03/01/2005 16:54 GMT+7

Đào tạo nghề: Thầy chưa giỏi thì trò không thể khá!

Theo Người Lao Động
Theo Người Lao Động

Tháng 9-2004, chúng tôi rao tuyển 25 công nhân nghề in, sau 2 tháng vẫn không tuyển được, chúng tôi đành lấy lao động phổ thông để đào tạo”. Bà Võ Thị Mai Thảo, quản lý cơ sở In Việt Nam của nhà máy Indira Gandhi cho biết như vậy khi nói về thực trạng tuyển người tại công ty.

wdPEl9GY.jpgPhóng to
Học sinh ngành cơ điện tử - Khoa Cơ khí Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng TPHCM thực hành trên máy hệ thống CIM tự động hóa

Bà nói mỗi lần tuyển người là một lần khó khăn vì công nhân ngành in đào tạo không kịp nhu cầu.

Công nhân kỹ thuật vừa thiếu, vừa yếu

Không chỉ nghề in, nhiều nghề khác như cơ khí - chế tạo, dệt may... vẫn thiếu công nhân. Ông Mai Văn Trí, Giám đốc Công ty Caric TPHCM, bức xúc: “Ở công ty chúng tôi, khi tuyển công nhân chỉ cần biết việc là nhận. Mặt khác, công nhân được đào tạo từ các trường chính quy vẫn rất yếu tay nghề. Khi nhận người bao giờ công ty cũng xác định phải bỏ thời gian, chi phí ra để đào tạo lại, nhưng cũng chỉ tuyển được khoảng 10%”.

Trưởng Phòng Nhân sự Công ty Sony Việt Nam TPHCM, bà Trần Thị Lang Hoài, cho biết: “Việc tuyển được lao động có tay nghề rất khó. Người đã qua trường lớp rồi vẫn phải đào tạo lại. Công ty Sony tại TPHCM hiện có trên 300 công nhân, trong đó phân nửa là lao động phổ thông, số có kinh nghiệm chỉ chiếm khoảng 20%. So với nhiều công ty khác, thực trạng đó vẫn khá khả quan. Ở Công ty Cổ phần Thiết kế xây dựng và giao thông Phương Nam, (Q. Tân Bình - TPHCM, việc tuyển lao động còn cực hơn. Công ty này yêu cầu đội ngũ thợ phải có tay nghề nên chỉ tuyển được khoảng 10% nhu cầu.

Đào tạo thiếu căn bản, xa rời thực tế

Các doanh nghiệp luôn than phiền về người lao động không có tay nghề. Ông Vũ Đức Dũng, kiến trúc sư - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Phương Nam, cho biết: “Chúng tôi yêu cầu đội ngũ công nhân có đủ khả năng, trình độ vừa phải, nhưng mỗi lần tuyển dụng là một lần... bế tắc. Các bạn trẻ tốt nghiệp ĐH chính quy vẫn không làm cho chúng tôi tin tưởng được. Số bị rơi rụng sau lần phỏng vấn đầu tiên rất nhiều vì rất ngô nghê và thiếu am hiểu về công việc mình sẽ làm. Những người được thử việc thì trong 10 người may ra mới được 1”. Hàng chục năm làm công tác nhân sự, ông Dũng nhận xét: “Đội ngũ mới ra trường không đáp ứng được công việc vì họ được đào tạo máy móc, chậm thay đổi chương trình và hoàn toàn xa lạ với thực tế”.

Theo bà Hoài thì: “Chương trình đào tạo quá rộng và không chuyên khiến học sinh học nhiều nhưng thực ra không làm được gì hết. Tôi được biết có nhiều trường trước đây khá chất lượng, nhưng khi họ cứ liên tục chuyển hệ lên CĐ, ĐH, thì đào tạo kém chất lượng hẳn”. Ông Mai Văn Trí, cho rằng: “Cách đào tạo hiện nay thiếu căn bản, không đồng bộ và chưa xác định sự lâu dài. Phải sửa lại cách đào tạo, đào tạo chuyên và sát thực tế hơn”.

Giáo viên yếu, chất lượng đầu vào thấp

Ông Phan Văn Việt, Trưởng Phòng Đào tạo Trường Trung học Kỹ thuật Nghiệp vụ Nguyễn Hữu Cảnh, cho rằng: “Ở trường nào cũng vậy, việc tiếp cận thực tế sản xuất của học sinh còn quá ít. Điều đó xuất phát từ chương trình đào tạo chung, thiết bị dạy học lại quá thiếu, quá lạc hậu và sự thiếu hợp tác của các doanh nghiệp. Giáo viên dạy nghề vừa thiếu vừa không đủ trình độ về tri thức thực tiễn cũng là một nguyên nhân. Thầy chưa giỏi thì trò không thể khá được!”. Bên cạnh đó, chế độ chính sách cho giáo viên dạy nghề cũng chưa phù hợp, ví dụ thù lao tiết dạy cho giáo viên hướng dẫn thực hành chỉ bằng một nửa so với giáo viên dạy lý thuyết. Đó cũng là nguyên nhân khiến giáo viên dạy nghề đã thiếu càng thiếu hơn.

Theo ông Hoàng Quốc Long, Trưởng Khoa Thiết kế thời trang Trường Trung học Kỹ thuật Nghiệp vụ Nguyễn Hữu Cảnh, một nguyên nhân nữa là chất lượng “đầu vào” còn thấp. Hiện nay các trường THCN phải đối mặt với một thực tế là rất khó tuyển sinh. Theo báo cáo tổng kết năm 2004 của Trường Trung học Kỹ thuật Nghiệp vụ Nguyễn Hữu Cảnh, các nghề như hàn, điện tử tuyển sinh được ở con số rất thấp, chỉ khoảng 28-30 học sinh (ngược lại với nhu cầu thị trường)...

Ông Nguyễn Chơn Trung, Chủ tịch Hiệp hội Các Doanh nghiệp KCX KCN TPHCM:

Năm kiến nghị nâng cao năng lực dạy nghề

1- Nhà nước cần có chính sách phân luồng đào tạo liên thông để tạo ra cơ cấu hợp lý giữa đào tạo nghề với đào tạo ĐH, CĐ.

2- Trong công tác dạy nghề Nhà nước cần quan tâm hơn nữa chất lượng dạy nghề. Hình thành hệ thống đào tạo kỹ thuật thực hành, THCN, trung học nghề để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó chú trọng phát triển đào tạo nghề ngắn hạn về đào tạo công nhân kỹ thuật.

3- Có chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực đào tạo nghề, đa dạng hóa chương trình đào tạo trên cơ sở xây dựng một hệ thống liên thông đào tạo phù hợp với cơ cấu trình độ, cơ cấu ngành nghề, cơ cấu vùng của nhân lực và năng lực của các cơ sở đào tạo.

4- Các đơn vị đào tạo cần có những trang thiết bị hiện đại để giúp học viên có thể làm quen với công nghệ hiện đại, thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng cho các giáo viên làm công tác dạy nghề kết hợp với đội ngũ chuyên gia ở các doanh nghiệp KCX, KCN để hình thành đội ngũ giảng dạy có trình độ chuyên môn cao đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở đào tạo.

5- Nhà nước có chủ trương khuyến khích các chủ đầu tư nước ngoài có kinh nghiệm, tiềm lực và trình độ tiên tiến thành lập cơ sở đào tạo 100% vốn nước ngoài hoặc liên doanh với đối tác Việt Nam để đào tạo nguồn nhân lực. Mở các khóa đào tạo ngắn hạn về nghiệp vụ có trình độ khu vực và quốc tế tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam. Nhà nước thường xuyên cải cách chương trình đào tạo trong trường nghề.

Theo Người Lao Động
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên