20/06/2020 08:12 GMT+7

Chính phủ giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác

TIẾN LONG
TIẾN LONG

TTO - Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc tổ chức họp báo hôm qua (19-6) công bố kết quả kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

Chính phủ giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác - Ảnh 1.

Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trao đổi tại họp báo - Ảnh: quochoi.vn

Đánh giá về kỳ họp, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết trước tình hình dịch bệnh COVID-19, Quốc hội lần đầu tiến hành họp trực tuyến sau 75 năm hoạt động và là nước thứ 4 áp dụng hình thức này. 

Kết quả kỳ họp đạt được rất tốt, mở ra cơ hội để tiếp tục nghiên cứu đổi mới hoạt động của Quốc hội. Qua thăm dò, đại đa số đại biểu đánh giá cao hình thức tổ chức họp tại kỳ họp thứ 9 và gần 74% đề nghị tiếp tục áp dụng việc chia kỳ họp ra hai đợt như vừa qua.

Trước đó, Quốc hội thông qua nghị quyết chung của kỳ họp, trong đó nêu kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã thông qua 10 luật, 21 nghị quyết và cho ý kiến 6 dự án luật. Nghị quyết nhận định những tháng đầu năm 2020, tình hình quốc tế, trong nước có những biến động lớn chưa từng có do tác động của đại dịch COVID-19. 

Kinh tế thế giới rơi vào suy thoái, các đối tác lớn của Việt Nam đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế chịu tác động nặng nề; nhiều hoạt động kinh tế - xã hội ngưng trệ.

Chính phủ giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác - Ảnh 2.

Đồ họa: TẤN ĐẠT

Quốc hội giao Chính phủ chủ động trong điều hành ngân sách nhà nước năm 2020 phù hợp với tình hình thực tế. 

Tập trung thực hiện các giải pháp chống thất thu, tiết giảm chi ngân sách nhà nước, cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, đi công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương (trừ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Y tế; kinh phí thực hiện năm Chủ tịch ASEAN, năm Chủ tịch AIPA và các hoạt động ngoại giao quốc gia khác của Bộ Ngoại giao) và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020.

Mặt khác, chỉ đạo các địa phương chủ động sử dụng nguồn lực của địa phương để thực hiện các nhiệm vụ chi quan trọng. Trường hợp hụt thu và phải chi những khoản chi cần thiết nhưng thiếu nguồn thì sử dụng dự phòng ngân sách, quỹ dự trữ tài chính, tăng thu, tiết kiệm chi và các nguồn hợp pháp khác.

Trường hợp sau khi sử dụng tất cả các giải pháp và nguồn lực trên mà còn khó khăn, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh các chỉ tiêu về ngân sách nhà nước tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Ngoài ra, trường hợp cần thiết, Chính phủ chủ động điều chỉnh kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách trung ương năm 2020 giữa các bộ, ngành, địa phương trong tổng mức vốn ngân sách trung ương năm 2020 đã được Quốc hội quyết định. 

Bảo đảm việc sử dụng vốn đầu tư công tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí vốn, nhất là đối với các dự án chậm triển khai, kém hiệu quả và báo cáo Quốc hội về việc điều chỉnh này tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.

Tiếp tục biên soạn, thẩm định sách giáo khoa lớp 2 đến 12

Quốc hội cũng giao Chính phủ tổng kết, rút kinh nghiệm quá trình xã hội hóa việc biên soạn, phát hành sách giáo khoa lớp 1.

Tiếp tục chỉ đạo việc biên soạn, thẩm định sách giáo khoa từ lớp 2 đến lớp 12 bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới theo lộ trình quy định.

Hoàn thiện quy trình, chính sách biên soạn sách giáo khoa phổ thông.

10 phát ngôn ấn tượng, gây tranh cãi tại kỳ họp Quốc hội thứ 9 10 phát ngôn ấn tượng, gây tranh cãi tại kỳ họp Quốc hội thứ 9

TTO - Tuổi Trẻ Online trích đăng 10 phát biểu của các đại biểu Quốc hội, đại diện bộ, ngành xoay quanh các vấn đề kinh tế, xã hội, gây ấn tượng hoặc nhiều tranh cãi tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV kết thúc chiều nay 19-6.

TIẾN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên