11/02/2025 11:59 GMT+7

Chính phủ nên cân nhắc lại lộ trình sửa luật

Đó là ý kiến của một số đại biểu Quốc hội về lộ trình đến năm 2027 mới áp dụng mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) mới.

Chính phủ nên cân nhắc lại lộ trình sửa luật - Ảnh 1.

Các chuyên gia cho rằng nên sớm điều chỉnh mức GTGC vì giá hàng hóa, dịch vụ đã tăng rất cao trong thời gian qua - Ảnh: HỮU HẠNH

Đại biểu TẠ VĂN HẠ (phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục):

Tăng ngay GTGC, sửa luật sau

Vấn đề liên quan mức GTGC của Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đã được cử tri, các đại biểu Quốc hội nêu ý kiến từ nhiều kỳ họp vừa qua. Đây là vấn đề dân sinh liên quan sát sườn, có ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, người lao động. 

Thực tế mức giảm trừ sau một số lần điều chỉnh đến nay đang áp dụng là 11 triệu đồng/tháng với người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng với người phụ thuộc là quá thấp, đã quá lạc hậu, không phù hợp với thực tiễn.

Đáng lẽ ra trước khi tiến hành tăng lương cơ sở 30% đối với cán bộ, công chức, viên chức và điều chỉnh lương tối thiểu vùng, các cơ quan cũng phải chuẩn bị đề xuất điều chỉnh mức GTGC. Việc chưa điều chỉnh kịp thời vấn đề này theo tăng lương rõ ràng là không hợp lý, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. 

Cần thấy rõ chúng ta phải cân đối, không để hụt các nguồn thu thuế, ngân sách nhà nước nhưng cũng cần tạo điều kiện người dân có thu nhập lo được ổn định và nâng cao được cuộc sống của họ. 

Do vậy các cơ quan chức năng cần lắng nghe ý kiến, thực tiễn cuộc sống của người dân, người lao động và càng sớm càng tốt xem xét, nghiên cứu điều chỉnh mức GTGC kịp thời.

Lộ trình sửa luật thuế này như vậy là quá lâu, không ổn. Với những chính sách dân sinh, ảnh hưởng người lao động phải xem xét, sửa đổi càng sớm càng tốt.

Tôi cho rằng Chính phủ cần xem xét lại và nếu các cơ quan chuẩn bị kịp có thể nghiên cứu trình Quốc hội chỉnh sửa nội dung liên quan mức GTGC trước. Trường hợp kịp có thể trình chỉnh sửa ngay ở kỳ họp thứ 9 (tháng 5-2025) và cho áp dụng sớm nhất. 

Còn việc sửa tổng thể Luật Thuế TNCN sẽ thực hiện theo đúng lộ trình. Như vậy sẽ đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Đại biểu TRẦN QUỐC TUẤN (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh):

Sửa GTGC, không thể chờ hai năm nữa!

Không chỉ mức GTGC đã rất lạc hậu, không đáp ứng được thực tế cuộc sống của người dân, mà bậc thuế quá nhiều và khoảng cách giữa các bậc thuế trong biểu lũy tiến từng phần quá dày cũng gây áp lực, tạo gánh nặng thuế lên người làm công ăn lương... Đây là những bất cập lớn nhất của chính sách thuế TNCN cần khẩn trương xem xét sửa đổi.

Cử tri, người dân phải chờ khoảng hai năm nữa mức GTGC mới thay đổi là quá lâu, quá chậm trễ, không đáp ứng được yêu cầu cấp thiết, thực tiễn đang đặt ra.

Những bất cập của mức GTGC đã được nêu ra từ lâu và đây là mong chờ của người nộp thuế, có ảnh hưởng lớn đến đời sống của hàng triệu gia đình, tác động làm giảm sức mua của nền kinh tế cả nước. 

Do vậy Chính phủ cần sớm chỉ đạo các cơ quan chức năng, Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu trình cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh trước mức GTGC cho phù hợp với yêu cầu, đúng quy định trước khi trình Quốc hội sửa đổi toàn diện Luật Thuế TNCN.

Đặc biệt, với mức GTGC nên giao cho Chính phủ quy định chi tiết việc điều chỉnh theo cơ chế linh hoạt, dựa trên tình hình tăng trưởng kinh tế - xã hội, tăng lương, chỉ số CPI hoặc thu nhập bình quân... theo định kỳ hằng năm thay vì cố định như hiện nay. Có như vậy mới có thể tránh tình trạng lạc hậu đối với chính sách thuế TNCN, gây ảnh hưởng tiêu cực đến thu nhập chịu thuế vì mức GTGC quá thấp.

Ngoài ra, không nên đưa ra một mức GTGC chung cho cả nước mà dựa theo mức sống thực tế ở từng vùng miền. 

Trong đó căn cứ vào lương tối thiểu của từng vùng để có mức GTGC cho người nộp thuế TNCN và người phụ thuộc tương ứng ở vùng miền đó. Có thể tính toán mức GTGC bằng 3 - 5 lần lương tối thiểu vùng. Khi lương tối thiểu tăng, mức GTGC cũng tăng theo.

Đại biểu NGUYỄN THỊ VIỆT NGA (phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương):

Nên điều chỉnh GTGC từ 2026

Các đại biểu Quốc hội đã nêu ý kiến nhiều lần ở thảo luận tổ, thảo luận hội trường và trực tiếp với bộ trưởng Bộ Tài chính trước đây, qua báo chí liên quan mức GTGC của Luật Thuế TNCN.

Thực tế mức GTGC hiện nay đã quá lạc hậu so với thu nhập chung của người dân. Đặc biệt từ ngày 1-7-2024, chúng ta đã thực hiện tăng 30% lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức.

Khi lương tăng lên, rõ ràng tất cả các vấn đề liên quan thu nhập của người dân, trong đó có mức GTGC phải điều chỉnh để phù hợp, thống nhất. Tuy nhiên đã có một độ trễ, độ vênh nhất định giữa điều chỉnh tiền lương với mức GTGC. Việc chưa điều chỉnh mức GTGC kịp thời là sự bất hợp lý và phần thiệt thòi thuộc về người nộp thuế, nhất là khi mặt bằng giá cả tăng.

Xét trên mặt quản lý nhà nước, Bộ Tài chính đã đưa ra nhiều lý do về việc chưa cần điều chỉnh mức GTGC trong tình hình hiện tại. Nhưng tôi vẫn bảo lưu quan điểm cần sớm điều chỉnh mức GTGC. Nếu lấy mốc 2027, Luật Thuế TNCN sửa đổi mới có hiệu lực thi hành là hơi muộn màng, độ chênh ngày càng lớn.

Cần thấy rõ trong thời điểm hiện tại đã có sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương để tập trung phát triển kinh tế - xã hội và tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội sẽ xem xét thông qua điều chỉnh mức tăng trưởng GDP năm 2025 lên trên 8%. Với mức tăng trưởng như vậy mà vẫn chưa sửa GTGC mà đợi đến 2027 thì rất chậm trễ.

Do đó tôi mong Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét lại vấn đề này. Tốt nhất là có thể trình dự Luật Thuế TNCN sửa đổi vào kỳ họp thứ 9 (tháng 5-2025) và có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2026 sẽ hợp lý hơn.

Chính phủ nên cân nhắc lại lộ trình sửa luật - Ảnh 2.Giảm trừ gia cảnh theo lương tối thiểu vùng, mức nào phù hợp?

Mức giảm trừ gia cảnh không thể đồng nhất một con số như hiện nay mà cần phải theo khu vực, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của địa phương, khu vực đó. Nhưng căn cứ cơ sở nào để tính toán con số phù hợp?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên