![Giảm trừ gia cảnh theo lương tối thiểu vùng, mức nào phù hợp? - Ảnh 1.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/10/thue-tncn-ngoc-phuong-17390890095822080545376-1739153265343952056648.jpg)
Bộ Tài chính đề xuất giảm bậc thuế để bớt gánh nặng cho người nộp thuế thu nhập cá nhân - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Việc sửa toàn diện Luật Thuế thu nhập cá nhân đang được Bộ Tài chính thực hiện dự thảo là điều rất cần thiết, mặc dù lẽ ra điều này cần phải làm sớm hơn.
Trong đó, nội dung đang được các chuyên gia và dư luận quan tâm là mức giảm trừ gia cảnh bao nhiêu và cách tính như thế nào cho phù hợp, rồi các bậc thu nhập chịu thuế và tỉ lệ thuế thu nhập cá nhân như thế nào.
Không thể đồng nhất một mức giảm trừ gia cảnh
Tôi hoàn toàn đồng tình việc phải thay đổi mạnh mẽ, toàn diện Luật Thuế thu nhập cá nhân. Đặc biệt là quan điểm của việc xây dựng luật này phải thay đổi để đáp ứng được sự thay đổi linh hoạt theo tình hình thực tế, không để quá lạc hậu so với thu nhập và đời sống của người dân, nhưng cũng không có cơ chế điều chỉnh kịp thời.
Giảm trừ gia cảnh đang là vấn đề được quan tâm nhất hiện nay, nhiều địa phương đã có những kiến nghị cụ thể về mức này. Đó có thể là sự đánh giá sơ bộ về tình hình đời sống, thu nhập và điều kiện kinh tế của địa phương.
Mặc dù vậy, có sự chênh lệch giữa các mức do địa phương đề xuất, tất nhiên việc đề xuất đó không phản ánh tương quan chính xác giữa các địa phương.
Trong điều kiện hiện nay, mức giảm trừ gia cảnh không thể đồng nhất một con số. Cần phải theo khu vực, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của địa phương, khu vực đó.
Nhưng việc căn cứ vào cơ sở nào để tính toán con số phù hợp là không đơn giản.
Tôi đồng quan điểm với nhiều đề xuất cho rằng cần căn cứ vào lương tối thiểu vùng hoặc GDP bình quân đầu người của địa phương.
Hiện nay các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau thể hiện tương đối qua con số GDP bình quân đầu người, phản ánh khả năng thu nhập, chi tiêu của người dân, nhưng cũng có sự chênh lệch khá lớn.
Chẳng hạn, ngay giữa các địa phương có thu nhập cao cũng đã có chênh lệch. Năm 2024 con số này của TP.HCM khoảng 7.600 USD/người, Bình Dương khoảng 7.250 USD/người. Trong khi Quảng Ninh tới khoảng 10.270 USD/người, Bà Rịa - Vũng Tàu tới hơn 18.200 USD/người.
Còn với nhóm các tỉnh có thu nhập thấp như Bắc Kạn chỉ đạt khoảng 2.270 USD/người, tức chênh lệch tới 3-4 lần. Vì vậy, nếu chỉ căn cứ vào mức GDP bình quân đầu người sẽ không phản ánh hết thực tế cán cân thu nhập và chi tiêu thực tế của người dân.
Còn với lương tối thiểu vùng, hiện chúng ta quy định bốn vùng, cao nhất là vùng 1 với 4,96 triệu đồng/tháng, thấp nhất là vùng 4 với 3,45 triệu đồng/tháng, tức chỉ chênh nhau khoảng 1,5 lần.
Nhìn vào bình diện tương đối của thu nhập và chi tiêu hiện nay giữa các vùng có thể thấy sự chênh lệch khá tương đồng theo mức lương tối thiểu vùng như đã đề cập.
Do vậy, tôi cho rằng căn cứ mức lương tối thiểu vùng để xác định mức giảm trừ gia cảnh là tương đối phù hợp. Ngoài ra, có thể dựa thêm chỉ số GDP bình quân đầu người như một tiêu chí kết hợp hoặc tham khảo.
Mức nào phù hợp?
Về mức giảm trừ gia cảnh, để xác định được chính xác nhu cầu chi tiêu của người dân là không dễ. Chúng ta cũng chỉ có thể tính toán theo những nhu cầu chi tiêu trung bình, trong điều kiện cho phép.
Có thể tham khảo mức giảm trừ gia cảnh trong tương quan với mức tăng trưởng GDP của đất nước (quy mô kinh tế tăng, tất yếu thu nhập người dân tăng, giá cả, chi tiêu cũng tăng, tỉ lệ huy động về ngân sách nhà nước cũng tăng…).
Năm 2007 khi Luật Thuế thu nhập cá nhân được ban hành, mức giảm trừ gia cảnh là 4 triệu đồng/tháng với người nộp thuế và 1,6 triệu đồng/tháng với người phụ thuộc, trong khi GDP bình quân đầu người 919 USD.
Đến năm 2024 GDP bình quân khoảng 4.700 USD, tăng khoảng 5,1 lần so với năm 2007.
Vì thế khi sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân lần này có thể căn cứ vào GDP bình quân đầu người năm 2024 để đặt mức giảm trừ gia cảnh khoảng 20 triệu đồng đối với người nộp thuế và 8-9 triệu đồng đối với người phụ thuộc, áp dụng với vùng 1 (các đô thị lớn) là phù hợp.
Và cũng cần tính toán thu hẹp dần khoảng cách giữa nhu cầu chi tiêu của người nộp thuế và người phụ thuộc để phù hợp với thực tế hiện nay.
Các vùng khác điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh giảm tương đối theo mức lương tối thiểu các vùng còn lại, thấp nhất là vùng 4 với khoảng 15 triệu đồng với người nộp thuế và 6-7 triệu đồng với người phụ thuộc.
Bên cạnh đó cần giảm các bậc tính thuế thu nhập cá nhân, giảm tỉ lệ thuế suất đối với các bậc thấp và nâng tỉ lệ thuế suất với các bậc cao để tăng tính điều tiết về thu nhập, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo quốc gia…
Đồng thời, cần quy định cơ chế, thẩm quyền điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh linh hoạt hơn, theo hướng giao cho Chính phủ xem xét, quyết định là phù hợp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận