạy hỏa lò, cái chạy cát; cái ghép lá nứa, cái vặn bằng tay. Hơi lửa mới biết dùng quay tán giấy.

Bánh dẻo, bánh nướng, đủ các lối bột đường; trái dừa, trái bưởi, thiếu chi loài hoa quả? Giai giai, gái gái, mặt mũi hớn hở, chán cỗ nhà lại đi ghé cỗ người. Nhà ta khéo, nhà nó vụng; nhà ta nhiều bánh, nhà nó ít xôi.

Ngoài đường thi hai bên hè lốc nhốc những kẻ hồ khoan. Anh này thỏ cốc lếu, chị kia cá tí hon…".

Cao thủ chặt gà cắt bánh trung thu Cao thủ chặt gà cắt bánh trung thu

Cắt bánh trung thu theo phong cách "chặt gà", cô gái nhận được vô vàn lời khen vì nhìn vào miếng bánh là biết độ chuyên nghiệp.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên