19/03/2023 09:00 GMT+7

Chính quyền chủ động đặt hàng cơ quan báo chí, xuất bản

Với cơ chế "đặt hàng", chính quyền sẽ chủ động hơn trong việc tiếp thu nhiều luồng ý kiến thông qua báo chí để xây dựng những chính sách, cơ chế hiệu quả cho sự phát triển thành phố.

Chính quyền chủ động đặt hàng cơ quan báo chí, xuất bản - Ảnh 1.

Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu phát biểu tại hội nghị - Ảnh: TIẾN LONG

Ngày 17-3, phát biểu kết luận hội nghị về báo chí, xuất bản, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu chỉ đạo các cơ quan TP tham mưu và tổ chức thực hiện các chính sách phù hợp để hỗ trợ hoạt động của cơ quan báo chí, xuất bản trong thực hiện giai đoạn 2 đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí TP đến năm 2025 và đề án hợp nhất nhà xuất bản của TP.

Trong đó có các cơ chế như: đặt hàng cơ quan báo chí về các vấn đề phát triển TP; thực hiện xuất bản phẩm sử dụng ngân sách nhà nước; hỗ trợ về thuế; nâng cao chất lượng cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý, phóng viên, biên tập viên...

Ông Hiếu còn đề nghị cơ quan báo chí, xuất bản cần bám sát chủ đề năm 2023 và các nhiệm vụ, giải pháp Đảng bộ, chính quyền TP đề ra. Chú trọng các phương án, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo tinh thần nghị quyết 31 của Bộ Chính trị.

Nhất là sắp tới khi Quốc hội thông qua nghị quyết mới thay thế nghị quyết 54 về các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM sẽ có rất nhiều điểm mới cần báo chí tăng cường truyền thông để các cơ chế, chính sách sớm đi vào cuộc sống.

Cùng với đó, đề nghị Ban cán sự đảng UBND TP, Ban tuyên giáo, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo TP nhanh chóng tham mưu phương án tổ chức ký kết chương trình hợp tác truyền thông giữa TP.HCM và các cơ quan báo chí, xuất bản năm 2023.

Ở đây có thể hiểu dù việc thông tin, truyền thông là chức năng của báo chí và ngay cả khi không được chính quyền "đặt hàng", cơ quan báo chí cũng sẽ tham gia vào thông tin, góp ý, phản biện, tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của cơ quan nhà nước.

Tuy nhiên, với cơ chế "đặt hàng", chính quyền sẽ chủ động hơn trong việc tiếp thu nhiều luồng ý kiến thông qua báo chí để xây dựng những chính sách, cơ chế hiệu quả cho sự phát triển TP.

Ở góc độ các cơ quan báo chí, đây cũng là cơ hội để tờ báo được đặt hàng tập trung phản biện, thông tin sâu, bám chặt từng vấn đề chính sách đặt ra. Những đóng góp, ý kiến của nhiều giới cũng sẽ được báo chí chủ động tổng hợp để gửi đến những lãnh đạo, cơ quan quyết định chính sách.

Như tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Lê Thế Chữ trao đổi, đây là cách thức tổ chức làm sâu một vấn đề, tập trung các giải pháp có sự góp sức của mọi ngành, mọi giới, cả trong nước và ngoài nước góp phần phát triển TP. Báo chí mong TP sẽ tăng cường cơ chế đặt hàng đối với cơ quan báo chí nhằm tuyên truyền, truyền thông các chính sách, nội dung liên quan các vấn đề lớn về kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục... đến người dân và cộng đồng.

Theo ông Chữ, TP có thể lựa chọn và đặt hàng hoặc mỗi báo với thế mạnh của mình sẽ nhận một vài nội dung chuyên sâu gồm tuyến bài vở, hội thảo, diễn đàn góp ý, hiến kế. Kết quả là tập hợp ý kiến của mọi ngành, mọi giới, chuyên gia trong ngoài nước, giải pháp từ các nước gửi đến lãnh đạo TP.

Nhìn ở khía cạnh này, việc "đặt hàng" cơ quan báo chí không chỉ hỗ trợ nguồn thu cho các cơ quan báo chí, xuất bản, mà còn là cơ chế hiệu quả để tạo ra một kênh tham khảo đầy chất lượng cho việc ra chính sách, cơ chế đúng đắn, cũng như để chính sách nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Phó bí thư Nguyễn Văn Hiếu đề nghị có chính sách hỗ trợ cơ quan báo chí, xuất bảnPhó bí thư Nguyễn Văn Hiếu đề nghị có chính sách hỗ trợ cơ quan báo chí, xuất bản

Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu đề nghị các cơ quan TP tham mưu và tổ chức thực hiện các chính sách phù hợp để hỗ trợ hoạt động của cơ quan báo chí, xuất bản trong thực hiện giai đoạn 2 đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí TP.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên